A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ai là thủ phạm?

Cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cơ quan Văn phòng tỉnh H. tiến hành gần một tháng. Đoàn kiểm tra đã thực hiện đầy đủ các bước từ đề cương gợi ý đề cương báo cáo giải trình; thẩm tra, xác minh, nghiên cứu báo cáo, tài liệu nhận được; làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan để thu thập văn bản, tài liệu, chứng cứ... mà sai phạm thì đã “ba năm rõ mười”. Nhưng không cá nhân nào nhận lỗi phạm thuộc về mình, mà cho rằng lỗi đó là của tập thể! Rồi những cuộc điện thoại “chỉ đạo” làm rối thêm tình hình... Nhưng cuối cùng thì lỗi phạm đó cũng được chỉ ra có người, có tên. Người đó là ai?

Ông Táo (tên đầy đủ là Bùi Quang Táo) là người đứng đầu hàng tỉnh. Trước khi lên được vị trí này, ông đã trải qua nhiều vị trí quan trọng của các cơ quan trong tỉnh nên có nhiều trải nghiệm khiến người ta phải thán phục về cách ứng xử của ông trong công việc cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người nói “học ông thì dễ nhưng làm theo ông thì khó”. Quả thật, trong thời buổi đâu đâu cũng thấy người ta nói đến phòng, chống tham nhũng thì ở tỉnh nghèo miền sơn cước này ông đã tìm ra nhiều vỏ bọc “hoàn hảo” để né tránh đến lúc nghỉ hưu vẫn “an toàn”.

Để thực hiện ý đồ và lòng tham của mình không bị lộ diện, những việc lớn ông thường mượn tay tập thể để quyết định. Với quan điểm ông luôn nói ra mồm: “Chúng ta phải triệt để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Mà tập thể ấy do ông dựng lên và người thực thi việc ấy là người nhà của ông hoặc là người thân cận.

Ngày thường ông ăn mặc xuề xòa, đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi với mọi người, cả cấp trên và cấp dưới, nên ai cũng nói ông khiêm tốn, giản dị, quần chúng. Nhưng khi giao việc mà làm trái ý ông thì ông mới bộc lộ rõ bản chất  của một người độc đoán, chuyên quyền với “bàn tay sắt bọc nhung”! Điều đáng nói là những quyết định của ông trước tập thể đều là những quyết định có lợi cho ông và đạt được tham vọng như ông mong muốn. Ví như công tác bổ nhiệm cán bộ chủ chốt, những dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, dự án về đất đai đô thị, phát triển giao thông, trường học, y tế... và gần đây nhất là dự án tin học cho các cơ quan, huyện, phường, xã... Dự án nào cũng có “tên ông” và chỉ khi ông gật đầu thì dự án ấy mới được triển khai thực hiện... Người ta nói trong cái tỉnh này thì trời của ông, đất của ông... đến con chim trên cành cũng... của ông tuốt!

Nhiều tiền lắm của nhưng trước khi về nghỉ hưu ông mới “bung lụa”.  Ở giữa thành phố quy hoạch phát triển khu đô thị mới, ông có cả hàng trăm mét vuông đất. Ông xây ngôi biệt thự hoành tráng với hai mặt tiền nhìn ra cái cái hồ đào to rộng. Từ khu đất trước cửa nhà ông người ta đào một cái hồ to rộng nhiều nghìn mét vuông. Trên bờ là ghế đá công viên và hàng liễu rủ thơ mộng. Tiếng là cho cả khu dân cư nhưng nó nằm ngay trước cửa nhà ông nên người ta liền gọi luôn cái tên: Hồ ông Táo cho tiện. Bởi không phải nhà ông ở đó thì cái hồ mọc lên làm gì? Còn những người tham gia xây biệt thự cho ông thì kháo nhau phải có nghìn tỷ mới xây được ngôi biệt thự to như vậy.

Ông sống trong nhung lụa với sự giàu có, xa hoa. Trong khi tỉnh ông vẫn thuộc diện tỉnh nghèo của miền núi. Sau những dãy nhà mặt phố có vẻ hào nhoáng là những dãy nhà ổ chuột trong các ngóc ngách với bao số phận còn đang bị bỏ quên phải chạy ăn từng bữa. Đó là chưa nói đến các huyện, xã vùng sâu vùng xa thiếu thốn đủ điều từ cái ăn, cái mặc; học sinh phải ăn mèn mén, đi chân đất tới trường; là những xóm chài ven sông đêm ngày quằn quại với công cuộc mưu sinh... Họ mỗi lần qua nhà ông đều ngước nhìn mà bình luận: Tỉnh nghèo mà quan chức thì giàu thế? Thu nhập của ông ấy từ đâu mà xây được nhà to như vậy, có họa là “cướp ngày”! Ông Táo cũng loáng thoáng nghe có người nói vậy rất lấy làm bực mình. Nhưng tự an ủi, nỗ lực cả đời để được làm quan sống bằng bổng lộc; có giỏi thì phấn đấu lên đó mà làm - đúng là lưỡi miệng thế gian, không thèm chấp!

Trở lại việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm ở Văn phòng tỉnh. Cách đây vài năm Dự án tin học trên địa bàn tỉnh được triển khai và chuyện ăn bớt phần trăm nhiều tỷ đồng tiền trang thiết bị từ nguồn ngân sách cuối cùng cũng được cơ quan có thẩm quyền chỉ ra và có người chịu án kỷ luật về Đảng và pháp luật. Nhưng dư luận vẫn còn đó xôn xao: Người thực hiện dự án có phải là thủ phạm chính? Ai là người quyết định cho người triển khai thực hiện dự án? Quá trình thực hiện cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thẩm định? Người trong cuộc thì phàn nàn rằng: “Kẻ ăn rươi, người chịu bão”; “Quýt làm, cam chịu”... “Có được ăn đấy nhưng sếp lớn hớt hết váng rồi”; còn toàn “cặn bã” thôi, nhưng đã lộ thì phải chịu trận! Chứng cứ đâu? Có khai ra cũng chẳng ai tin. Cơ quan có thẩm quyền hỏi ông thì ông trả lời tỉnh bơ: Quyết định là của tập thể, giao cho người nào làm mà người ấy làm sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm - đúng quá!

Nhưng câu chuyện không đơn giản vậy. Người ta kháo nhau khi vụ việc bị phát hiện ông Táo đã cho gọi người nhà thực hiện dự án đến vừa an ủi, vừa răn đe. Ông nói: Đã dám làm thì dám chịu, có gì tôi sẽ đỡ cho; cấm không khai lung tung... chứng cứ đâu? Cẩn thận không thì cả nhà chịu trận. Nghe đồn ông mang nhiều tỉ đồng đi giao dịch vừa để đệ tử nhẹ tội, vừa để bịt không cho vụ việc lan ra!

Chuyện Dự án tin học chỉ là “ngàn lẻ” những chuyện ông Táo hồi còn đương chức quyết định cho triển khai có sai phạm. Đó là các dự án xây dựng cơ bản, giao thông, đô thị, du lịch, y tế, xóa đói giảm nghèo... cái thì hàng chục năm nay chưa hoàn thành, cái đã hoàn thành nhưng chưa tất toán xong đã hỏng, cái thì còn nằm chềnh ềnh chờ thẩm định lại... Nhưng có một điều “đã xong” là phần “lúa non” ông Táo đã “gặt”.

Chắc hẳn “Bàn tay không che kín mặt trời”, “Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra”... vì người dân, cán bộ, đảng viên liêm chính nhìn thấy tài sản, cơ ngơi của ông và những việc ông làm hồi còn đương chức lòng, họ đâu đã yên! Rồi đây có việc sẽ tiếp tục bị phanh phui; cơ quan chức năng, cơ quan phòng, chống tham nhũng khi phát hiện ra, chắc chắn sẽ gọi đến tên ông Táo và những thuộc hạ của ông một thời; rồi “mời” tất cả về “chầu trời” chịu trận! Đâu phải đợi đến 23 tháng Chạp. Hạ cánh đâu đã an toàn. Bởi ông mới chính là... thủ phạm!

Trung Ngôn


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.571
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.355
Năm 2024 : 513.701