A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên dân tộc Giáy tiêu biểu học tập, làm theo Bác 

CTTBTG - Xác định rõ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh. Trong những năm qua, Huyện đoàn Yên Minh đã phát hiện những tấm gương điển hình, tuyên truyền, biểu dương kịp thời và lan tỏa, tạo khí thế thi đua sôi nổi học tập và làm theo Bác là cách làm mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đoàn viên thanh niên, trong đó gương tiêu biểu nhất là đồng chí Lục Văn Truân, đoàn viên thị trấn Yên Minh là tấm gương sáng về sự giỏi giang, chịu khó, năng động trong phát triển kinh tế gia đình, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Anh Lục Văn Truân đang chăm sóc đàn ong của mình

Anh Truân sinh ra trong một gia đình làm nghề nông. Lớn lên, anh theo học ngành thiết kế đồ họa năm 2014, anh tốt nghiệp ra trường và sớm tìm được việc làm thích hợp, có mức lương khá ổn định tại thành phố. Tuy nhiên, những tháng ngày làm việc ở đây không lúc nào anh không nhớ về quê hương. Tình yêu quê đã thúc giục anh trở về và lập ra HTX chăn nuôi ong, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Anh chia sẻ, từ tháng 9.2016, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Yên Minh theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 209/NQ-HĐND của Hội đồng nhân tỉnh Hà Giang; anh đã mạnh dạn đăng ký vay vốn để phát triển mô hình khởi nghiệp nuôi ong. Đặc biệt tại Hà Giang có diện tích cây hoa bạc hà chỉ mọc duy nhất tại cao nguyên đá Đồng Văn. Cũng chính vì độ quý hiếm này mà cây hoa bạc hà được xem như một tài nguyên vô cùng quý giá của cao nguyên đá, nhất là đối với ngành nuôi ong chất lượng cao.

Dựa theo mùa hoa, anh Truân dẫn theo hàng trăm đàn ong đi khắp nơi kiếm mật.

Từ những thuận lợi trên, với số tiền 100 triệu đồng được vay vốn và gia đình hỗ trợ đầu tư, anh Truân liên hệ mua những tổ ong về tự nuôi. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên một số đàn ong bay đi mất, số còn lại phát triển kém, không cho thu mật, thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, bản thân anh không từ bỏ mà bỏ thêm thời gian nghiên cứu, đi thăm quan, học tập kinh nghiệm của các cơ sở nuôi ong và mua thêm 30 đàn ong khác về nuôi. Nhờ ham học hỏi, có thêm kinh nghiệm, đàn ong của anh phát triển tốt và cho thu khoảng 200 lít mật/năm. Thấy cơ hội làm giàu từ nghề nuôi ong, anh quyết định vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư gần 50 đàn ong về nuôi. Từ đó, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, anh Truân cùng đàn ong rong ruổi khắp nơi để kiếm mật.

Cây hoa Bạc Hà trên vùng cao nguyên đá

Mỗi đàn ong sẽ cho thu về khoảng 8 lít mật/năm.

Hiện nay, HTX của anh Truân đang nuôi khoảng 400 đàn ong. Để có sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng, anh tiếp tục đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng 150m2, mua máy hạ thủy phần và phá kết tinh mật ong.

Máy hạ thủy phần và phá kết tinh mật ong được anh Truân đầu tư để nâng cao chất lượng mật.

Xưởng sơ chế mật ong của anh cũng đạt tiêu chuẩn VIETGAP và chứng nhận an toàn thực phẩm (HACCP). Sản phẩm mật ong bạc hà, mật ong rừng của anh Truân được người tiêu dùng tin tưởng và có thị trường tiêu thụ ổn định tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, cho thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, tiến tới, anh cho biết mình sẽ làm tem, mác và làm thương hiệu mật ong của chính mình để nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong cao nguyên đá do mình làm ra.

Từ 5 đàn ong ban đầu, đến nay anh Truân đã sở hữu 300 đàn ong.

Quy mô đàn ong tiếp tục được nhân rộng

Không chỉ làm giàu cho mình, HTX của anh Truân còn góp phần tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động thanh niên ở địa phương với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình làm kinh tế hiệu quả của anh được nhiều thanh niên tại địa phương quan tâm, tìm đến học hỏi, anh đều tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Anh cho biết, ong là vật nuôi rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, … Do đó, nếu người sản xuất không nắm vững quy trình kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế sẽ thấp. Chăn nuôi ong phải được coi là một nghề, và nghề này cần phải có sự đầu tư đồng bộ về vốn lẫn kiến thức và tâm huyết mới mong phát triển bền vững.

Với những kết quả nổi bật đạt được trong phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi ong, anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua tỉnh Hà Giang năm 2017 và được BCH Tỉnh đoàn tặng giấy khen gia đình trẻ tiêu biểu năm 2023./.


Tác giả: Nguyễn Mạnh Linh - ĐTN Yên Minh
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.189
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.973
Năm 2024 : 513.319