Chú trọng thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh
Bảo trợ xã hội là tổng thể các biện pháp, các chính sách mà Nhà Nước và cộng đồng nhằm giúp đỡ các đối tượng bị lâm vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, khuyết tật,... vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu cho cuộc sống của bản thân và gia đình, giúp họ tránh được mối đe dọa của cuộc sống thường nhật hoặc giúp họ vượt qua những khó khăn, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Tại Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ về Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, quy định đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi; người cao tuổi thuộc diện theo quy định; người khuyết tật; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn…
Trong những năm qua, thực hiện nhất quán phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và quan điểm “lấy người dân là trung tâm của sự phát triển”, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế, góp phần ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc thù, khó khăn bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cùng các đơn vị trao tặng quà cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại lễ khai mạc chương trình phẫu thuật năm 2024 tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Theo đó, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh ta đã thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ. Cụ thể, trong năm 2023 chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng đối với 56.355 đối tượng với tổng kinh phí 375,6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024: Thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên cho 53.315 đối tượng với tổng kinh phí 188,5 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho 162 hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn với tổng số tiền là 5.292 triệu đồng; hỗ trợ chi phí mai táng cho 38 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ khẩn cấp theo quy định, với tổng số tiền 722 triệu đồng. Duy trì quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, tổ chức đón Tết cho 151 đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội (Gồm: Trung tâm Công tác xã hội 64 đối tượng; Cơ sở Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần - Cai nghiện ma túy: 37 đối tượng; Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì là 50 đối tượng).
Sở Lao động, Thương binh xã hội còn kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên những đối tượng yếu thế kịp thời vào các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng, như: Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà các đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết nguyên đán hằng năm; tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi; tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng nhân dịp ngày Quốc tế Người Cao tuổi 01/10, ngày vì người nghèo 17/10…
Bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tỉnh ta còn quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần, tạo môi trường sống vui vẻ, phấn khởi, hăng hái, tạo niềm tin mạnh mẽ, lạc quan, yêu đời cho từng hoàn cảnh, đối tượng. Năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và và du lịch, các ngành liên quan tổ chức Giải thể thao Người khuyết tật tỉnh Hà Giang lần thứ II, năm 2023 với 85 vận động viên tham gia; tổ chức Giải thể dục dưỡng sinh Người cao tuổi tỉnh Hà Giang năm 2023… Trong 6 tháng đầu năm 2024, phối hợp với Sở Y tế tỉnh hỗ trợ khám sức khoẻ đợt 1 năm 2024 cho 547 người cao tuổi; chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ sở trợ giúp xã hội, các Hội đặc thù tổ chức thăm, tặng quà cho 249 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2024; tổ chức đưa đoàn đại biểu đi dự Hội nghị biểu dương Người khuyết tật, trẻ mồ côi và Người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội; phối hợp với Trung tâm II, Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai công tác khám sàng lọc cho 244 trẻ khuyết tật ở tất cả các dạng tật tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, tỉnh Hà Giang còn chú trọng việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác xã hội, như: Năm 2023 tổ chức 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại huyện Mèo Vạc với 192 đại biểu; 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cho cán bộ công chức cấp xã, trưởng thôn/bản/tổ dân phố của huyện Yên Minh, Đồng Văn với 545 đại biểu; 6 tháng đầu năm 2024, phối hợp với Trung tâm Trợ giúp người cao tuổi và Phát triển cộng đồng (thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) tổ chức tập huấn về Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi tại nhà cho 53 thành viên của 10 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thuộc 03 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê… Cùng với đó là tuyên truyền pháp luật, các chế độ, chính sách liên quan để đối tượng biết, đối chiếu với quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình; cung cấp kiến thức, kỹ năng quản lý, chăm sóc các đối tượng khuyết tật tại gia đình.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 cho trẻ em mồ côi đang nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Ngày 09/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành văn bản số 2050/UBND-VHXH chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo việc trợ giúp đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn. Theo đó, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, tỉnh Hà Giang sẽ áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định là 500.000 đồng/tháng. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo tiếp tục áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội; đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội là 380.000 đồng/tháng. Để đảm bảo tham mưu kịp thời, triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả các chính sách bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh luôn thống nhất thực hiện các chế độ đúng quy định, đúng đối tượng, kịp thời và minh bạch; đẩy mạnh thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt, vì vậy, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, phối hợp tích cực từ cấp uỷ, chính quyền địa phương, người dân và nhất là các nhóm đối tượng yếu thế. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xác định tiếp tục tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về thay đổi phương thức chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt; thực hiện tốt việc hỗ trợ đối tượng mở tài khoản, thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của đối tượng và xác thực thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định.