Bảo vật Trống đồng của người Lô Lô trên Cao nguyên đá
Lô Lô là dân tộc rất ít người ở Hà Giang, thường sống tập trung, quần tụ tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.
Văn hóa của người Lô Lô rất đa dạng, có nhiều dấu ấn đậm nét theo suốt chiều dài lịch sử, tiêu biểu là Trống đồng. Giữ gìn "sợi dây" kết nối mạch nguồn truyền thống từ ngàn xưa để lại, bảo vật quý giá này đang được các thế hệ người Lô Lô trên Cao nguyên đá lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống.
Mặc dù có dân số ít, nhưng dân tộc Lô Lô ở Hà Giang là cộng đồng có tính cố kết mạnh mẽ, đây được xem là yếu tố giúp họ giữ gìn được hầu như nguyên vẹn nét văn hoá truyền thống. Trong văn hoá đặc trưng của người Lô Lô, không thể không nhắc đến Trống đồng.
Họ cho rằng, từ thuở có trời, có đất là có Trống đồng, trống được xem là biểu tượng của con người, hình dáng của trống đồng là sự mô phỏng, cách điệu từ hình dáng con người và mang đầy đủ trên mình chúng các hiện tượng của vũ trụ. Trời, đất và con người là một thể thống nhất có liên quan đến mọi mặt trong cuộc sống con người.
Năm 2015, đôi Trống đồng Lô Lô có niên đại ở thế kỷ V đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các nét hoa văn trên mặt Trống đồng của người Lô Lô có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên trang phục truyền thống của họ.
Trống đồng của người Lô Lô là một cặp gồm có trống đực và trống cái. Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở và tín ngưỡng phồn thực của người Lô Lô còn được bảo tồn và thể hiện bằng việc không sử dụng trống đồng đơn chiếc mà nhất thiết phải dùng một đôi cùng một lúc.
Trống đực bao giờ cũng được treo bên phải, trống cái treo bên trái. Khi đánh hai mặt trống đối xứng và cách nhau khoảng 30cm để sử dụng dùi trống ở khoảng giữa. Người đánh trống tay phải cầm dùi đánh vào mặt trống, tay trái cầm que gõ vào tang trống để giữ nhịp cho điệu múa trong các ngày lễ.
Về kích thước, Trống nhỏ (trống đực) có đường kính mặt: 39cm; đường kính chân: 38,5cm; cao: 25cm. Trống to (trống cái) có đường kính mặt: 64cm; đường kính chân: 58,5cm; cao: 38,3cm.
Về hoa văn, Mặt Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn gồm hoa văn hình răng lược, vòng tròn đồng tâm có chấm giữa, hình người hóa trang cách điệu, hoa văn chim Lạc.... giữa mặt trống đồng là những tia mặt trời mà người Lô Lô gọi là Mồ Pủi Khấy (Mắt trời) các vành hoa văn xung quanh là các hành tinh khác. Mỗi một hình tượng hoa văn được lựa chọn rất khéo léo để thể hiện những hoạt động của con người, loài vật.
Điểm khác biệt của Trống đồng Lô Lô với Trống đồng của các dân tộc khác chính là những lỗ tròn thủng trên mặt trống, bên cạnh đó còn được thể hiện ở những vành hoa văn lạ chưa từng thấy trên các trống Đông Sơn và các trống đã phát hiện được ở Hà Giang. Đó là Tổ hợp hoa văn biến ảo (gồm hình thuyền lộn ngược, văn hình tam giác lồng, văn thổ cẩm tựa như hình nơ, văn bông lúa cách điệu….).
Người Lô Lô ở Hà Giang xem Trống đồng là báu vật thiêng cha ông truyền lại, cũng là biểu tượng cho sức sống của dân tộc mình. Nghệ nhân Vàng Dỉ Tránh, huyện Đồng Văn cho biết: Mỗi bộ trống đồng Lô Lô có 2 chiếc, gồm trống cái (thắng dảnh), trống đực (múi dảnh), trống cái bao giờ cũng to hơn trống đực.
Ngày nay, Trống đồng được sử dụng trong nhiều dịp lễ hội như: Lễ tế trời, cúng thổ thần, lễ cầu mưa, cúng tổ tiên, rước đuốc và ngày hội Lô Lô được tổ chức vào 25/7 âm lịch hàng năm. Trống đồng cũng là nhạc khí không thể thiếu trong đám tang của người Lô Lô, với quan niện con người do bố trời và mẹ đất sinh ra, vận mệnh con người do trời đất định đoạt, khi chết hồn người phải được trở về với tổ tiên và trời đất, tiếng trống đồng là âm thanh dẫn lối đưa linh hồn người quá cố về được với tổ tiên nối cõi sống với cõi chết. Âm thanh trầm vang của Trống đồng đã đi vào tâm trí, phong tục tập quán và in dấu ấn trong dân ca của người Lô Lô cho đến ngày nay.
Trống đồng cũng là nhạc cụ chủ đạo không thể thiếu trong nghi lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô. Tiếng trống hòa quyện với người hóa trang thành người rừng (hay còn gọi là Ma cỏ) để thực hiện nghi lễ theo 3 phần chính: Lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa tổ tiên.
Lễ cúng tổ tiên ngoài ý nghĩa thiêng liêng, nghệ thuật của riêng người Lô Lô còn giúp giáo dục hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, tạo gắn kết cộng đồng. Với những nét đặc sắc trong hình thức và ý nghĩa nhân sinh, lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồn Văn cho biết: Toàn thôn hiện có 105 hộ dân tộc Lô Lô sinh sống và đang lưu giữ 2 cặp Trống đồng. Không ngừng bảo vệ, phát huy bảo vật quý giá mà cha ông để lại, người dân trong thôn thường xuyên sử dụng Trống đồng vào các dịp lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tích cực giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa, giá trị di sản, nhân lên trách nhiệm bảo tồn, phát huy trong đời sống.
Trống đồng Lô Lô là minh chứng cho những giá trị văn hóa rực rỡ từ ngàn đời nay để lại. Để bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống Trống đồng Lô Lô, tỉnh Hà Giang đã tích cực sưu tầm trống đồng để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ngành Văn hóa thường xuyên phối hợp với các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Lô Lô bảo vệ, gìn giữ trống đồng. Cùng với đó, khôi phục, gìn giữ những nghi lễ, phong tục truyền thống có sử dụng trống đồng, góp phần bảo tồn, phát huy sức sống của những báu vật có niên đại hàng ngàn năm tuổi.
Những lễ hội, phong tục cùng những vũ điệu hoang dã, âm vang của Trống đồng Lô Lô trên biên cương cực Bắc Tổ quốc đã và đang được gìn giữ như một minh chứng cho sự trường tồn của báu vật mà cha ông để lại. Đó cũng là tiếng lòng của các thế hệ luôn đau đáu với việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị truyền thống ngàn năm trên cao nguyên đá Đồng Văn.