A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống, đấu tranh tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí

Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phòng chống, đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền. Các tệ nạn này đều xuất phát từ sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, sự tha hóa của quyền lực, làm mất lòng dân, giảm sút uy tín của Đảng, đe dọa đến địa vị lãnh đạo và vị thế cầm quyền của Đảng.

 

Sau hơn một tháng giành được chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám (năm 1945), Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Sao cho được lòng dân” đăng trên Báo Cứu quốc để nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tránh xa các tệ nạn quan liêu, tham ô (tham nhũng), lãng phí. Theo Hồ Chí Minh, người mắc tội tham ô được nhìn nhận như loại người đã lạm dụng “Cái ô” quyền lực (quyền hạn) được trao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân, những người dưới quyền hòng đòi ăn “Của đút”, ăn “Hối lộ”. Giữa các tệ nạn này thì tệ quan liêu được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tệ tham ô, lãng phí. Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Giữa tham ô và lãng phí thì tệ lãng phí có khi lại còn tai hại hơn. Người nêu rõ: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ”.

Trong bài nói chuyện năm 1952 về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Bác Hồ giải thích: Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: “Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”, “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”.

Các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí được Hồ Chí Minh nhìn nhận là các loại “Giặc” làm hại nhân dân. Đây là kẻ thù nguy hiểm và được đẻ ra từ chủ nghĩa cá nhân, vì vậy cần thiết phải phòng chống, đấu tranh với các tệ nạn này. Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số phương pháp chủ yếu mang tính khả thi để phòng chống và đấu tranh với các tệ nạn này như sau:

Thứ nhất, phải dùng “Phép luật của nhân dân” để thực hiện phòng chống, đấu tranh các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí.

Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, nếu không có pháp luật nghiêm minh, việc chống tham ô, lãng phí sẽ rất kém, bởi vì “Đảng viên thường xem pháp luật, chính quyền… là việc trong nhà”. Vì vậy, việc sử dụng pháp luật trong phòng, chống các tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí rất cần phải được coi trọng, được thực thi một cách kịp thời. Có luật pháp rõ ràng, đầy đủ và thực hiện nghiêm minh là cơ sở quan trọng để có thể loại trừ các tệ nạn do chính những người có quyền lực trong bộ máy công quyền gây ra.

Thứ hai, sử dụng phương thức bầu cử dân chủ để thực hiện phòng chống, đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí.

Hồ Chí Minh coi các công việc tổ chức bầu cử một cách dân chủ là rất quan trọng để tạo ra cơ chế kiểm soát sự tha hóa quyền lực của những người được bầu ra. Người nêu rõ: “Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức mạnh như một viên đạn”. Như vậy việc bầu cử bảo đảm dân chủ có vai trò rất lớn để phòng, chống các tệ nạn quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí phát sinh từ loại giặc nội xâm-đây là một thứ giặc vô cùng nguy hiểm.

Thứ ba, sử dụng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và cơ chế kiểm soát quyền lực được trao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người có chức trách trong các tổ chức của hệ thống chính trị nói riêng để thực hiện phòng, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí.

Theo Hồ Chí Minh, cơ chế kiểm soát như vậy được thực hiện theo hai cách là: Kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức trách từ bên trong nhà nước, tức là thiết lập nên tổ chức bộ máy nhà nước hợp lý, khoa học, có thể kiểm soát nội bộ giữa các cơ quan, cá nhân có quyền lực trong bộ máy đó; kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức trách từ bên ngoài nhà nước, tức là kiểm soát từ nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp hay gián tiếp như bầu cử, bãi miễn, phê bình, giám sát, bằng các phương tiện truyền thông.

Thứ tư, sử dụng phương pháp “Khéo léo” để kiểm soát sự tha hóa quyền lực của những người có chức trách trong hệ thống chính trị thực hiện phòng chống, đấu tranh với nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Hồ Chí Minh đã đúc kết rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Khéo kiểm soát, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Theo Người, sử dụng phương pháp khéo léo để phòng chống các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí được thể hiện rõ nhất trong “Khéo” lãnh đạo, quản lý đối với công tác này. Điều đó có nghĩa là, những người lãnh đạo, người quản lý cần phải biết dám vượt qua những sai lầm, tư duy giáo điều, bỏ đi cái “Nếp cũ” và áp dụng những phương pháp “Mới” trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Trong những năm qua, cụ thể hóa tư tưởng của Bác về phòng chống, đấu tranh với tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, Đảng và Nhà nước ta cũng đã xây dựng nhiều giải pháp, điển hình: Toàn Đảng đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ kết hợp với triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chính phủ đã đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng; xây dựng, ban hành, hoàn thiện kịp thời các văn bản trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; chỉ đạo và quyết liệt triển khai, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đơn giản hoá điều kiện kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh... nhiều người đứng đầu, nhiều cá nhân đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và có hành vi tham nhũng.

Để làm theo tư tưởng của Bác trong phòng chống, đấu tranh tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình nêu gương sáng theo lời dạy của Bác: “Cần, kiệm, liêm, chính ...”; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.565
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.349
Năm 2024 : 513.695