A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

LAN TỎA MẠNH MẼ PHONG TRÀO “BÌNH DÂN HỌC VỤ SỐ” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

 

Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 779-KH/TU ngày 12/6/2025 về tuyên truyền, triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh.

Phong trào là bước đi thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và lan tỏa tinh thần làm chủ công nghệ số trong toàn xã hội; tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên số.

Phổ cập tri thức số - Xây dựng công dân số

Phong trào “Bình dân học vụ số” hướng đến mục tiêu phổ biến kiến thức và kỹ năng số cơ bản cho mọi tầng lớp Nhân dân - từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến người lao động, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người yếu thế. Qua đó, mỗi người dân đều được tiếp cận công nghệ, sử dụng hiệu quả nền tảng số, hình thành thói quen ứng dụng chuyển đổi số trong đời sống, công việc hằng ngày.

Từ đó góp phần phổ cập số, thu hẹp khoảng cách số, xây dựng cộng đồng số, công dân số, tổ chức Đảng số, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại địa phương.

Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh dự Hội nghị trực tuyến triển khai các hoạt động

Đẩy mạnh tuyên truyền toàn diện, bám sát thực tiễn

Kế hoạch triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” xác định 7 định hướng tuyên truyền chủ yếu, bảo đảm toàn diện, sâu sát và dễ triển khai.

Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và vai trò quyết định của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp, tạo nền tảng để mỗi người dân làm chủ công nghệ.

Song song với đó, công tác tuyên truyền cần tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách, mô hình hay, cách làm hiệu quả và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, khơi gợi tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực từ cơ sở.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là vận động toàn dân tích cực học tập, tự rèn luyện, thi đua học số – học kỹ năng số – học ứng dụng số trong học tập, lao động và đời sống thường ngày. Từ đó hình thành phong trào học tập suốt đời, lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số.

Việc tuyên truyền cần được lồng ghép với các chương trình, đề án trọng điểm như: Đề án số 146/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia”; Đề án số 1315/QĐ-TTg, ngày 09/11/2023 về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; và Chương trình số 75-CTr/TU, ngày 28/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là những văn bản quan trọng, xác lập định hướng chiến lược và lâu dài trong công tác phát triển nguồn nhân lực số.

Cùng với đó, cần gắn công tác tuyên truyền với nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công.

Một nội dung trọng yếu khác là kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc, lợi dụng chuyển đổi số để chống phá Đảng, Nhà nước và gây rối trật tự xã hội. Việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng chính là nền tảng quan trọng để phong trào phát triển bền vững.

Cuối cùng, Kế hoạch nhấn mạnh việc biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, sáng kiến sáng tạo trong học tập và ứng dụng công nghệ số. Đây là những hạt nhân quan trọng góp phần lan tỏa tinh thần tự học, đổi mới, cùng xây dựng một xã hội học tập và chuyển đổi số thành công.

Đa dạng hình thức, phù hợp từng đối tượng

Phong trào được triển khai linh hoạt, đa dạng như: tổ chức lớp tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền qua báo chí, truyền hình, mạng xã hội; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại như video, podcast, infographic; lồng ghép trong các hội thi, sân khấu hóa, văn nghệ quần chúng; phát động “Ngày hội học số toàn dân” vào ngày 28/8 (ngày chuyển đổi số tỉnh Hà Giang) và 10/10 (ngày chuyển đổi số quốc gia).

Các hình thức được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Hệ thống chính trị cùng vào cuộc - Toàn dân cùng tham gia

Việc triển khai phong trào là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, học tập, phổ cập kỹ năng số.

Công tác thi đua - khen thưởng được gắn với phong trào, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và lan tỏa kỹ năng số, hình thành động lực thi đua mạnh mẽ trong toàn tỉnh.

Học tập suốt đời - Làm chủ tương lai số

Phong trào “Bình dân học vụ số” là bước đi cụ thể trong việc đưa chủ trương của Đảng về chuyển đổi số đến với từng thôn bản, từng hộ dân, từng cán bộ, đảng viên. Từ những lớp học nhỏ, buổi hướng dẫn trực tiếp hay video lan tỏa trên mạng xã hội… phong trào đang từng bước khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ trong cộng đồng.

Tin tưởng rằng, khi mỗi người dân đều được trang bị kỹ năng số, tỉnh sẽ từng bước xây dựng thành công một Hà Giang số - văn minh - hiện đại - phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Ngạc Văn Tuấn - Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy


Tác giả: Ngạc Văn Tuấn
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.813
Hôm qua : 1.810
Tháng 07 : 16.893
Năm 2025 : 397.276