A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Đổi thay trên vùng cao địa đầu Tổ quốc

Sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Giang về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đã cho kết quả tích cực. Sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, của hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của người dân, những hủ tục lạc hậu, dần được xóa bỏ. Cuộc sống của người dân no đủ hơn, bộ mặt vùng cao khởi sắc hơn... Miền đất địa đầu Tổ quốc này đang đổi thay từng ngày.

Cán bộ xã biên giới Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vận động nhân dân bảo vệ an ninh trật tự, xóa bỏ hủ tục.

Cán bộ xã biên giới Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vận động nhân dân bảo vệ an ninh trật tự, xóa bỏ hủ tục.

Hà Giang có 19 dân tộc, mỗi dân tộc đều lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, nhưng vẫn còn một số phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là trong việc tang ma, cưới xin. Hầu hết các dòng họ người H’Mông ở đây còn giữ tập quán kéo dài tang ma nhiều ngày; nghi lễ cúng bái rườm rà; trong đám tang giết mổ nhiều gia súc, rất tốn kém.

Ông Vàng Chá Thào, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn cho biết: “Trước đây, tại các xã vùng cao, tập tục kéo dài đám tang nhiều ngày dẫn đến ô nhiễm môi trường; người dân uống nhiều rượu khiến sức khỏe giảm sút, thậm chí có trường hợp bị ngộ độc; tình trạng giết mổ nhiều gia súc; tục dắt bò trả lễ khiến nhiều gia đình khánh kiệt”.

Ông Thào kể, mấy năm trước đây, tại thôn Tá Tò, xã Phố Cáo có ông Giàng Chứ Thùng qua đời, ông có một người con nuôi. Khi đó, dòng họ Giàng bắt người con nuôi mổ ba con bò với lý do sẽ được thừa hưởng tài sản của bố nuôi để lại nên phải làm ma thật lớn để báo đáp. Người con nuôi buộc phải thịt con bò duy nhất của bố nuôi để lại và vay tiền mua thêm hai con bò để làm ma. Hệ quả, gia đình vốn đã nghèo khó còn rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn.

Trước đây, người dân tại nhiều địa phương ở Hà Giang còn giữ hủ tục trong cưới xin như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới cao và những biến tướng từ các phong tục truyền thống. Những hủ tục này để lại nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội, trong đó tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật khiến nhiều thanh niên vướng vòng lao lý.

 

Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang cho rằng, để xóa bỏ hủ tục, các địa phương phải nhận diện rõ những phong tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại trong mỗi dân tộc, dòng họ, cộng đồng dân cư. Từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, đưa ra các giải pháp phù hợp, quan điểm là không cưỡng ép mà đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân...

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục được triển khai bằng nhiều hình thức như: Tổ chức tọa đàm; đưa nội dung xóa bỏ hủ tục vào các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức; tuyên truyền lưu động tại chợ phiên. Riêng năm 2024, tỉnh tổ chức gần 14.000 buổi tuyên truyền; 1.242 hội nghị với nội dung xóa bỏ hủ tục với hàng trăm nghìn lượt người tham dự.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đều gắn việc tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục vào chương trình công tác của cơ quan, đơn vị. Điển hình như ngành giáo dục đã đưa nội dung giáo dục văn hóa truyền thống vào dạy trong các trường học, xây dựng tài liệu tuyên truyền ở bốn cấp học, cấp phát 13.780 cuốn tài liệu tuyên truyền.

Hàng trăm mô hình xóa bỏ hủ tục do các ngành, các cấp được triển khai ở cơ sở, điển hình như: Mô hình dòng họ Hoàng ở xã Nà Chì, Xín Mần gắn bảo vệ an ninh trật tự với xóa bỏ hủ tục; mô hình “Mẹ người H’Mông nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại huyện Hoàng Su Phì; mô hình dòng họ tự quản bảo vệ an ninh trật tự gắn với xóa bỏ hủ tục ở Mèo Vạc. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền không chỉ nâng cao được nhận thức của người dân, mà còn đẩy việc xóa bỏ hủ tục thành phong trào lớn, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh...

Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang chia sẻ: “Hà Giang có hơn 2.000 người có uy tín, họ là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, trí thức về hưu, người làm kinh tế giỏi. Việc phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác xóa bỏ hủ tục được các địa phương chú trọng bởi đội ngũ này am hiểu phong tục, tập quán nên nói dân nghe, làm dân tin. Là những người trực tiếp làm lễ trong tang ma, cưới xin cho nên thuận tiện trong việc vận động các gia đình lược bỏ phong tục, tập quán lạc hậu”.

Câu chuyện xóa bỏ hủ tục trong tang ma của dòng họ Sùng ở Mèo Vạc là một điển hình. Năm 2022, được cấp ủy, chính quyền vận động, ông Sùng Sáy Nô, trưởng họ Sùng ở thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc quyết định làm ma cho người anh theo nếp sống mới. Quyết định này khiến một nửa người trong họ phản đối, bỏ về không dự đám tang với lý do đi ngược với phong tục.

“Là người đứng đầu dòng họ, tôi vẫn quyết định làm tang lễ cho anh theo nếp sống mới bởi xã hội tiến bộ, những phong tục, tập quán không còn phù hợp cần lược bỏ. Thực tế chứng minh, từ đó đến nay, trong họ không gia đình nào gặp tai ương và việc tang ma, cưới xin theo nếp sống mới được duy trì đến nay”, ông Nô bộc bạch.

 

Tại huyện Đồng Văn, nơi có gần 90% dân số là dân tộc H’Mông, dân cư sống thưa thớt cho nên việc các cán bộ địa phương nắm bắt địa bàn đóng vai trò then chốt trong công tác xóa bỏ hủ tục.

Theo ông Lý Trung Kiên, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Đồng Văn, hiện tất cả các xã, thị trấn đều thành lập tổ công tác xóa bỏ hủ tục, quản lý thông tin qua các nhóm Zalo giữa xã và thôn. Khi ở thôn có việc cưới, việc tang, tổ công tác cử cán bộ biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục trực tiếp xuống tận nơi để tuyên truyền, thuyết phục, hướng dẫn tổ chức đám tang tiết kiệm, văn minh hoặc ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Nhiều địa phương tại Hà Giang đã ban hành chính sách hỗ trợ công tác xóa bỏ hủ tục, như: Huyện Đồng Văn hỗ trợ tiền xăng xe cho các tổ tuyên truyền vận động; huyện Yên Minh có cơ chế hỗ trợ hộ gia đình thực hiện việc tang lễ theo nếp sống mới với mức 5 triệu đồng. Nhiều địa phương vận động thầy mo, thầy cúng không nhận lễ của gia chủ bằng thịt gia súc cho nên đã giảm được tình trạng giết mổ gia súc...

Hiện nay, nhiều hủ tục trong cộng đồng các dân tộc ở vùng cao Hà Giang đang được xóa bỏ. Việc cưới xin tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp điều kiện kinh tế. Hiện tượng thách cưới cao, hôn nhân cận huyết giảm rõ rệt.

Từ năm 2022 đến nay, các địa phương đã hoãn hôn thành công khoảng 400 cặp chưa đủ tuổi kết hôn. Hầu hết đám tang không còn tổ chức ăn uống linh đình, không giết mổ nhiều gia súc; tang lễ được giới hạn không quá 48 tiếng; trả lễ bằng tiền thay vì trâu bò; tổ chức ăn uống bảo đảm vệ sinh; tình trạng uống nhiều rượu, gây mất tình hình an ninh trật tự giảm rõ rệt...

Tuy nhiên, với đặc thù tỉnh có địa bàn rộng, giao thông khó khăn, cho nên việc xóa bỏ hủ tục cần quyết liệt hơn nữa.“Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài. Vừa vận động mềm dẻo, vừa có chính sách hỗ trợ cụ thể để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Mới đây, Hà Giang đã ban hành chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các địa phương duy trì, nhân rộng các mô hình xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Bên cạnh đó, Hà Giang đang tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống”, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang chia sẻ.

Bài và ảnh: Khánh Toàn


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Thống kê truy cập
Hôm nay : 665
Hôm qua : 2.765
Tháng 04 : 81.642
Năm 2025 : 252.216