A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Hà Giang

CTTBTG - Người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/03/2003 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc đã nêu rõ: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”. Điều đó cho thấy người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số. Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích 7.927 km2 có 277,556 km đường biên giới đất liền giáp với Trung Quốc (02 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây). Dân số Hà Giang trên 90 vạn người, với 19 dân tộc (87,7 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số: Mông 34,45%; Tày 22,43%, Dao 14,82%; Nùng 9,53%...).

Tỉnh Hà Giang hiện có 2.007 người có uy tín, đây là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, tri thức về hưu, người làm kinh tế giỏi... Với bản chất của người dân tộc, thật thà, cần cù, chịu khó, dễ tin, dễ ngờ, dễ bị tác động, đây chính là điểm yếu mà các thế lực thù địch tìm mọi cách gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Để bảo đảm xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới của tỉnh phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau; Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 25- NQ/TU ngày 27/4/2024 về lãnh đạo triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang". Nghị quyết ra đời là chủ trương của cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã rất phù hợp lòng dân trong thời đại mới, thể hiện ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị ở tỉnh trong việc đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, phát triển. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng các xã đồng bào khó khăn, xã vùng khó khăn từng bước được đầu tư, cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn; khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản so với các vùng miền khác còn khá lớn.

Các đồng chí lãnh đạo trò chuyện với đại biểu bên lề hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 - 2022

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn thôn/bản khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao; phát triển kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc bị mai một... Tạo điều kiện để người có uy tín thực sự là lực lượng nòng cốt trong cộng đồng Người có uy tín là lực lượng có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Ở góc độ hẹp, trong mỗi gia đình người dân tộc thiểu số, mọi sinh hoạt đời sống, quan hệ xã hội và lao động sản xuất luôn được điều hành, chi phối bởi người có uy tín nhất trong nhà. Trong đời sống, người có uy tín giữ vai trò đầu tàu đảm bảo sự vận hành của cộng đồng thông qua các công việc như: duy trì phong tục tập quán, ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và với các cơ quan trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước ở địa phương.

Nhận thức rõ điều đó, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn các sở ngành, địa phương định kỳ và hàng năm tổ chức bình chọn xét, công nhận người có uy tín được thực hiện đúng theo quy trình ở các cấp. Hiện nay trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang đã có 2007 người có uy tín được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Bên cạnh đó, người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn nhận được quan tâm thăm hỏi, tặng quà dịp tết, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần, đã tổ chức các cuộc thăm hỏi, tặng quà, động viên người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán.

Thường xuyên cung cấp thông tin, tổ chức hội nghị phổ biến, cấp, phát Báo Hà Giang định kỳ cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó định kì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, biểu dương, khen thưởng, tặng quà cho người có uy tín. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức cho người có uy tín luôn các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm để không ngừng phát huy vai trò của người có uy tín. Hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng phát huy vai trò tuyên truyền rộng rãi các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đội ngũ người có uy tín được cập nhật thường xuyên, có kiến thức, thông tin để tuyên truyền, vận động nhân dân trong cộng đồng thôn, bản thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên truyền thông các gương người tốt, việc tốt trong đồng bào các dân tộc vùng miền núi, biên giới, hải đảo để tạo sức lan tỏa, nhân rộng điển hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Nhiều tấm gương người có uy tín: nói - dân tin, làm - dân theo trong việc vận động phát triển kinh tế - xã hội, người có uy tín ở các địa phương đã gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi được nhà nước hỗ trợ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao; tích cực vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, tổ chức lại sản xuất, cải tạo vườn tạp, đồi tạp; thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân; tích cực phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình: ông Làn Đình Dưỡng, dân tộc Pà Thẻn, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang đã phát triển kinh tế vườn hộ, cho thu nhập 150 triệu đồng/năm; ông Sùng Mí Tỏa, thôn Sảng Pả 2, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh chăn nuôi bò, dê cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm; ông Hà Văn Nhớ, dân tộc Tày, thôn Lùng Cu, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả cho thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm...; Người có uy tín của tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi tích cực hưởng ứng, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; vận động bà con hiến đất và bản thân tự nguyện hiến đất để xây dựng đường giao và các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tiêu biểu như ông Đặng Văn Đạt (thôn Nà Nghè, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê) gia đình ông đã hiến 3.000m2 để xây dựng điểm trường, năm 2019 ông hiến 500m2 đất để mở tuyến đường liên thôn, ông được tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021"; ông Vương Đức Hùng dân tộc La Chí xã Nàn Xỉn (Xín Mần), Bà Giàng Thị Mẩy, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) ...

32 đại biểu người có uy tín trong đồng bào các DTTS tỉnh Hà Giang tham dự “Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023"

Người có uy tín - là chỗ dựa tin cậy của cả hệ thống chính trị, nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng, lòng dân. Đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, người có uy tín luôn giữ vai trò hạt nhân, tích cực trong công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội Đảng các cấp, vận động bầu cử, tích cực vận động Nhân dân tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu ứng cử Quốc hội, HĐND các cấp nơi cư trú, vận động Nhân dân đi bầu cử đúng giờ, bầu đúng, bầu đủ số lượng đại biểu, đảm bảo cơ cấu, tinh thần trách nhiệm lựa chọn những người đủ đức, đủ tài xứng đáng là người đại biểu Nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XIV, khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng Công an, Biên phòng đã trực tiếp vận động, tranh thủ người có uy tín tuyên truyền vận động Nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đội ngũ người có uy tín luôn là nòng cốt duy trì mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cung cấp nhiều tin có giá trị, trong đó có nhiều tin quan trọng giúp cho lực lượng chức năng đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, hàng cấm, buôn bán người qua biên giới; vận động Nhân dân giao nộp pháo nổ, súng tự chế, súng săn; tham gia vận động đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện; phối hợp cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động ngăn chặn người, quản lý người xuất cảnh trái phép; ngăn chặn nhiều vụ hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tà đạo, đạo lạ trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi…. Có thể nói, nhờ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc… Để người có uy tín là “điểm tựa” để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cả hệ thống chính trị cần thấu suốt nội hàm quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của người có uy tín.

Ông Đặng Văn Đạt (thứ 2 bên phải) thôn Nà Nghè, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê với mô hình nuôi trâu vỗ béo

Thứ nhất, phát huy vai trò, tầm quan trọng của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; người có uy tín được đồng bào tín nhiệm, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển cộng đồng dân cư trong vùng dân tộc. Họ là nhân tố quan trọng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ người có uy tín nên được xem là một trong những “nhiệm vụ đặc biệt” của công tác cán bộ ở cơ sở. Người có uy tín tuy không phải là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhưng vai trò của họ đối với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng đặc biệt quan trọng. Cần xác định phát huy vai trò người có uy tín là một trong những “nhiệm vụ đặc biệt” trong công tác cán bộ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để có chiến lược, kế hoạch đào tạo, sử dụng dài hạn, hợp lý.

Thứ ba, Cá nhân của người có uy tín thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương; chú trọng cung cấp thông tin xác thực về tình hình ở thôn, bản; phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng đến cấp có thẩm quyền.

Để phát huy được sức mạnh tổng thể trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đối tượng là người dân tộc thiểu số miền núi, thì việc phát huy vai trò của người có uy tín là điều quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay các thế lực thù địch luôn rình rập, lợi dụng sơ hở và sự kém hiểu biết của đối tượng dân tộc thiểu số miền núi để chia rẽ, dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo các đối tượng tham gia chống phá Đảng, Nhà nước thì việc phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt - người có uy tín là việc làm cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Trần Thảo


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.011
Hôm qua : 1.836
Tháng 11 : 38.854
Năm 2024 : 916.514