Họp ban chỉ đạo hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang
BTGDV- Ban chỉ đạo Hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang (BCĐ) tổ chức phiên họp lần thứ 2. Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ tỉnh Hà Giang và đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa 15 - Trưởng BCĐ tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang; Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga chủ trì phiên họp
Toàn cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến thời điểm hiện tại, các nội dung trọng tâm trong công tác chuẩn bị cho việc hợp nhất cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ người dân đồng thuận với chủ trương hợp nhất hai tỉnh đạt trên 99%, thể hiện sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang. Riêng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của hai tỉnh sẽ tiến hành hợp nhất từ 317 đơn vị cấp xã còn 111 đơn vị hành chính và giữ nguyên 13 đơn vị.
Việc chuẩn bị trụ sở, nơi làm việc cho 1.409 cán bộ, công chức, viên chức dự kiến sẽ chuyển về công tác tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang được triển khai khẩn trương, đáp ứng nhu cầu bố trí, sắp xếp nhân sự.
Về phương án tổ chức bộ máy và sắp xếp cán bộ, đến nay, 5/5 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc khối Đảng của hai tỉnh đã hoàn thiện phương án hợp nhất; 11 đề án thành lập cơ quan, đơn vị trên cơ sở hợp nhất giữa hai tỉnh đã được dự thảo hoàn chỉnh. Việc xây dựng phương án nhân sự cấp tỉnh và phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cũng như phương án tổ chức các cơ quan thuộc khối chính quyền đang được triển khai đồng bộ, bài bản.
Cùng với đó, 14 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp tích cực với 15 cơ quan chuyên môn tỉnh Hà Giang để thống nhất xây dựng các phương án, đề án hợp nhất phù hợp với thực tiễn. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai toàn diện, đồng bộ, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và đồng thuận sâu rộng trong Nhân dân. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; địa bàn được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ.
Hội nghị cũng đã thông qua dự thảo Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang mới trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang và Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Theo đó, Đảng bộ tỉnh mới sẽ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng với tên gọi là Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang. Dự kiến, Đảng bộ tỉnh mới sẽ có 129 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, trong đó có 5 đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và giữ nguyên trạng 117 đảng bộ xã, 7 đảng bộ phường với tổng số gần 136.400 đảng viên.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu thể hiện sự đồng thuận cao đối với kết quả công tác chuẩn bị và bày tỏ tin tưởng vào lộ trình triển khai Đề án. Các ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung thiết thực như phương án bố trí, sắp xếp, nơi ở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác; phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn sau hợp nhất; vấn đề tiếp nhận con em cán bộ từ tỉnh Hà Giang học tập tại địa phương mới; cũng như các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn thảo luận tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh cảm ơn và đánh giá rất cao công tác phối hợp của các tổ công tác, các cơ quan 2 tỉnh trong thời gian vừa qua đã nỗ lực, chủ động họp bàn và thống nhất cao về phương án sắp xếp đơn vị hành chính 2 tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh: Tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang còn nhiều khó khăn, để đảm bảo việc hợp nhất 2 địa phương, ngoài quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ, cần tính toán trên cơ sở thực tiễn để đảm bảo thực hiện hợp nhất theo đúng kế hoạch và lộ trình đặt ra
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị tỉnh Hà Giang phải rà soát kỹ, chắc chắn số lượng cán bộ phải di chuyển về trung tâm tỉnh mới làm việc để có phương án sắp xếp, bố trí chỗ ở, chỗ làm việc. Đồng chí cũng đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ Hà Giang rà soát kỹ cơ sở vật chất, nơi làm việc và trang thiết bị để đảm bảo đón cán bộ Hà Giang về làm việc, tránh tình trạng lãng phí trong bối cảnh 2 tỉnh còn nhiều khó khăn. Đồng chí yêu cầu các cơ quan đơn vị tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp với các cơ quan tỉnh Tuyên Quang rà soát, kiểm tra thực tế và có phương án sửa chữa đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả nhất để ổn định chỗ ăn ở, làm việc cho đội ngũ cán bộ.
Về những khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị có vướng mắc sớm báo cáo với cấp có thẩm quyền để tìm giải pháp tháo gỡ, trên cơ sở vướng mắc ở tỉnh nào, tỉnh đó giải quyết ổn định trước khi hợp nhất.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Hà Thị Nga nhấn mạnh, để đảm bảo thực hiện thành công Đề án hợp nhất đơn vị hành chính 2 tỉnh, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải quán triệt sâu sắc yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc, không để xảy ra chậm trễ, gián đoạn ảnh hưởng đến kế hoạch chung. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ cần được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ và đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo cho cán bộ tỉnh Hà Giang chuyển về làm việc tại Tuyên Quang, đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang phải khẩn trương rà soát, bố trí nơi làm việc phù hợp, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối đa, phù hợp với thực tế, giúp cán bộ an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các đề xuất về xây dựng nhà công vụ, hỗ trợ chính sách cần sớm được thể chế hóa để triển khai kịp thời.
Đồng chí cũng đề nghị Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự hai tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh trong quá trình chuyển tiếp; xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, nhất là trong điều kiện thời tiết, thiên tai đang diễn biến phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị và an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho Nhân dân trong vùng sáp nhập.
Ban Biên tập