A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu tranh chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên

Sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội với việc lan truyền thông tin nhanh chóng, đã có những tác động lớn đến cuộc sống của con người. Trong đó, không thể không kể đến tình trạng những đối tượng phản động lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Trước thực trạng đó, việc nhận diện rõ thông tin xấu, độc và đấu tranh, phản bác kịp thời là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên để xây dựng, củng cố tổ chức và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Trước hết, có thể nhận diện thông tin xấu, độc phát tán trên mạng xã hội và mạng internet và mạng xã hội là những thông tin giả, tin đồn thất thiệt với mục đích, động cơ xấu. Thông tin xấu, độc thường là thông tin bịa đặt, xuyên tạc hoặc khai thác từ một số vụ việc tiêu cực đơn lẻ rồi sắp xếp theo kiểu thật giả, đúng sai lẫn lộn, trong đó chủ yếu là thổi phồng thiếu sót, khuyết điểm, phân tích, dẫn dắt, định hướng người đọc theo luận điệu thù địch và đưa lên mạng xã hội, mạng internet với dụng ý xấu.
      Thông tin xấu độc thường tập trung vào các nội dung như: Thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, thuần phong, mỹ tục, phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc hoặc áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây; thông tin lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virut; thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam hòng phủ định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc lịch sử dân tộc, xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; thông tin kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, tinh thần đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm, vật chất, hành vi của một bộ phận nhân dân, trong đó có đội ngũ cán bộ đảng viên. Đây chính là mặt trái của sự phát triển mà chúng ta phải đối mặt. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, đấu tranh, phản bác với các thông tin xấu, độc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trên hết, trước hết để bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ và nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về“Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã nêu rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”.

Trên thực tế, hiện nay, hầu hết cán bộ, đảng viên đều tham gia mạng xã hội. Song việc nhận thức đầy đủ mặt tích tịch và tiêu cực, xác lập thái độ, hành vi ứng xử trước các thông tin trên mạng xã hội, nhất là trách nhiệm, tinh thần thể hiện chính kiến, đấu tranh, phản bác những quan điêm sai trái, phản động vẫn còn hạn chế. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay, là phải tuyên truyền, quán triệt, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành đều phải nhận thức rõ, trách nhiệm của mình trong việc tiếp cận, đối diện với những thông tin trên mạng xã hội và chủ động, tích cực đấu tranh với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Để làm được điều đó, trước tiên, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải được trang bị những kiến thức và khả năng để tỉnh táo, sáng suốt nhận diện, cảnh giác trước các thông tin xấu, độc. Phải xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, đánh giá thông tin một cách khách quan, đầy đủ. Ngoài thông tin trên mạng xã hội, cần khai thác, tìm hiểu thông tin từ các kênh truyền thông đại chúng khác nhau, nhất là các kênh thông tin chính thống.

Mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội cần biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết có nội dung tích cực về gương điển hình tiên tưởng, gương người tốt việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất…

Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, nhân dân cùng nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng nhận diện và tinh thần đấu tranh với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Nói rõ cho mọi người hiểu những hậu quả khôn lường khi không tỉnh táo, sáng suốt tiếp cận thông tin trên mạng xã hội và mạng internet, trước hết là tổn hại về tinh thần, nhận thức, thậm chí cả tiền bạc, tài sản, hoặc là vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. 

Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần chú ý nắm bắt tình hình dư luận, tâm trạng xã hội được phản ánh trên mạng xã hội để kịp thời báo cáo đến cơ quan chức năng hoặc cấp có thẩm quyền về những nội dung có biểu hiện sai lệch, bất thường, từ đó có hưởng xử lý, giải quyết phù hợp. Không nên có tư tưởng, hoạt động đấu tranh, phản bác là nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có trách nhiệm tham gia giải thích, định hướng cho dư luận nhân dân khi nhân dân còn chưa hiểu hoặc còn băn khoăn, thắc mắc về những vấn đề, sự kiện nào đó, nếu chưa có các thông tin chính thống, cũng cần định hướng cho người dân phải chờ đợi các nguồn thông tin chính thống chứ không nên quy chụp, gán ghép hay sớm nhận định, đánh giá một vấn đề được thông tin trên mạng xã hội.

Có thể khẳng định rằng, chủ động đấu tranh trước các thông tin xấu, độc là trách nhiệm và nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thức rõ và thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh với thông tin xấu, độc sẽ được thực hiện rất hiệu quả. Từ đó, góp phần đảm bảo ổn định tình hình xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội  đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hoàng Hằng
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.093
Hôm qua : 2.611
Tháng 07 : 64.968
Năm 2024 : 570.314