Đưa “làn gió” văn minh lan tỏa khắp xóm làng
Nghị quyết số 27, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27) như một “làn gió” khơi dậy tính tiên phong của lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Thời gian qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Chỉ thị số 09, ngày 10.5.2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 09) và Nghị quyết 27, với tinh thần xung kích, tiên phong, sáng tạo cùng phương châm mỗi đoàn viên, thanh niên làm một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn thực hiện một hoạt động thiết thực, lực lượng ĐVTN trong tỉnh đã phát huy tối đa vai trò tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân. Các cấp bộ đoàn, hội, đội trong tỉnh chủ động cụ thể hóa, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thông qua các chương trình, hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Khơi dậy tinh thần thi đua, xung kích của tuổi trẻ bằng việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường, động lực để ĐVTN phấn đấu học tập, lao động, khởi nghiệp và lập nghiệp.
Đồng diễn của ĐVTN ở thành phố Hà Giang trong ngày khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hà Giang năm 2024.
Điển hình như: Phong trào “Thanh niên tình nguyện chung tay xây dựng Nông thôn mới”; phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”. Các chương trình: Tháng thanh niên; các chiến dịch thanh niên tình nguyện; các cuộc vận động: Xây dựng hình mẫu thanh niên Hà Giang thời kỳ mới; Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích; Tuổi trẻ Hà Giang chung tay xây dựng Nông thôn mới; chương trình cải tạo vườn tạp; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; chương trình thanh niên chung tay xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các mô hình, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế... được triển khai sâu rộng trong toàn đoàn, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Bí thư Tỉnh đoàn Đỗ Thị Hương chia sẻ: Trong 3 năm trở lại đây, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh tích cực đăng ký, đảm nhận trên 11 nghìn công trình, phần việc thanh niên; huy động hơn 1 triệu lượt ĐVTN xung kích xây dựng Nông thôn mới, tham gia phát triển KT - XH. Huy động trên 320 nghìn lượt thanh niên tham gia cải tạo, tu sửa, làm mới hơn 150 km đường giao thông nông thôn; thành lập 257 đội hình tình nguyện tại chỗ với 3.200 ĐVTN tham gia giúp đỡ nhân dân xây dựng Nông thôn mới tại cơ sở. Hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho ĐVTN được quan tâm; có hơn 60.000 ĐVTN được tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm; hơn 16.000 đoàn viên được đào tạo nghề dài hạn, ngắn hạn; hơn 9.000 ĐVTN có việc làm ổn định.
ĐVTN huyện Mèo Vạc giúp đỡ người dân xã Pả Vi vận chuyển vật liệu xây dựng nhà ở.
Có thể thấy rõ, ĐVTN trong toàn tỉnh mạnh dạn đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới và các phương pháp trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cao để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng trên quê hương. Xuất hiện ngày càng nhiều gương sáng trong phong trào khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 mô hình thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế hiệu quả; 58 câu lạc bộ khuyến nông; 47 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên làm chủ với thu nhập bình quân trên 75 triệu đồng/năm... ĐVTN đề xuất hơn 2.000 ý tưởng, sáng kiến; trong đó, hơn 1.500 ý tưởng, sáng kiến được đăng tải trên Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam.
Tạo lan tỏa trong ĐVTN, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện, thành đoàn phối hợp với Ban Dân vận huyện ủy tổ chức hội thảo “Thanh niên xung kích tham gia xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” tại địa phương; phối hợp tổ chức hội thi “Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh” bằng hình thức sân khấu hóa. Qua đó, phát huy những sáng kiến hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện, duy trì và nhân rộng các mô hình tuyên truyền trong bài trừ hủ tục tại địa phương.
Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc Thào Thị Thu Nga, chia sẻ: Thông qua các hội thi đã góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, sinh động chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Lực lượng ĐVTN các dân tộc trong huyện luôn tiên phong, làm nòng cốt tuyên truyền đến gia đình và người dân giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; các hoạt động mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu nay dần được xóa bỏ; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể.
Nhằm xây dựng lối sống văn minh trong ĐVTN và nhân dân, thanh niên trong tỉnh tổ chức 61 công trình với hơn 1.000 lượt ĐVTN tham gia hoạt động như: Tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; không lấn chiếm lòng, lề đường; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền về nếp sống đô thị văn minh; bóc, xé quảng cáo giao vặt; trồng hoa tạo cảnh quan; xây dựng được 18 tuyến phố được công nhận tuyến phố văn minh; phối hợp xây dựng mã QR giới thiệu về các địa chỉ lịch sử trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động an sinh xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới góp phần hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, hỗ trợ người neo đơn, thanh niên yếu thế và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đưa “làn gió” văn minh lan tỏa khắp các xóm làng và phát huy vai trò tiên phong của ĐVTN trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, các cấp bộ đoàn trong tỉnh xác định tiếp tục đổi mới cách thức, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đoàn, ĐVTN về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm trong việc chung tay cùng người dân xây dựng cuộc sống ấm no.
“Thanh niên sẽ chủ động đảm nhận các công trình, phần việc thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; lựa chọn các tiêu chí tham gia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đoàn và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các hoạt động hỗ trợ về vay vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường, phát triển ngành nghề mới; phát triển các mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã thanh niên… để “làn gió” văn hóa, văn minh sẽ tạo nên một thế hệ thanh niên Hà Giang dám nghĩ, dám làm, luôn có tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” – Bí thư Tỉnh đoàn Đỗ Thị Hương cho biết thêm.
Bài, ảnh: Kim Tiến