A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn và phát triển sự đoàn kết trong Đảng theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

CTTBTG - Cách đây 54 năm, trước khi từ biệt thế giới này để đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh cả tinh hoa tư  tưởng đạo đức, trí tuệ của một vĩ nhân – anh hùng giải phóng dân tộc – nhà văn hoá lớn đó là bản Di chúc mà Người gọi là tài liệu “tuyệt đối bí mật” .

 

Trong bản Di chúc đầu tiên được viết từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 5 năm 1965 gồm 3 trang đánh máy. Vấn đề quan tâm dặn dò trước hết của Hồ Chí Minh là nói về Đảng mà trong đó điều đầu tiên là nói về đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bảy lần nói đến “đoàn kết” trong đó 5 lần nói trực tiếp về đoàn kết của Đảng. Ở đây đủ cho chúng ta thấy tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề trong các vấn đề hệ trọng khác mà Người dặn lại trước lúc đi xa.

Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[1].

Tư tưởng trên là sự thể hiện sâu sắc sự phát triển những quan điểm cơ bản, nhất quán và xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược đại đoàn kết nói chung, về đoàn kết trong Đảng nói riêng. Hơn 50 năm qua Đảng ta đã coi trọng giáo dục và ra sức thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về củng cố, giữ gìn và phát triển sự đoàn kết trong Đảng. Những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này. Thực tế cũng cho thấy là không thể phủ nhận được truyền thống đoàn kết cực kỳ quý báu của Đảng ta đang tiếp tục được giữ vững và phát huy trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, sự đoàn kết trong Đảng không phải là nhất thành bất biến, mà đang chịu sự tác động của nhiều yếu tổ khách quan theo những chiều hướng khác nhau. Điều đáng nói là những tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập; sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ đoàn kết trong Đảng và xã hội ta. Trong khi đó ở một số nơi, cấp uỷ Đảng còn mất đoàn kết, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tốt vai trò trách nhiệm trong xây dựng sự đoàn kết thật sự trong tổ chức Đảng, còn biểu hiện cục bộ địa phương, hẹp hòi, thành kiến. Một bộ phận suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Tình hình này đã cản trở không nhỏ tới củng cố và phát huy sự đoàn kết trong Đảng. Cuộc đấu tranh chống lại những lực cản và tiêu cực để xây dựng sự đoàn kết của Đảng trong điều kiện mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cả về phía tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên.

Theo căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tế, để góp phần phát triển sự đoàn kết trong Đảng cần tập trung làm tốt một số việc sau đây:

Một là: Tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về xây dựng đoàn kết trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Di chúc của Người. Mỗi cán bộ, đảng viên quan học tập, nghiên cứu tư tưởng của Người phải liên hệ sâu sát, cụ thể vào trách nhiệm bản thân, của chi bộ, đơn vị mình trong xây dựng sự đoàn kết. Phải chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong đấu tranh tự phê bình và phê bình để củng cố và phát triển sự đoàn kết. Tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Kết luận số 01 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là: Củng cố và hoàn thiện cơ sở nền tảng để giữ vững và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đó là nền tảng tư tưởng của Đảng, là đường lối quan niệm và điều lệ Đảng, là sự thống nhất về lợi ích của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong tình hình hiện nay nếu xa rời, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nếu đường lối quan điểm của Đảng sai lầm hoặc không được thấu triệt trong cán bộ, đảng viên, và khi không thống nhất về những lợi ích căn bản thì không thể giữ vững và phát triển được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Sự đoàn kết thống nhất này còn phụ thuộc vào hiệu quả của cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Theo đó, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm, vai trò trong cuộc đấu tranh rất gay go, quyết liệt này.

Ba là: Chủ động phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ Đảng, tập trung xử lý, khắc phục những hiện tượng mất đoàn kết từ cơ sở. Vấn đề đặt ra là không được che giấu, phủ nhận mâu thuẫn cả về nhận thức và trong thực tế, nhưng giải quyết mâu thuẫn để xây dựng sự đoàn kết thống nhất phải có biện pháp khoa học, phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Phải xử lý kịp thời những biểu hiện mất đoàn kết; đoàn kết một chiều, hình thức mà không thực chất, kiên quyết không để những biểu hiện đó kéo dài, lan rộng gây ảnh hưởng xấu trong nội bộ Đảng và dễ bị kẻ xấu lợi dụng để kích động, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng.

 

Thượng tá, ThS Lê Văn Cao

Phó CNCT, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang

______________ 

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 611


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 95
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.245
Năm 2024 : 570.591