A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư về đào tạo nhân lực có tay nghề cao

CTTBTG - Xác định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao được ban hành, cấp ủy các cấp trong toàn tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nói chung và công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo, tập huấn, hội thi... Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật, doanh nghiệp tổ chức hội chợ giới thiệu việc làm, qua đó đã kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn định hướng nghề nghiệp về nhu cầu sử dụng lao động nhằm giúp cho người lao động xác định con đường lập nghiệp phù hợp hơn.

Trao Giấy Chứng nhận cho học viên lớp dạy nghề nông nghiệp ở xã Sơn Vĩ – Mèo Vạc

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực, cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở đào tạo, ngành chức năng thường xuyên cập nhật, bổ sung, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo cho phù hợp yêu cầu của thị trường sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo có tay nghề cao đã xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp với 34 chương trình, giáo trình trình độ sơ cấp, ban hành đơn giá đặt hàng đào tạo trình độ sơ cấp cho 21 nghề, đơn giá đào tạo tạo nghề cho lao động nông thôn cho 40 nghề; phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật cho 21 nghề đào tạo; ban hành giá dịch vụ đào tạo 08 nghề sơ cấp đối với các ngành, nghề do địa phương giao, đặt hàng.

Thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tính đến ngày 31/12/2023 tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 01 trường cao đẳng; 02 trường trung cấp (01 trường đang trong quá trình giải thể); 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục; 09 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo với Đại học Nông nghiệp Hoa Trung, Học viện Kỹ thuật Nông nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc... Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ hợp với Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Ý Đức, Văn Sơn, Trung Quốc cho học viên tham gia lắp ráp linh kiện điện tử; thỏa thuận về phối hợp với Công ty cổ phần công nghiệp phụ trợ Nhật Việt, tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật, chuyên gia từ phía các doanh nghiệp Nhật bản để thực hiện nội dung liên kết đào tạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được đầu tư xây dựng nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu học tập của người học; sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách về giáo dục nghề và giải quyết việc làm còn chung chung nên một bộ phận cán bộ, người dân chưa nắm được chủ trương, chính sách của nhà nước về đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, dẫn đến việc chỉ đạo, định hướng ở cấp cơ sở còn bất cập.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau trung học cơ sở để học sinh, người lao động và toàn xã hội nhận thức đúng đắn về học nghề; tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nghề trọng điểm và các nghề theo nhu cầu của xã hội; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh để tạo ra nhiều vị trí việc làm cho người lao động. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc triển khai tổ chức đào tạo nhân lực có tay nghề cao, kịp thời phát hiện những thiếu sót để điều chỉnh cho phù hợp.


Tác giả: Lương Nghĩa BTGTU
Nguồn: Ban Biên Tâp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 47
Hôm qua : 1.752
Tháng 09 : 31.100
Năm 2024 : 764.508