A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin trong nước (Bản tin tháng 10)

1. Một số nội dung trọng tâm về tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020: Ngày 28/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền Bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý sau:
Về nội dung tuyên truyền: 
Tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu sau: (i) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo. (ii) Các văn bản luật pháp quốc tế, thỏa thuận song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan đến biển, đảo. (iii) Những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam. (iv) Phát triển kinh tế biển, đảo, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hàng hải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; bảo vệ môi trường. (v) Giáo dục cho ngư dân về các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản như: Nuôi trồng, thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ, hậu cần nghề cá...; chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ứng phó với rủi ro, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, dự báo ngư trường, mùa vụ, thời tiết, đối tượng đánh bắt; chính sách khuyến khích ngư dân định cư lâu dài; gương cá nhân và tập thể tiên tiến, điển hình trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Về tổ chức thực hiện Đề án:
(i) Các bộ, cơ quan và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; cung cấp thông tin các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công cuộc phát triển kinh tế biển, đảo và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
(ii) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: a) Chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, xuất bản, hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam. b) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế tại địa phương. c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Đề án. d) Cân đối và bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
(iii) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án), Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cụ thể đã được giao trong Đề án.
2. Một số kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng 05 năm qua: Sau 05 năm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập (Ngày 01/02/2013), nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Cụ thể là:
Thứ nhất, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với mức án nghiêm khắc và nhân văn; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng. Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 40 vụ án, với 500 bị cáo nhận các mức án nghiêm khắc (10 bị cáo với 11 án tử hình, 19 bị cáo với 20 án tù chung thân, 459 bị cáo tù có thời hạn từ 12 tháng đến 30 năm...)Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũngđạt trên 31%; việc kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 35 ngàn tỷ đồng.
Thứ hai, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Trong 05 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 01 đồng chí Ủy Viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Từ năm 2013 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”
Thứ tư, công tác cán bộ; cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều đổi mới, nhất quán, rõ ràng, chỉ đạo giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ; “không chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng...
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Nhân dân và báo chí trong phòng chống tham nhũng với nhiều hình thức: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục; công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng;  đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch của Đảng, Nhà nước...
Thứ sáu, chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, từng bước mở rộng ra ngoài khu vực Nhà nước. 
Về các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng.
Thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. 
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. 
Thứ tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thứ sáu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng
Thứ bảy, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính trong các cơ quan chống tham nhũng. Từng bước tiếp tục mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực Nhà nước một cách phù hợp, mở rộng hợp tác quốc tế về Phòng chống tham nhũng.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 171
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 171
Năm 2024 : 505.517