A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên tắc “Ba tốt” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhờ việc các chiến sĩ thực hiện nghiêm nguyên tắc “Ba tốt” (đi tốt,ăn tốt, ngủ tốt) nên trong suốt 56 ngày đêm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ không xảy ra đại dịch, sức khỏe chiến sĩ được bảo đảm, nâng cao khả năng chiến đấu, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong bối cảnh lúc bấy giờ bộ đội ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật lực, quân lực và kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường. Thêm vào đó còn có những khó khăn khách quan như vùng Tây Bắc khi đó còn là vùng “Rừng thiêng nước độc”, là vùng có dịch bệnh sốt rét rất nặng, có cả ruồi vàng và thường trực là những ổ dịch tả, kiết lị. Một bất lợi nữa mà các chiến sĩ phải đối mặt là thời tiết hết sức khắc nghiệt, tháng 01 và 02 thì rét thấu xương, từ tháng 3 cho tới tháng 5 là nóng ẩm, mưa rừng. Thống kê cho thấy ở khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ, mật độ binh sĩ trên chiến trường thường xuyên ở mức cao (phía ta 87.000, bao gồm bộ đội và dân công; phía Pháp là hơn 16.000 quân), nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh tật rất lớn. Một điểm khác biệt giữa quân đội ta và quân Pháp đó là đa số cán bộ, chiến sĩ đều xuất phát từ nông dân nên kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe còn nhiều hạn chế...

Để lên tới Điện Biên các đại đoàn đều phải vượt qua chặng đường 400 - 500km. Hành quân chủ yếu vào ban đêm, ban ngày nghỉ tại các lán trại. Mỗi chiến sĩ phải mang trung bình 30kg. Chính vì vậy việc phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “Ba tốt” trong hành quân: “Đi tốt, ăn tốt, ngủ tốt” trở nên càng quan trọng.

“Đi tốt”: Trước khi hành quân, chỉ huy từng đơn vị phải có trách nhiệm nhắc nhở chiến sĩ kiểm tra giày, dép cao su xem có vừa không; mỗi người phải có một bộ quai dép dự trữ, phải có kẹp rút dẹp. Kiểm tra tất cả các quân tư trang trước khi hành quân, nếu thấy đồ đạc gì không cần thiết nhất định phải bỏ lại. Các bác sĩ của Ban Quân y chiến dịch đã phổ biến tới từng tiểu đội kinh nghiệm chống phồng chân, nứt nẻ chân, nước ăn chân, cước chân, bong gân.... Việc áp dụng cách ngâm chân bằng nước nóng trong hố có lót nylon vào buổi sáng ngay sau một đêm hành quân được thừa nhận là có hiệu quả tốt nhất.

Ăn tốt”: Bảo đảm ăn thức ăn nóng và uống nước chín tại chiến trường là nhiệm vụ rất nặng nề với khối hậu cần. Ban Quân y chiến dịch nghiêm cấm chiến sĩ không ăn thực phẩm ôi, thiu, đồ ăn nghi nhiễm độc. Mỗi đơn vị phải phân công cụ thể cho từng người; Người đào bếp Hoàng Cầm, người kiếm củi, người lấy nước, có lúc phải chuẩn bị củi khô phòng khi trời mưa để đảm bảo thức ăn phải đủ nóng.

Ngủ tốt”: Ngày đầu của chiến dịch, bộ đội ta tổ chức rất chậm, phải mất hàng giờ mới thu xếp xong chỗ nằm. Bằng sự sáng tạo của mình, các đơn vị đã rút dần xuống còn 30 phút, rồi 15 phút, trong thực tế có nhóm rút xuống còn 7 phút để có thể ngủ sớm hơn. Trong vòng 15 phút phải hoàn thành việc nhóm lửa có đủ ánh sáng, gom lá rải làm đệm, mắc màn để phòng muỗi, có đủ nước để ngâm chân.

Nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc “Ba tốt” các đơn vị đã hành quân tới chiến trường và tập kết đúng thời gian quy định, quân số khỏe mạnh đạt tới 98-99%. Con số này được các nhà lịch sử quân sự đánh giá là lý tưởng, vì ở mọi cuộc chiến tranh trên thế giới, con số này chỉ đạt 80 – 82%, cá biệt có những đội quân mất 50% sức chiến đấu do tổn hao quân lực vì thường xuyên đối mặt với bệnh tật.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, các loại bệnh sốt rét, kiết lị, chứng suy nhược do thiếu vitamin đã hoành hành, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe bộ đội. Đặc biệt trong những tháng cuối chiến dịch bắt đầu có mưa nhiều nên giao thông hào lầy lội, quần áo,giày dép của nhiều chiến sĩ bị rách phải đi chân đất, bệnh ngoài da phát triển mạnh, tình trạng thiếu ngủ kéo dài, sức khỏe của bộ đọi giảm sút nhiều, nhất là ở các đơn vị ngày đêm đối mặt với quân Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ. Ở nhiều đơn vị, quân số khỏe chỉ còn 40%.

Trước tình hình nguy cấp đó, bác sĩ Từ Giấy – Trưởng Tiểu ban Phòng dịch – Ban Quân y chiến dịch đệ trình lên Tổng Tư lệnh xin banh hành 10 điều phải làm về giữ gìn sức khỏe và đã được Tổng Tư lệnh chấp thuận ngay mà không phải chỉnh sửa. Nhưng Đại tưỡng Võ Nguyên Giáp đã bổ sung điều thứ 11: “Đơn vị, cá nhân nào tích cực chấp hành, giữ vững quân số chiến đấu sẽ được khen thưởng. Đơn vị, cá nhân nào thiếu gương mẫu, không tích cực chấp hành để quân số hao hụt nhiều sẽ bị kỷ luật”. Ngay sau khi ban hành quy định đặc biệt và rất cụ thể này, các Đại đoàn 308,312, 316, 304, 351 cùng với quân y của các đơn vị tổ chức thực hiện rất nghiêm, đem lại hiệu quả ngay tức khắc vì sự cụ thể, sát thực tế và tính khoa học của nó.

Quy định này của Đại tưỡng Võ Nguyên Giáp đã giải quyết căn bản được tư tưởng tiêu cực, thói quen tạm bợ, thiếu khoa học trước đây của bộ đội ta. Trên cơ sở đó cán bộ, cấp ủy có điều kiện tốt hơn để cùng chăm lo sức khỏe đời sống bộ đội. Với việc thực hiện nghiêm túc yêu cầu “Ba tốt” và 11 điều phải làm để bảo vệ sức khỏe chiến đấu dài ngày, nên chỉ sau thời gian ngắn, các bệnh sốt rét, ghẻ lở, kiết lị đã biến mất, sức khỏe và tâm lí của các chiến sĩ được bảo đảm cho tới ngày toàn thắng 07/5/1954./.


Nguồn: Bảo tàng chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.995
Hôm qua : 2.579
Tháng 05 : 73.049
Năm 2024 : 372.463