A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản Bạ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh

Sau thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Quản Bạ vẫn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảng dạy của giáo viên cũng như học sinh. Để khắc phục tình trạng trên, huyện đã có giải pháp dạy học trực tuyến.

Bước vào năm học 2023-2024, Trường PTDTBT Tiểu học Quyết Tiến thực hiện dạy học trực tuyến tiếng Anh cho học sinh lớp 3. Thầy giáo Phạm Như Ý, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Quyết Tiến cho biết: Hiện nay nhà trường có 2 giáo viên dạy tiếng Anh, đang phải dạy 84 tiết học, tức là số tiết dạy gấp đôi so với quy định. Nhà trường bố trí 1 lớp học ở trường chính có 1 giáo viên tiếng Anh và kèm thêm 1 cô giáo hỗ trợ lớp học; tại các điểm trường sẽ học trực tuyến theo trường chính và có 1 giáo viên hỗ trợ tổ chức lớp học. Năm học trước, nhà trường đã dạy thử nghiệm theo hình thức trực tuyến, năm nay chúng tôi tiếp tục dạy học theo phương pháp này. Khó khăn trong dạy trực tuyến là đường truyền mạng, trường mới khôi phục được đường mạng của 4 điểm trường, còn 2 điểm phải dùng mạng 4G phát từ điện thoại do chưa kéo được dây mạng Internet. Để có cơ sở vật chất cho học sinh học trực tuyến, nhà trường phải đi xin ti vi của các doanh nghiệp về trang bị cho các điểm trường.

Tiết học tiếng Anh của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Quyết Tiến.
Tiết học tiếng Anh của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Quyết Tiến.

Theo thầy Ý đánh giá, hình thức dạy trực tuyến không thể bằng so với dạy trực tiếp được, nhưng đây là hình thức tháo gỡ khó khăn trong lúc thiếu giáo viên. Nếu học trực tiếp thì học sinh ở một lớp sẽ được trả lời cô giáo nhiều hơn, trao đổi bài nhiều hơn. Hiện nay nhà trường đang bố trí mỗi tiết dạy trực tuyến có 4 đầu cầu, tương đương với 4 lớp học, mức độ để học sinh trao đổi với cô giáo sẽ ít hơn nên hiệu quả chưa cao. Để nâng cao chất lượng học trực tuyến, nhà trường mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đường truyền mạng cho các điểm trường.

Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ cũng áp dụng hình thức học trực tuyến môn tiếng Anh năm học này. Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ, Tạ Văn Kha cho biết: “Nhà trường có 1 giáo viên dạy tiếng Anh, ở trường chính có 3 lớp thì nhà trường sẽ phải dồn học sinh vào học cùng 1 tiết. Bên cạnh đó, chúng tôi có 2 điểm trường sẽ học trực tuyến theo giờ học của trường chính. Nếu theo định mức thì nhà trường còn thiếu 2 giáo viên. Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng học trực tuyến như mua sắm thêm ti vi, kéo đường dây mạng. Nói chung khá vất vả nhưng phải cố gắng xoay sở tìm phương án để dạy học cho đủ số tiết. Các năm học tiếp theo sẽ tìm cách cải tiến cách tổ chức dạy học để đảm bảo dạy đủ chương trình”.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ, Lê Trung Thành, cho biết: Hiện tại, toàn huyện có 14 giáo viên tiếng Anh, gồm 10 giáo viên tiểu học và 4 giáo viên THCS. Trong khi toàn huyện có 11 trường tiểu học, 11 trường THCS. Cách khắc phục của huyện là phân công giáo viên dạy 2 trường, dạy gom lớp, thanh toán thêm giờ làm việc. Phòng Giáo dục đã tổ chức hội thảo về cách tổ chức giảng dạy tiếng Anh để các trường cùng thỏa luận, tìm cách khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, làm sao để đảm bảo số tiết dạy cho học sinh. Bên cạnh đó, để đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và dạy học tiếng Anh ở lớp 3 nói riêng. Ngành Giáo dục đã tham mưu cho huyện hàng năm bố trí ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có thiết bị dạy học tiếng Anh ở cấp tiểu học và đủ kinh phí cho giáo viên dạy thêm giờ, hợp đồng giáo viên giảng dạy.

Bài, ảnh:  LÊ HẢI


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.664
Hôm qua : 2.926
Tháng 07 : 79.536
Năm 2024 : 584.882