A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số

Xây dựng nếp sống văn minh là một trong những nội dung của xây dựng đời sống văn hóa và là giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, nhằm củng cố và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp thu, nâng cao những thành tựu văn hóa hiện có, trên cơ sở đó từng bước xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp tuyên truyền, vận động, đẩy lùi những tập quán lạc hậu để xây dựng nếp sống văn minh và phát triển toàn diện, bền vững. Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù về địa bàn cư trú, phong tục, tập quán, trình độ dân trí, nên một số vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại các phong tục lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Điển hình là tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thách cưới cao, xây dựng chuồng trại gần nhà, tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây lãng phí… Các phong tục, tập quán tồn tại từ lâu trong đời sống đồng bào, được duy trì qua nhiều thế hệ, trở thành thói quen trong cộng đồng. Cùng với đó, tỷ lệ tái mù chữ trong người dân còn cao, nhận thức và trình độ dân trí hạn chế khiến cho việc bài trừ các hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Không những vậy còn tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng, xúi giục, kích động thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cản trở việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được xác định là một trong những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài trong việc đẩy lùi các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung phát triển phong trào cả bề rộng lẫn chiều sâu và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 70% gia đình được công nhận “gia đình văn hóa”; số thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 62,7%; 33 làng văn hóa du lịch cộng đồng… Thông qua thực hiện phong trào còn huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Nông thôn mới. Trong 5 năm (2015 - 2020), nhân dân đã hiến được 515.921 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi tập thể; vận động được trên 570.000 ngày công lao động; tham gia làm trên 2.300 km đường bê tông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp hơn 1.500 km đường liên thôn; xây dựng hàng nghìn ngôi nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Để thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh, việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, do đó ngày 10/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Giang. Trong đó, nhiều giải pháp căn cơ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra và hiện nay nhiều địa phương đang tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện như: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian trong việc vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế, giảm nghèo; đưa nội dung tuyên truyền bài trừ hủ tục vào trường học; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào thiểu số; nắm chắc diễn biến tư tưởng, những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào các dân tộc để kịp thời giải quyết; quan tâm, đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện…

Việc xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao, qua đó, sẽ cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới, ấm no và hạnh phúc. Do đó, để xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số thật sự hiệu quả và thiết thực, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhất là cần sự vào cuộc của các chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Lấy công tác nêu gương là nhiệm vụ hàng đầu, bí thư chi bộ, trưởng thôn, các đoàn thể chính trị ở cơ sở phải làm gương trong thực hiện bài trừ, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và là người tiên phong trong xây dựng nếp sống mới, qua đó tuyên truyền vận động đảng viên trong chi bộ quyết tâm thực hiện để nhân dân noi theo; các đảng ủy xã chủ động phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn tìm hiểu về các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho các già làng, người cao tuổi, hội nghệ nhân dân gian, những người có uy tín trong cộng đồng, bởi họ là những người có tiếng nói và dễ vận động bà con nhân dân nghe và làm theo.

 Ly Páo


Thống kê truy cập
Hôm nay : 772
Hôm qua : 2.256
Tháng 05 : 3.028
Năm 2025 : 256.540