A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“ Làm quan nên lấy thanh bạch mà để cho con cháu…”

Nguyễn Đăng Tuân (1772 - 1845), tự là Tín Phu, hiệu là Thận Trai, người làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, là con của Tiến sĩ thời Lê Nguyễn Đăng Hoành. Tuy không đỗ đạt, nhưng Nguyễn Đăng Tuân có trình độ uyên thâm nên vào đời Gia Long (1802 - 1819), ông được tiến cử vào làm việc ở Hàn lâm viện, sau đó trải nhiều chức quan khác nhau, cao nhất là Tham tri Bộ Lễ.Sử cũ ghi ông tính thận trọng, ít nói, trải thờ ba triều (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị); đã ba lần về nghỉ (vào các năm Tân Mão, 1831; Bính Thân, 1836; Tân Sửu, 1841) rồi lại được vời ra làm việc; luôn thể hiện sự mẫn cán, hết lòng vì việc công, sâu sát với thực tế, thẳng thắn và liêm khiết.

 Năm đầu đời Minh Mạng (Canh Thìn, 1820), được bổ làm Thiêm sự bộ Lễ, Nguyễn Đăng Tuân đã dâng sớ có nội dung 6 điểm, đề nghị cải tổ nhiều mặt của bộ máy công quyền, trong đó điều đầu tiên là đặt Viện Ngự sử, chọn quan văn võ trọng thần đứng đầu, để trong thì đàn hặc, sửa chữa trăm quan, khiến họ gắng sức siêng năng, bên ngoài thì kiểm soát quan các phủ, huyện, để răn sự gian tham, nhũng lạm. Điều thứ hai là đặt chức Thái phỏng sứ: Chọn quan ở Kinh đô, thanh liêm, trung trực, đứng đắn, đi khắp các châu quận để xét tình hình chính sự, cuộc sống của dân tình địa phương, căn cứ vào đó mà nghiêm xét quan địa phương sở tại giỏi hay không và để thấu suốt lợi bệnh (những khó khăn và thuận lợi) của trăm dân.

Trong lần trở lại quan trường thứ hai (năm Ất Mùi, 1835), Nguyễn Đăng Tuân được sung chức Sư bảo (dạy các hoàng tử), trong số đó có Nguyễn Phúc Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị. Ông đề ra điều lệ, liệt ra các đề mục rõ ràng, để cho các dạy từ lúc bé được đúng đắn và dâng lên. Nhờ dạy bảo nghiêm, ông được ban hàm Thượng thư. Vua Thiệu Trị rất kính trọng ông, thường gọi ông là “Thận Trai tiên Sinh” mà không dám gọi tên Húy. Sau khi ông về nghỉ, vua vẫn mến nhớ không nguôi, thường sai quan đến thăm hỏi. Năm Thiệu Trị thứ tư (Giáp Thìn, 1844), vua sai Nội các mang sắc thư đến nhà hỏi thăm sức khỏe, phong thực thụ hàm Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ, hàng năm cấp cho một nửa nguyên bổng, lại cho một người con thứ được tập ấm, giữ chức tư vụ, cho cháu nội là Cử nhân Nguyễn Đăng Hành cùng ở nhà để phụng dưỡng ông. Tuy nhiên, Nguyễn Đăng Tuân đã dâng sớ khẩn thiết chối từ với hai điều (hai lý do).

Nghe tin thầy mất, vua Thiệu Trị đã rất tiếc thương và gia cấp nhiều thứ để lo việc ma chay
Nghe tin thầy mất, vua Thiệu Trị đã rất tiếc thương và gia cấp nhiều thứ để lo việc ma chay

Điều thứ nhất, Nguyễn Đăng Tuân tâu với vua: “Quan tước dùng để khuyến khích người hiền tài, bổng lộc dùng để nuôi dưỡng người liêm khiết. Thần là con nhà tầm thường, nổi lên làm quan, đến thự tòng nhất phẩm; nay đã không thể làm được việc gì nữa, chỉ chống gậy ở làng, vui xem thái bình, đã lấy làm may mắn, vượt quá phận rồi. Vậy mà thân đang ở chốn đồng nội lại được ngồi lên bậc cao, không đúng với thực trạng xét công, mà chịu ơn sâu đặc cách, nên lòng thần vẫn không tự yên”.  

Điều thứ hai, Nguyễn Đăng Tuân tâu: “Thần trải thờ ba triều, cậy nhờ lương bổng làm quan đã lâu. Cha ông thần có ruộng để lại hơn trăm mẫu, làm lấy mà ăn, không đến nỗi thiếu thốn; hơn nữa lại được nhiều lần ban cho bạc lụa ưu hậu, cũng đủ để nuôi sống lúc tuổi thừa. Con thần là Đăng Giai hiện được chi lương tòng nhị phẩm, số thừa về lương bổng ấy, hàng năm thường biếu thần một nửa, để chi về củi gạo. Nay lại được ấm thụ cho con thứ của thần là Đạc, cháu đích tôn là Đăng Hành đều ở nhà để phụng dưỡng, thì hết thảy đồ phụng dưỡng về ăn mặc của thần là được yên lòng, không lo về sự không đủ. Nay được lộc quá phân lượng, lòng thần thấy không được yên. Vả lại, thần nghe người đời xưa nói rằng, “Phàm việc gì cũng nên để đức có thừa không hết về sau, làm quan nên lấy thanh bạch mà để cho con cháu”. Tấm lòng từ lúc bình sinh của thần tưởng chắc là thánh minh đã soi thấu rồi. Nếu nhờ lòng nhân từ của thánh thượng rủ lòng thương xót thì về khoản hàng năm được một nửa lương bổng, thần xin kính lĩnh một kỳ để gọi là có được vinh hạnh về của vua ban cho, mà tỏ rõ đạo khuyên trung khuyên hiếu của hoàng thượng. Còn như việc gia thưởng cho quan hàm cùng khoản chi bổng từ sang năm về sau, xin chiều theo chí của thần, chuẩn cho đình miễn. Như thế thì không đến nỗi hại lẽ công về danh khí (10) của triều đình, mà con cháu của thần cũng đời đời được nhờ phúc cùng nước, đều vui, dài đức trạch, tức là thần đã chịu ơn nước, không biết gấp mấy lần rồi. Sớ dâng lên, vua Thiệu Trị bằng lòng về lời tâu của Đăng Tuân.

Mấy tháng sau, vào mùa Đông năm đó (Giáp Thìn, 1844), Nguyễn Đăng Tuân lâm bệnh và qua đời, thọ 73 tuổi. Vua truy tặng ông chức Thiếu sư, ban tên Thụy là Văn Chính, lệnh cho quan địa phương lo việc tang tế.

(Nguồn: Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 3, tr. 233 – 236)

Lời bàn:

Tờ sớ của Nguyễn Đăng Tuân cho thấy ông là vị quan thanh liêm, có lòng tự trọng rất cao, thấy rõ mình đã được hưởng đủ đầy ân lộc của triều đình, nên biết “dừng” lại. Vì trân trọng tình cảm của vua mà ông chỉ xin nhận một nửa bổng lộc được ban cho và chỉ nhận một kỳ, còn xin trả lại vua để dùng số lộc đó “nuôi dưỡng người liêm khiết”. Ở cương vị của ông, ông có quyền nhận ân lộc của vua, của triều đình, nhưng ông đã từ chối, bởi lý do quan trọng nhất, nếu cứ nhận, trăm quan và thiên hạ sẽ nhìn nhận một cách khác về ông, về con của ông là Nguyễn Đăng Giai đang là đại thần trong triều; thanh danh, uy tín mà cả đời làm quan, ông đã cố gắng gây dựng sẽ bị ảnh hưởng. Ông chỉ nhận một chút xíu bổng lộc vua ban không chỉ để răn mình, răn con cháu, mà còn làm gương cho bao vị quan còn đương chức.

Chẳng bù cho xã hội ta ngày nay, có nhiều người đã đủ đầy “bổng lộc” trong thời gian tại chức, khi về hưu vẫn tìm mọi phương cách để có tích lũy thêm tài sản, thậm chí nhiều người còn tiếp tay cho những hành vi tham nhũng của con em mình đang giữ các chức trách cao, những vị trí có “nhiều màu mỡ” trong bộ máy quan trường, gây ra nhiều vụ án tham nhũng rất phức tạp, khó xử lý. Hành vi của họ không chỉ làm hại con em, người thân của họ mà còn làm hoen ố hình ảnh của bản thân họ.

Thạch Thiết Hà


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.549
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.333
Năm 2024 : 513.679