A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực tiếp nhận và sức đề kháng của cán bộ, đảng viên đối với sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ngoài

Cùng với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng, các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật vào nước ta ngày càng nhiều cả về số lượng, loại hình, qua rất nhiều kênh khác nhau. Để đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực tiếp nhận và sức đề kháng đối với các sản phẩm văn hóa, văn nghệ nước ngoài du nhập vào nước ta, cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo về chính trị và văn hóa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Bằng khen cho các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Ảnh: chinhphu.vn

1. Những kinh nghiệm và tấm gương lớn

Toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, phức tạp trong thế giới hiện đại, nó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng, lan tỏa, thâm nhập vào các lĩnh vực khác của đời sống, từ chính trị, xã hội đến văn hóa... Đó là “xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh”. Toàn cầu hóa còn rất nhiều nội dung lớn cần thảo luận, nghiên cứu, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà thế giới đang có những biến động lớn, khó lường với nhiều “ẩn số”.

Xét về mặt lịch sử và đặc trưng văn hóa, văn hóa Việt Nam có sự giao thoa, tiếp nhận, tác động lẫn nhau với văn hóa các nước và văn hóa khu vực. Quá trình này diễn ra không ngừng, theo cả chiều dài lịch sử, không gian và địa - văn hóa. Lãnh thổ nước ta có một đặc điểm, một lợi thế lớn là nằm trên vùng đất luôn có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau giữa nhiều nền văn hóa. Từ thời dựng nước đã là sự giao thoa giữa văn hóa Đông Nam Á với văn hóa Đông Á và sau này là giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Đến thời cận đại, đó là sự giao lưu, tác động lẫn nhau giữa văn hóa châu Á với văn hóa châu Âu trên lãnh thổ Việt Nam... Văn hóa và con người Việt Nam đã trưởng thành, khẳng định mình và tạo nên những giá trị độc đáo của dân tộc mình dựa trên một năng lực rất đặc biệt, đó là tự nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình - văn hóa bản địa, vừa biết chọn lọc, tiếp nhận những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã khẳng định: Văn hóa Việt Nam “là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình” và từ đó “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.

Lịch sử dân tộc không chỉ cho ta kinh nghiệm chung mà còn để lại cho đời sau những tấm gương sáng ngời, cao đẹp như là kết quả của sự kết hợp sâu xa, nhuần nhuyễn của hồn cốt dân tộc và sự tiếp nhận có chọn lọc, thông thái và giàu sức sáng tạo văn hóa - văn nghệ nước ngoài. Đó là tấm gương của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ...; ở thời xa xưa cho đến đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám... đã “đằm” mình với văn hóa Trung Hoa, nhưng cả cuộc đời vẫn giữ cốt cách Việt Nam, trở thành biểu tượng rực rỡ của văn hóa Việt Nam, của khí phách, bản lĩnh, tâm hồn Việt.

Trong thời kỳ hiện đại, những người được đào tạo bởi văn hóa Pháp, châu Âu, Nhật Bản... nhưng cả cuộc đời thủy chung với Tổ quốc, tình yêu dân tộc và nhân dân, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước, trọn đời cống hiến, hy sinh cho cách mạng như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đức Thảo, Lương Đình Của, Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Thiêm...

Song, tấm gương sáng ngời nhất của sự kết hợp Đông và Tây, Việt Nam và thế giới, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thổ lộ chân thành và đánh giá sâu sắc những giá trị mà Người chọn lọc và tiếp nhận cho mình trong các học thuyết của Khổng Tử, Giêsu, C. Mác và Tôn Dật Tiên là một minh chứng không chỉ là kinh nghiệm ứng xử văn hóa của bản thân Người, mà có lẽ, đã trở thành một quan niệm tiếp nhận, chọn lọc, sàng lọc của văn hóa, con người Việt Nam đối với văn hóa thế giới. Người viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là thích hợp với điều kiện nước ta. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

Từ suy nghĩ ấy, Người khẳng định: Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam. Paulmus, tác giả của công trình “Hồ Chí Minh, Việt Nam, Á Châu” đã có một nhận xét sâu sắc: Người ta thấy một người Á Đông gia nhập hàng ngũ của Mác, có thể trở thành người cộng sản ngay trên đất nước mình, không hề lay chuyển, nhưng cộng sản theo cách của mình, bởi vì Người tìm cách diễn tả và làm sinh động học thuyết đó bằng những dạng truyền thống tương tự. Có thể nói, Hồ Chí Minh chính là tấm gương sinh động và độc đáo nhất mà tất cả những người đảng viên, cán bộ của Đảng cần hết lòng học tập và làm theo trong điều kiện toàn cầu hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa hiện nay và những năm tới.

2. Về năng lực tiếp nhận và sức đề kháng

Cùng với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng và phức tạp, các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật vào nước ta ngày càng nhiều cả về số lượng, loại hình, qua rất nhiều kênh khác nhau, ngày càng hiện đại và theo đó là các khuynh hướng, trào lưu khác nhau, thậm chí đối lập nhau du nhập vào nước ta. Ngay cả trên các kênh gọi là “chính ngạch” như trên truyền hình, mạng xã hội (Internet) thì các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ngoài cũng được truyền bá vào nước ta một cách hỗn tạp, thiếu chọn lọc, đã tác động đa chiều, phức tạp, làm biến đổi nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận người tiếp nhận, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có thể nghĩ rằng, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ranh giới địa lý - hành chính giữa các quốc gia, đối với các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật trở nên rất mờ nhạt mà người ta đã nói đến một “thế giới phẳng”. Song có lẽ, về mặt con người của một đất nước, một dân tộc, không thể nghĩ như vậy.

Có thể thấy một thực tế khách quan rằng, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, không thể “đứng ngoài”, không thể “bế quan tỏa cảng”, “phong bế” xu thế, xu hướng hội nhập, giao lưu, tiếp biến văn hóa.

Người dân thưởng thức tiết mục múa dân gian của Nga trong khuôn khổ Festival Huế 2022.

Các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ngoài du nhập vào Việt Nam chỉ khi đến với người tiếp nhận mới phát huy tác dụng tích cực hay tiêu cực, đúng hay sai, hay hay dở... Vì vậy, cần quan tâm trước hết đến người tiếp nhận trực tiếp. Có thể nêu lên một số biểu hiện sau:

- Những người không có điều kiện, thời gian và cả ý thích không hoặc rất ít tiếp xúc với các loại hình văn hóa, văn nghệ nước ngoài. Cảm giác xa lạ, không cần thiết và có dấu hiệu “định hình” với những cái đã biết đồng thời không chịu tác động gì từ các sản phẩm trên.

- Những người có năng lực, bản lĩnh đánh giá, chọn lọc để tiếp thu một cách tỉnh táo, thông minh những giá trị đích thực và mới, đồng thời gạt bỏ, cảnh giác với những lệch lạc, sai trái hoặc không phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng là quan điểm của chính họ.

- Những người lúng túng, bị động, không đủ năng lực, trình độ đánh giá đúng - sai, mục đích và động cơ của người sáng tác, dẫn tới sự hoang mang “đứng ở ngã ba đường” của sự lựa chọn.

- Những người bị chinh phục bởi những tư tưởng, quan điểm họ cho là “mới, là sự thật, là chân lý” mà lâu nay họ bị “đánh lừa” hoặc “bịt mắt”, giờ đây tiếp xúc với các loại sản phẩm trên, họ cảm nhận như một “phát hiện mới”, từ đó có thể “lảng tránh” hoặc rơi vào vũng bùn cơ hội chính trị, thậm chí “trở cờ”.

- Những người quá quen thuộc với hệ hình tư duy sáng tạo truyền thống nên khi tiếp xúc với các sản phẩm văn hóa, văn nghệ hiện đại đã bộc lộ thái độ không chấp nhận hoặc có phần “dị ứng” với các sản phẩm trên.

Có thể lấy một số dẫn chứng cụ thể làm rõ những biểu hiện trên như sau: Năm 2011, tác phẩm Tại sao Mác đúng? của Giáo sư Ferry Eayleton (Đại học Tổng hợp Lancaste - Anh) được xuất bản tại Mỹ. Năm 2018, Nhà xuất bản Lý luận chính trị cho dịch và xuất bản ở Việt Nam. Tác giả xác định minh bạch rằng, bản thân ông không theo chủ nghĩa Mác nhưng quan tâm nó như một đối tượng khoa học cần nghiên cứu để tìm ra bản chất của nó và đặc biệt liên hệ, gắn nó với những vấn đề của thế giới hiện đại. Điều đó có nghĩa là, ông nghiên cứu chủ nghĩa Mác hoàn toàn với thái độ khoa học, khách quan, không lệ thuộc vào hệ tư tưởng - ý thức có sẵn nào. Tác giả lần lượt trích dẫn 10 nội dung lớn mà một số nhà chính trị học, triết học, kinh tế học phê phán chủ nghĩa Mác để từ đó, trao đổi, tranh luận, phản bác lại và bảo vệ những cái đúng của Mác và xác định Mác đúng cả trong thời đại của ông và cho đến hiện nay. 10 vấn đề đó gần như bao quát toàn bộ nội dung quan trọng của học thuyết Mác. Mặt khác, từ góc nhìn hiện nay, tác giả đã khách quan nêu lên một số hạn chế có tính lịch sử - cụ thể của học thuyết Mác, song điều đó không làm thay đổi cái đúng của Mác. Tác giả còn dành nhiều trang phân tích sâu và có tính khoa học về một số khái niệm quen thuộc mà lâu nay có khi chúng ta hiểu còn đơn giản, chung chung, máy móc, giáo điều như đấu tranh giai cấp, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản, cách mạng bạo lực và phương tiện hòa bình, chuyên chính vô sản... Mặc dù có một số lý giải của tác giả chưa phù hợp với quan điểm của người đọc, song công trình này thể hiện rõ sự am hiểu và thái độ khách quan, khoa học của một nhà nghiên cứu hiện đại phương Tây về chủ nghĩa Mác.

Năm 1958, cuốn sách Bước đến tự do của Mục sư Martin L. King Jr. - một nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng thế giới trong việc bảo vệ quyền bình đẳng của người da đen, da màu và chống phân biệt chủng tộc. Năm 2020, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã dịch và xuất bản cuốn sách này. Cuốn sách tái hiện cặn kẽ, tỉ mỉ, trung thực cuộc đấu tranh kiên trì, gian nan chống phân biệt chủng tộc ở đô thị vùng Montgomery nước Mỹ. Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn trên thế giới. Mục sư L. King trở thành biểu tượng cho ý chí đấu tranh vì tự do của người da đen chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Song, ông cho rằng, phương pháp duy nhất đúng trong đấu tranh là phi bạo lực và tình yêu thương. Ông dành nhiều trang khẳng định quan điểm trên của mình và phê phán hai quan điểm: chịu nô lệ hay dùng bạo lực gây hận thù, chết chóc. Ông khâm phục, ủng hộ Gandi - người chủ trương chỉ áp dụng phương thức đấu tranh phi bạo lực. Phải chăng, L. King đã rơi vào ảo tưởng? Cái chết vì bị ám sát là một nỗi đau của một con người vĩ đại trong một xã hội còn nhiều bạo lực đen tối cần thiết phải đấu tranh bằng cả phi bạo lực và bạo lực chân chính, khi cần thiết. Phải chăng, cần xác định cách tiếp cận khoa học, điềm tĩnh và thực tiễn khi cán bộ, đảng viên đến với cuốn sách này.

Những năm gần đây, chúng ta dịch khá nhiều các tác phẩm thuộc các xu hướng và trào lưu triết học, tư tưởng khác nhau, trong đó có những học giả nổi tiếng tầm thế giới, như Ôsô hay J. Krishanamutri. Lấy dẫn chứng một tác phẩm của J. Krishanamutri “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống” - xuất bản ở Mỹ năm 1953. Tác giả Krishanamutri (1895 - 1986) là một học giả nổi tiếng của Ấn Độ đồng thời là một nhà diễn thuyết tài ba về rất nhiều vấn đề lớn của con người, của loài người. Ông đã diễn thuyết ở nhiều nước trên thế giới, ở cả Liên hợp quốc... Tác giả là một hiện tượng “khác lạ”. Tuy là người Ấn Độ nhưng ông khẳng định mình không thuộc bất cứ quốc tịch nào, tầng lớp nào, tôn giáo nào hay trường phái triết học, chính trị nào, mà tự coi mình là người của nhân loại nói chung. Từ đó, trong các tác phẩm và bài diễn thuyết của mình, ông phê phán tất cả các trường phái, các học thuyết, cả duy tâm và duy vật... Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trong cuốn sách Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, ông cho rằng giáo dục phải làm cho con người trở thành tự do, có trí tuệ, tình yêu, sự tử tế, thoát khỏi nỗi sợ hãi để các em trở thành chính mình. Đó là một ý tưởng nhân văn. Mặt khác, theo tư duy cực đoan của mình, ông phê phán giáo dục phụ thuộc ý thức hệ, vào truyền bá các tư tưởng, vào chủ nghĩa dân tộc và cả chủ nghĩa yêu nước cực đoan. Ông còn nêu lên một số ý tưởng “khác lạ” như “qua việc bảo vệ chủ quyền, chúng ta đang hủy diệt những đứa con trai của chúng ta”...

Các ý tưởng về giáo dục của của tác giả có những nội dung tốt, nhân văn, song từ xác định chỗ đứng của riêng mình vượt lên trên mọi giai cấp, dân tộc, quốc gia, trường phái, tôn giáo nên nhiều ý tưởng của ông rơi vào sự ảo tưởng, trong đó có một số nội dung không phù hợp với quan điểm của Việt Nam.

Khi dịch và xuất bản cuốn sách này, Nhà xuất bản cần có bài giới thiệu, phân tích một cách khoa học để người đọc chọn lọc, đánh giá. Những cuốn sách như vậy, chắc rằng, sẽ còn xuất hiện ở nước ta. Người tiếp nhận, một mặt được mở mang những xu hướng mới lạ, đồng thời cần một bản lĩnh, trình độ để chọn lọc, đánh giá, để giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng trong tư duy và hoạt động của mình, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã có xuất hiện một vài tác phẩm sáng tác văn học nước ngoài với ẩn ý sâu xa, bằng hình tượng nghệ thuật, phủ định, giễu nhại chủ nghĩa xã hội. Có thể kể đến tiểu thuyết “Chuyện ở nông trại” của George Orwell - nhà văn Anh (xuất bản lần đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai) và tác phẩm “Chúng tôi” của một nhà văn thời Liên Xô (trước đây) đã bị phê phán và sau này được xuất bản ở châu Âu và Mỹ.

Cả hai tác phẩm đều viết dưới dạng “ẩn dụ”. “Chuyện ở nông trại” kể về các loài vật vì căm tức con người đã tập hợp nhau “khởi nghĩa” lập chính quyền để tiêu diệt kẻ thù “con người”. Các con vật gọi nhau là “đồng chí”. Ông Cả “con lợn giống Trung Bạch”, con vật cầm đầu các con vật khác đã hùng hồn diễn thuyết kêu gọi khởi nghĩa: “Hỡi các đồng chí, rằng tất cả những điều tàn ác đổ xuống đầu chúng ta đều do ách chuyên chế của con người mà ra. Chỉ cần loại bỏ con người...” - “Khởi nghĩa” thành công nhưng “xã hội mới” của các con vật không tổ chức được vì sự dốt nát và đấu đá nhau!

Tiểu thuyết “Chúng tôi” miêu tả một xã hội kỳ quái. Tất cả con người không có tên riêng, chỉ có ký hiệu. Tất cả cảm xúc của con người đều bị kiểm soát, tiêu diệt, đến quan hệ tình dục (vợ chồng) cũng bị quy định giờ giấc (45’) và “tiến hành” công khai trong phòng 4 mặt là kính... Ai vượt ra khỏi các quy định kỳ quái, nghiệt ngã đều bị ra tòa án xét xử...

Đây là những tác phẩm xuyên tạc lịch sử, bôi đen, phỉ báng, giễu nhại, phủ địch ác độc chủ nghĩa xã hội đang hình thành những năm đầu thế kỷ XX, được cơ quan quản lý chặt chẽ, ngăn chặn khi nó tiếp xúc với người đọc.

Mấy năm gần đây, trong giới nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật có ý kiến cho rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta là “nội chiến”, là “chiến tranh ủy nhiệm”. Quan điểm đó đã ảnh hưởng đến một vài sáng tác văn học về chiến tranh ở nước ta. Nếu quan điểm này không được phê phán một cách kiên quyết và khoa học sẽ có hại lớn không chỉ trong văn học, nghệ thuật mà sẽ lan truyền sang định hướng chính trị, tư tưởng của người dân, của cán bộ, đảng viên. Đó không chỉ là sự xuyên tạc lịch sử mà còn là bội ơn đối với các thế hệ cha anh.

3. Một vài khuyến nghị

- Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực tiếp nhận và sức đề kháng đối với các sản phẩm văn hóa, văn nghệ nước ngoài du nhập vào nước ta, cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo về chính trị và văn hóa. Văn hóa đang là một “lỗ hổng” đáng lo ngại trong nhận thức và trình độ của cán bộ, đảng viên.

- Tổ chức lại tất cả các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, chức năng quản lý, quảng bá, thẩm định các tác phẩm thuộc tất cả các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật có đủ trình độ chọn lọc các giá trị đích thực, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển, vừa có ý nghĩa định hướng đúng đắn về chính trị, tư tưởng, văn hóa.

- Bố trí, sử dụng, phân công cán bộ đảng có bản lĩnh chính trị đồng thời có năng lực chuyên môn, được đào tạo và kinh qua công tác trên lĩnh vực có nhiều đặc thù này.

- Rà soát, cơ cấu và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có chức năng truyền bá các sản phẩm văn hóa, văn nghệ, đặc biệt đối với truyền hình, phát hành phim, xuất bản và các hoạt động liên kết công tư.

- Tạo được không khí phê bình, dư luận xã hội rộng rãi phê phán các sản phẩm độc hại đã du nhập vào nước ta. Đó là sức đề kháng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, vững chắc, như truyền thống lâu đời, quý báu của dân tộc ta, “nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình và biết chọn lọc tiếp nhận những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác”.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

(Tham luận in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia "Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới" - 2023).


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.405
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.189
Năm 2024 : 512.535