A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa, khoa học và hiện đại

Một trong các quan điểm được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh là “Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(1). Kiên định thực thi các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng dựa trên nền tảng văn hóa, khoa học và hiện đại là yêu cầu có ý nghĩa cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trong suốt 91 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật(2).

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Kon Rơ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum_Ảnh: TTXVN

Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, các nguyên tắc xây dựng Đảng đều luôn được coi trọng, là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ta, gắn liền với sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước.

Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động đủ sức gánh vác và hoàn thành trọng trách là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta đang quyết tâm, quyết liệt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện(3), thì việc kiên định và thực hiện các nguyên tắc này là cơ sở quan trọng để giữ vững kỷ luật Đảng, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

Thứ nhất, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa

Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa là thực hành văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, văn hóa công vụ.

Từ năm 1943, Đề cương Văn hóa Việt Nam đã khẳng định tính dân tộc, khoa học, đại chúng của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, tính dân tộc, khoa học, đại chúng ngày càng hòa quyện và được chuyển hóa mạnh mẽ vào văn hóa chính trị, trở thành yêu cầu, đòi hỏi đối với văn hóa lãnh đạo, văn hóa công vụ. Cùng với những nhận thức mới về văn hóa, văn hóa lãnh đạo không chỉ là những giá trị vô hình, khó đong đếm, mang tính tinh thần, phi trực quan…, mà còn thể hiện rõ nét thông qua từng hoạt động cụ thể của cá nhân và tổ chức. Do đó, thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa chính trị cũng phải thực chất; các hành vi chính trị mạo danh văn hóa, núp bóng văn hóa cho dù tinh vi đến đâu cũng khó lòng qua mắt được quần chúng.

Thực hành các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa thực chất là nâng cao chất lượng, trình độ văn hóa trong tổ chức, hoạt động chính trị của Đảng trên tất cả các mặt về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong hai nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021, Đảng ta đã ban hành hai nghị quyết quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10- 2021, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, trong đó không những chỉ ra các biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, mà còn khẳng định quyết tâm chủ động đẩy lùi các biểu hiện này. Điều này cũng có nghĩa việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa chính trị ngày càng được coi trọng, củng cố.

Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý thực hành các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa không được để bệnh cá nhân chủ nghĩa lấn át, không được quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý. Giải quyết mọi vấn đề phải trên nguyên tắc công tâm, công bằng, công khai, vì lợi ích tập thể. Có ý thức cầu thị và có kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, không ngừng tự trau dồi, rèn luyện bản thân, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, chủ động, đi đầu thúc đẩy dân chủ trong tổ chức, quan tâm lãnh đạo xây dựng môi trường văn hóa công vụ... Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có ý thức thực hành các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa, bảo đảm văn hóa Đảng không ngừng được xây dựng và thực hành rộng rãi, từ đó lan tỏa các giá trị văn hóa ra toàn xã hội.

Mỗi cán bộ, đảng viên thực hành các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa là ở bất kỳ vị trí công tác nào, từng cán bộ, đảng viên phải luôn có ý thức hoàn thành công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; gương mẫu trong công việc, trong lối sống, trong ứng xử, trong việc gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân; luôn có ý thức thực hiện trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, thẳng thắn, tự giác tự phê bình và phê bình tạo đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức đảng.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, tỉnh Sơn La tuyên truyền về tầm quan trọng của việc khám, chữa bệnh cho đồng bào vùng biên giới_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng khoa học

Xét về nội hàm, các nguyên tắc xây dựng Đảng luôn mang bản chất khoa học. Thực hiện nghiêm từng nguyên tắc chính là giải quyết hài hòa, khoa học mối quan hệ giữa các nguyên tắc. Hơn 91 năm qua, đặc biệt trong hơn 35 năm đổi mới, nhờ kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng và cầm quyền bảo đảm tính dân chủ, khoa học, hiệu quả, theo pháp luật…, Đảng ta đã giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng dân tộc, khẳng định tính chính đáng, chính danh cầm quyền, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nguyên tắc xây dựng và tổ chức của Đảng vẫn có lúc, có nơi, tính khoa học chưa thực sự được coi trọng. Nhiều quyết sách chính trị được ban hành xuất phát từ ý chí chủ quan cá nhân người lãnh đạo, quản lý, chưa được thảo luận dân chủ, thiếu tính khoa học, tính hiệu quả.

Tính khoa học phải được thể hiện trước hết từ đường lối lãnh đạo của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối đổi mới và các nguyên tắc xây dựng Đảng”(4). Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là cơ sở khoa học quan trọng nhất để Đảng ta đề ra chủ trương, đường lối chính trị. Tính khoa học còn thể hiện ở việc Đảng ta coi trọng việc nắm vững và xử lý tốt mười mối quan hệ lớn: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội(5), tức nắm vững và xử lý tốt những vấn đề có tính quy luật về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, từ đó vận dụng vào chỉ đạo và tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới ở nước ta trong từng giai đoạn cách mạng phù hợp với quy luật phát triển và xu thế của thời đại. Tính khoa học còn thể hiện ở cách thức, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ quan đảng, hệ thống chính trị một cách hợp lý, khoa học cả theo chiều dọc (từ trung ương đến cơ sở) và chiều ngang (các bộ, ngành, địa phương…); có cơ chế, quy trình hoạt động hợp lý, hiệu quả, không trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, có sự phân cấp, phân quyền trên cơ sở pháp lý rõ ràng. Tính khoa học còn thể hiện ở những cá nhân có phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả, dù là cán bộ, đảng viên hoạt động chuyên môn hay cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Tính chuyên nghiệp chính là biểu hiện cao, là sự hội tụ của tính khoa học. Ngoài ra, tiềm lực khoa học mạnh của quốc gia, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng là yếu tố thúc đẩy tính khoa học trong thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng.

Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng khoa học đặt ra các yêu cầu đối với từng cán bộ, đảng viên:

Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý thực hiện nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng khoa học chính là thực hành lãnh đạo một cách khoa học. Các quyết sách chính trị được ban hành có cơ sở khoa học và thực tiễn, không tùy tiện, chủ quan duy ý chí; phát huy tối đa năng lực làm việc, giải phóng sức sáng tạo của cấp dưới, lấy hiệu quả công việc là thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ…

Từng cán bộ, đảng viên bên cạnh năng lực chuyên môn, tính nhanh nhạy và sức sáng tạo…, cần có tác phong, phương pháp làm việc khoa học (trong xử lý công việc, tổ chức cuộc sống hằng ngày...), được đánh giá, rèn luyện thường xuyên thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

 

Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Thuận hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính_Ảnh: TTXVN

Thứ ba, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng hiện đại

Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng hiện đại phải đáp ứng các yêu cầu của xã hội hiện đại, yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới, trên nền tảng công nghệ hiện đại, thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực và uy tín.

Trước hết, thực hành các nguyên tắc xây dựng Đảng phải đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Thời kỳ cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, các quốc gia đều đang hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, khoa học - công nghệ trở thành “thước đo” trình độ phát triển, định vị vị thế quốc gia…, đặt ra yêu cầu các nguyên tắc xây dựng Đảng phải được thực hiện công khai, minh bạch, trên nền tảng công nghệ hiện đại. Hiệu quả công việc của từng cán bộ, đảng viên phụ thuộc vào môi trường và điều kiện làm việc. Do đó, hệ thống trang thiết bị hiện đại, khả năng kết nối quốc tế trên nền tảng công nghệ sẽ là nhân tố quan trọng để đội ngũ cán bộ thực hành “làm việc trong môi trường quốc tế” ngay tại Việt Nam.

Hai là, các nguyên tắc xây dựng Đảng phải được thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực chuyên môn, am hiểu công nghệ, ngoại ngữ và đặc biệt luôn giữ vững lý tưởng, có niềm tin tuyệt đối vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đối với nước ta, những năm tới là “giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”(6) thì càng cần coi trọng nhân tố con người. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã nhấn mạnh các yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ các cấp, cho thấy, Đảng ta đã có tầm nhìn xa về xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có đủ năng lực trình độ, phẩm chất, uy tín, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý phải thực sự tiêu biểu, là tấm gương thường xuyên tự học hỏi, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, kỹ năng quản lý, khả năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ… Bên cạnh đó, phải luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta đã lựa chọn; có khả năng chuyển tải niềm tin đó đến đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý.

Từng cán bộ, đảng viên phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể về năng lực, trình độ và các phẩm chất theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, coi đó là những phẩm chất nền tảng để người cán bộ, đảng viênđược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.

TS. NGUYỄN THỊ MAI ANH

Tạp chí Cộng sản

-----------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 324
(2) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 5
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd,t. II, tr. 325
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 73 - 74, 39
(6) Xem: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”


Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.430
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.682
Năm 2024 : 505.068