A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

HÀ GIANG – ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC VƯƠN MÌNH PHÁT TRIỂN

BTGDV - Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những dãy núi đá vôi hùng vĩ, những con đèo hiểm trở mà còn là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử hào hùng và giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Trải qua nhiều năm tháng chiến tranh gian khổ, Hà Giang luôn giữ vững vai trò chiến lũy nơi biên cương phía Bắc. Ngày nay, từ một tỉnh miền núi nghèo, Hà Giang đã và đang từng bước vươn lên, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, Hà Giang đã chứng kiến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước, đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với vị trí chiến lược, vùng đất này trở thành nơi dừng chân, căn cứ hậu phương vững chắc của quân dân ta. Những địa danh như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ… từng ghi dấu các trận chiến đấu kiên cường, thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết giữa các dân tộc nơi đây. Sau ngày giải phóng, Hà Giang gặp muôn vàn khó khăn: tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, với tinh thần “kiên cường - vượt khó - sáng tạo”, Đảng bộ và Nhân dân Hà Giang đã nỗ lực không ngừng trong hành trình xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Tỉnh đã tập trung vào thế mạnh như phát triển dược liệu, nông nghiệp sạch, chăn nuôi đại gia súc, và đặc biệt là du lịch – lĩnh vực đang ngày càng khẳng định thương hiệu.

Năm 2024, Hà Giang đạt tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh khoảng 46.000 tỷ đồng, quý I/2025 ước đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ. Sản lượng chè, cam, mật ong tiếp tục tăng trưởng, đồng thời tỉnh cũng đẩy mạnh chế biến sâu và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các khu kinh tế cửa khẩu như Thanh Thủy ngày càng phát huy vai trò trong giao thương hàng hóa và hợp tác biên giới.

Du lịch là điểm sáng nổi bật của Hà Giang với cao nguyên đá Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn, dinh thự Vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, và những mùa hoa tam giác mạch rực rỡ. Năm 2024, tỉnh đón trên 2,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Quý I/2025, lượng khách đạt trên 800.000 lượt, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Hà Giang cũng đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Tỷ lệ học sinh hoàn thành bậc học đúng độ tuổi tăng đều qua các năm. Đến tháng 3/2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt khoảng 78%, số bác sĩ đạt 12 người/1 vạn dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,4% theo tiêu chí đa chiều, với mục tiêu đến 2030, tỉnh cơ bản xóa được hộ nghèo đặc biệt khó khăn.

 

Du khách khám phá, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm tại Dốc Thẩm Mã (Hà Giang). Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Du khách khám phá, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm tại Dốc Thẩm Mã (Hà Giang). Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Cùng với phát triển kinh tế, Hà Giang hiện đang chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc: Mông, Tày, Dao, Nùng... Các lễ hội truyền thống như lễ hội Khèn Mông, lễ hội Gầu Tào, lễ hội Lồng Tồng… trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhìn lại chặng đường đã qua, Hà Giang đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn lên, khai thác tối đa tiềm năng bản địa, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững. Với sự đầu tư đồng bộ, định hướng đúng đắn và lòng dân đồng thuận, Hà Giang hướng tới trở thành trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa cấp vùng, giữ vững vai trò là “phên dậu” của Tổ quốc, mãi là biểu tượng của ý chí và bản lĩnh Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.

 Trần Thảo

 


Nguồn: Ban Biên Tâp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.773
Hôm qua : 2.740
Tháng 04 : 67.207
Năm 2025 : 237.781