A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm Tin Trong Nước Tháng 11/2018

Một số kết quả chủ yếu của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Từ ngày 02-06/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ 8, tại thủ đô Hà Nội, để bàn và quyết định một số nội dung quan trọng:
(1) Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019
- Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018: Năm 2018, nền kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tính tăng dưới 4%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 475 tỉ USD và là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu. Tăng trưởng GDP dự báo vượt chỉ tiêu đề ra (6,7%). Tỉ lệ hộ nghèo còn 5,2-5,7%, giảm 1-1,5%. Cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu, vị thế và uy tín nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. 
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn còn chậm. Sản xuất kinh doanh, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có nơi còn diễn biến phức tạp.
- Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018-2019: (i) Tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. (ii) Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. (iii) Tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. (iv) Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. (v) Chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. (vi) Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. (vii) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. (viii) Làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc. 
(2) Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thông qua nội dung cơ bản Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu chung là xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, góp phần quan trọng xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra 05 chủ trương lớn (Phát triển kinh tế biển và ven biển, phát triển biển dựa vào lợi thế tự nhiên gắn với bảo tồn, bảo vệ môi trường biển, xây dựng văn hóa biển, đảm bảo an ninh biển và hợp tác quốc tế về biển); 03 đột phá và 07 giải pháp để thực hiện mục tiêu trên.
(3) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy  viên Ban Bí thư, Ủy  viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(4) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất, quyết định thành lập 05 tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn Kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Đồng thời, yêu cầu các Tiểu ban khẩn trương xây dựng chương tình, kế hoạch sớm đi vào hoạt động.
(5) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV; bầu bổ sung hai Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII;…
(6)Về thi hành kỷ luật cán bộ: Xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủyviên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016. Xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Minh, nguyênỦy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
(7) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 7 đến Hội nghị Trung ương 8 khoá XII; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2017; và một số vấn đề quan trọng khác.

Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương
……………………………

- Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ ba tại Việt Nam và những nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giới:  Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ ba với chủ đề “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025” đã khai mạc vào chiều 25/10/2018, tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN được tổ chức 3 năm một lần. Việt Nam vừa nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ ba cho giai đoạn 2018-2021. Tới dự Hội nghị, có 10 Bộ trưởng, các trưởng đoàn của các nước thành viên và Phó Tổng thư ký ASEAN.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng thông qua Tuyên bố chung nhằm khẳng định cam kết và các định hướng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, bảo đảm quyền an sinh xã hội; hướng tới thực hiện mục tiêu chung của Cộng đồng năm 2025 và thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 69/144 nước được xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực, là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất thế giới ở mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 là 27,2% (132 đại biểu nữ/485 tổng số đại biểu), cao hơn mức trung bình 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu. Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu đạt được ít nhất 30% tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ trong nhiệm kỳ tới. 
Nguồn Đài Tiếng nói Việt Nam


Thống kê truy cập
Hôm nay : 173
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 173
Năm 2024 : 505.519