Trung ương đồng hành, Hà Giang bứt phá
Trong chuyến thăm, làm việc đầu Xuân Ất Tỵ 2025 của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Giang đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ “nút thắt” trong phát triển KT-XH để mở “cánh cửa” mới cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững. Từ đây, với quyết tâm chính trị, tầm nhìn chiến lược và sự chung tay của cả nước là tiền đề quan trọng để Hà Giang từng bước thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, hòa nhịp vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ “nút thắt”…
Một trong những vấn đề cấp bách nhất mà Hà Giang đang đối diện là tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Cách đây hơn 40 năm, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tỉnh Hà Giang có gần 90.200 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mật độ dày đặc, gây cản trở nghiêm trọng đến việc canh tác, xây dựng hạ tầng và đảm bảo an toàn cho người dân. Ngay khi biên giới yên tiếng súng, được sự quan tâm của các cấp, ngành, tỉnh ta đã tích cực, chủ động phối hợp với đơn vị liên quan rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Tuy nhiên, mới chỉ xử lý được hơn 13.700 ha, chiếm 15,2% diện tích.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh. |
Việc hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ không chỉ giúp giải phóng đất đai, mở ra cơ hội phát triển KT-XH, nhất là tại khu vực biên giới mà còn phục vụ đắc lực công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Bởi trong công cuộc vệ quốc vĩ đại ấy, 4.267 cán bộ, chiến sỹ - những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng đến nay, tỉnh ta mới tìm kiếm, quy tập được 3.151 hài cốt liệt sỹ; còn hơn 1.100 hài cốt liệt sỹ vẫn nằm lại nơi biên viễn, trong những diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.
Không chỉ có khó khăn trên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tiến tới hai con số (hơn 10%) trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh ta xác định hạ tầng giao thông là yếu tố đột phá. Tuy nhiên, nguồn lực địa phương hạn chế khiến nhiều dự án quan trọng gặp khó khăn. Trong đó, Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang là động lực lớn nhất để kết nối tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án (đoạn qua tỉnh Hà Giang dài 27,48 km) đang triển khai nhưng còn thiếu gần 1.839 tỷ đồng để hoàn thành. Hơn nữa, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc triển khai giai đoạn 2 của dự án với tổng chiều dài 58,5 km kéo dài tuyến cao tốc đoạn từ xã Tân Quang (Bắc Quang) đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Trong năm 2025, tỉnh cần nguồn lực hỗ trợ 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư dự án.
Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 550 km. Tuy nhiên, nhiều đoạn đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Bởi vậy, tỉnh cần nguồn lực đầu tư 6.000 tỷ đồng để nâng cấp các tuyến quốc lộ, trong đó 4.800 tỷ đồng phục vụ cải tạo, nâng cấp 160 km quốc lộ, 1.200 tỷ đồng duy tu, bảo dưỡng 390 km quốc lộ còn lại. “Nếu được đầu tư, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho Hà Giang phát triển và bám sát kịch bản tăng trưởng. Từ đó, tạo việc làm mới cho hàng vạn lao động, đẩy mạnh giảm nghèo, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và kinh tế biên mậu, xuất khẩu nông sản, tăng thu ngân sách, đặc biệt là phát triển kết nối đảm bảo đáp ứng sự chủ động thực hiện ba trụ cột đối ngoại với phía nước bạn Trung Quốc” - Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh cho biết.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang và các đại biểu đón Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương. |
Thị trấn Cốc Pài được thành lập năm 2009. Đây là trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội của huyện Xín Mần. Tuy nhiên, thị trấn này đang đối diện nguy cơ cao về sạt lở đất, đá quy mô lớn, do địa hình chia cắt mạnh, góc dốc lớn, vật liệu bở rời, khối tảng lớn, nhiều hang karst và dòng chảy ngầm. Mặc dù tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp công trình và phi công trình nhưng xu hướng về nguy cơ sạt trượt vẫn tiếp tục gia tăng. Thực tế này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tài sản của Nhà nước và Nhân dân, đe dọa tính mạng của hơn 1.000 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu. Qua phân tích, nghiên cứu, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều khuyến nghị tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương di dời bộ máy hành chính huyện Xín Mần, thị trấn Cốc Pài và Nhân dân đang sinh sống tại những địa điểm có nguy cơ sạt trượt cao đến nơi an toàn…
Nhằm đảm bảo cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của Nhân dân, tỉnh cần được bổ sung nguồn vốn 1.118 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
… Đến tầm nhìn chiến lược
Là một trong những đại biểu vinh dự được tham dự buổi làm việc giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và các bộ, ngành Trung ương với tỉnh Hà Giang, thương binh Nguyễn Hữu Tưởng, phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) xúc động nói: “Qua theo dõi, lắng nghe ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư và các bộ, ngành Trung ương, tôi thấy đây đều là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với mảnh đất biên cương cực Bắc nhiều gian khó mà còn tiếp thêm động lực để Hà Giang bứt phá”.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) bày tỏ: Những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là “kim chỉ nam” để Hà Giang phát triển nhanh và bền vững nhưng được Bác thể hiện rất mộc mạc, gần gũi, chân thành, chạm đến trái tim người nghe, từ việc đầu tư cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân đến xây dựng tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hay việc rà phá bom mìn, vật nổ... Tôi rất mừng khi nghe Tổng Bí thư nói: “Việc di dời thị trấn Cốc Pài phải làm ngay trước mùa mưa năm nay, không để xảy ra tình trạng Làng Nủ thứ 2 (lũ quét “xóa sổ” Làng Nủ ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai tháng 9.2024); không làm ngay là có tội với Nhân dân”. Đặc biệt, Tổng Bí thư còn yêu cầu các bộ, ngành có cam kết về nguồn lực tài chính lên đến 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Nói đến công tác rà phá bom mìn, vật nổ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều khẳng định: Đề xuất của tỉnh về việc bố trí kinh phí, phương tiện, nhân lực, phấn đấu trước năm 2030 hoàn thành rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là cấp bách, mang tính chiến lược. Bởi điều này không chỉ giải phóng đất đai, bảo vệ an toàn tính mạng người dân mà còn là nền tảng để triển khai các dự án hạ tầng, phát triển nông nghiệp, tạo sinh kế cho Nhân dân và thu hút đầu tư. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Mặc dù công tác rà phá bom mìn, vật nổ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đối diện không ít khó khăn nhưng ngân sách bố trí đến đâu chúng tôi tích cực thực hiện nhiệm vụ đến đó; tăng cường lực lượng, vận dụng các phương án tốt nhất, thực hiện với tốc độ nhanh nhất, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để trả lại bình yên và màu xanh cho đất, giúp Hà Giang phát triển KT-XH”.
Hà Giang là địa phương duy nhất của cả nước có đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); có cặp Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo, 3 cặp cửa khẩu phụ và 11 lối mở (đường qua lại biên giới). Những năm gần đây, giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt hơn 300 triệu USD/năm. Tuy nhiên, GRDP, IIP của tỉnh tăng thấp hơn so với cả nước; kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 giảm 0,18% so với năm 2023. Ngành công nghiệp và thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng các cửa khẩu gặp nhiều khó khăn, khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy chưa đạt được như kỳ vọng của tỉnh trong việc thúc đẩy sản xuất, thương mại.
Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng: Hà Giang cần rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương phù hợp với quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, tập trung phát triển ngành thương mại trở thành điểm tựa thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động. Cùng với đó, phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ…
“Có thể tỉnh chưa giàu nhưng dân phải hạnh phúc”. Đó là trăn trở và cũng là mong muốn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi hoạch định các giải pháp chiến lược vì Hà Giang phát triển. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có 3 trụ cột chiến lược để Hà Giang phát triển bền vững chính là giữ dân, giữ đất, giữ rừng. Đồng thời, chăm lo y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho Nhân dân; tập trung phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu; hoàn thiện tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 2 với tinh thần khẩn trương nhất.
Cùng với các nội dung trên, để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết: Hà Giang cần quan tâm phát triển các loại cây, con đặc sản, đặc hữu trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất rõ ràng, cụ thể; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, kết hợp giữa sản xuất với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái để gia tăng giá trị sản phẩm…
Có thể khẳng định, Hà Giang đã nhận được sự đồng thuận cao của Trung ương trong việc thực hiện các đề xuất, kiến nghị; được hoạch định nhiều giải pháp chiến lược, có sự cam kết đồng hành tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Chính điều đó đã hun đúc tinh thần mới, khí thế mới để Hà Giang tăng tốc, bứt phá trên hành trình phát triển nhanh và bền vững, hướng tới phồn vinh, hạnh phúc.
THU PHƯƠNG