Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
BTGDV- Tóm tắt: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Tuy nhiên, để phong trào cách mạng được mạnh mẽ và giành thắng lợi, thì ngoài lý luận cách mạng đúng đắn, còn phải có một đảng vững mạnh cùng một đội ngũ cán bộ cách mạng có đủ nhiệt tình và năng lực, đưa lý luận cách mạng vào thực tiễn phong trào đấu tranh. Bài viết tập trung làm rõ trong quá trình vận động thành lập Đảng, cùng với việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng.
1. Tìm kiếm, lựa chọn, gieo mầm những hạt giống đầu tiên
Quy luật ra đời của các đảng cộng sản là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, tuy nhiên, trong mỗi nước, “... sự kết hợp ấy lại là một sản phẩm của lịch sử, lại được thực hiện bằng những con đường đặc biệt, tùy theo điều kiện không gian và thời gian”1. Tại Việt Nam, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam đã ra đời, song số lượng còn ít, tập trung chủ yếu trong ngành khai thác mỏ, đồn điền; trình độ về mọi mặt còn nhiều hạn chế, nhất là trong giác ngộ đấu tranh. Phong trào đấu tranh của công nhân lúc này còn nhỏ yếu, phân tán, nhưng phong trào yêu nước của các giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam diễn ra rất sôi nổi, nhất là trong nhóm thanh niên trí thức. Họ là những người có tinh thần yêu nước, có học thức, rất nhạy bén với thời cuộc nhưng do chưa tiếp cận được con đường cứu nước đúng đắn nên những phong trào yêu nước mà họ tham gia đều thất bại.
Những năm đầu thế kỷ XX, Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông là trung tâm cách mạng của Trung Quốc, đồng thời cũng là nơi trú chân của những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Năm 1922, nhóm thanh niên trí thức Việt Nam tại Quảng Châu đã đã lập ra nhóm Tâm Tâm xã. Các thành viên ban đầu của nhóm gồm có: “Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giản Khanh, Lê Cầu, Đặng Xung Hồng, Trương Quốc Huy, Nguyễn Công Viễn. Đầu năm 1924, kết nạp thêm Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong”3. Đây đều là những thanh niên đầy nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, song do chưa có người tổ chức và hướng dẫn nên họ chưa biết làm gì ngoài hành động mưu sát cá nhân. Điển hình là ngày 19-6-1924, Phạm Hồng Thái - một thành viên của Tâm Tâm xã đã mưu sát Toàn quyền Ðông Dương Merlin. Vụ ám sát tuy thất bại, song đã gây được tiếng vang lớn.
Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và tìm cách truyền bá về Việt Nam. Với kinh nghiệm tham gia quá trình lập Đảng Cộng sản Pháp, học tập kinh nghiệm xây dựng đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặc biệt là quán triệt quan điểm xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lênin: “... đồng thời vừa có sự thức tỉnh tự phát của quần chúng công nhân, thức tỉnh về sinh hoạt tự giác và về đấu tranh tự giác, lại vừa có một lớp thanh niên cách mạng được vũ trang bằng lý luận dân chủ ‐ xã hội nóng lòng gần gũi công nhân”2, Nguyễn Ái Quốc thực hiện nhiều biện pháp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Trong đó, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước.
Tháng 11-1924, sau khi được sự đồng thuận của QTCS, Nguyễn Ái Quốc từ Mátxcơva về tới Quảng Châu. Người được bố trí làm việc trong phái đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô với bí danh Lý Thụy. Trên danh nghĩa là cán bộ phiên dịch của đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động “mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt tại Quảng Châu về con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, lôi cuốn thanh niên từ trong nước sang, huấn luyện xong lại cử họ về nước hoạt động, tuyên truyền cách mạng. Từ kết quả huấn luyện đào tạo, sẽ lập một tổ chức cách mạng của thanh niên, chọn lọc trong đó những phần tử trung kiên, chuẩn bị hạt nhân để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam”4.
Giữa tháng 12-1924, Nguyễn Ái Quốc đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhóm thanh niên yêu nước của tổ chức Tâm tâm xã. Trong báo cáo gửi Chủ tịch Đoàn Quốc tế Cộng sản (18-12-1924), Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia An Nam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi năm nay... ông đã đưa cho tôi một bản danh sách l0 người An Nam đã cùng ông hoạt động bấy lâu... Tôi chọn 5 người quê ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng tôi sẽ cử một người An Nam đưa họ tới Quảng Châu. Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức. Chúng tôi sẽ gửi họ trở về Đông Dương hoạt động sau 3 tháng học tập; và chúng tôi sẽ lấy ra một đoàn khác. Trong lúc này, đây là biện pháp duy nhất”5.
Sau những cuộc trao đổi, gặp gỡ, đến tháng 2-1925, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm Tâm xã để lập ra một nhóm bí mật là Cộng sản đoàn. Trong báo cáo gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản tháng 2-1925, Người cho biết: "Chúng tôi đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên, trong đó có: 2 người đã được phái về nước, 3 người ở tiền tuyến (trong quân đội của Tôn Dật Tiên), 1 người đang đi công cán quân sự (cho Quốc dân đảng). Trong số hội viên đó, có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản"6. Năm người đầu tiên đó chính là các đồng chí “Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt và Lâm Đức Thụ”7.
Tháng 6-1925, trên cơ sở nhóm hạt nhân Cộng sản Đoàn, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra một tổ chức mới có tính chất quần chúng hơn đó là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội chưa phải là một đảng cộng sản mà chỉ là một tổ chức chính trị hoạt động theo khuynh hướng cộng sản. Đây là một tổ chức tiền thân, được lập ra với hy vọng “... là quả trứng mà từ đó, nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản)”8. Những cán bộ lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Hội (Hội Trung ương chấp ủy) gồm có Nguyễn Ái Quốc, Lâm Đức Thụ và Lê Hồng Sơn.
Như vậy, đến tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng được một tổ chức tiền thân của Đảng và lựa chọn bồi dưỡng được những cán bộ cốt cán đầu tiên. Các đồng chí trong nhóm Cộng sản đoàn chính là lớp thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
Sau khi thành lập xong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng. Ðược sự giúp đỡ bí mật của Ðảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, từ đầu năm 1926 đến tháng 4-1927, tại trụ sở số nhà 13A và 13B đường Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250 đường Văn Minh, Quảng Châu), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam.
Lớp đầu tiên được khai mạc vào đầu năm 1926, “các học viên được bí mật đưa đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập, họ trở về nước. Khóa thứ nhất được mười học viên”9. Từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc mở thêm 2 lớp, mỗi lớp hơn 30 người. Tham dự khóa 2 có các đồng chí: “Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Văn Ðắc, Nguyễn Danh Tề, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thiết Hùng và một số khác từ Xiêm (Thái-lan) sang như: Lý Thế Hanh (Võ Tùng), Lam Giang (Nguyễn Sinh Thản), Canh Tân (Ðặng Thái Thuyến)... đồng chí Phạm Văn Ðồng cũng sang dịp này, nhưng bị ốm một thời gian nên vào học khóa sau”10. Khóa 3 triệu tập vào cuối năm 1926, gồm có: “Trần Văn Cung (Quốc Anh), Cẩm (Nguyễn Ðình Từ), Ngọ (Phan Ðăng Ðệ), Quốc Hoa (Võ Mai), Dương Hạc Ðính, Hưng Nam, Phi Vân, Lạc Long, Ngô Việt, Thanh Tân, Ðiền Hải, Lê Duy Nghệ, Nguyễn Danh Ðới, Vũ Trọng, Nguyễn Tường Loan, v.v.”11. Khóa 3 kết thúc vào khoảng đầu năm 1927. Tổng 3 khóa là 75 học viên12.
Chương trình học tập của các khóa huấn luyện rất phong phú gồm cả lý luận và thực hành. Học viên được nghiên cứu tình hình thế giới. Phần “Nhân loại tiến hóa sử” nội dung về lịch sử loài người nhưng chủ yếu là thời kỳ ra đời chủ nghĩa tư bản đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; “Lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc” giới thiệu về cuộc đấu tranh giải phóng của Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và Việt Nam; “Lịch sử phong trào công nhân quốc tế” giới thiệu về Quốc tế I, II, III và các tổ chức quần chúng của Quốc tế III, các cuộc cách mạng lớn trong lịch sử đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười. Ngoài ra, học viên còn được giới thiệu về chủ nghĩa Găngđi, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn... Cuối chương trình huấn luyện có gắn với hoạt động thực tiễn như vận động và tổ chức công hội, nông hội, tuyên truyền, diễn thuyết. Học viên còn được đi tham quan và trải nghiệm thực tế như tham quan các cơ sở cách mạng ở Quảng Châu, tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng, các cuộc bãi công của công nhân Quảng Châu... Qua chương trình huấn luyện, học viên được trang bị những vấn đề cơ bản về học thuyết Mác - Lênin, về nguyên tắc hoạt động bí mật, về kỹ năng thực hành công tác vận động quần chúng,...
Giảng viên chính của lớp huấn luyện là Nguyễn Ái Quốc. Người vừa giảng bài vừa hướng dẫn và theo dõi nhiều hoạt động, học tập, tham quan tình hình thực tế của học viên. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn là phụ giảng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn mời một số nhà cách mạng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Trần Diên Niên, Lý Phú Xuân, Bành Bái... và cố vấn, chuyên gia Liên Xô như M.M. Bôrôđin, V.K. Bliukhe... lúc bấy giờ làm việc tại Trường Quân chính Hoàng Phố đến giảng bài.
Nội dung học tập mới mẻ và phong phú đã lôi cuốn sự say mê học tập của học viên. Riêng các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc sau đó được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại thành cuốn sách dưới tiêu đề Đường Kách mệnh. Tác phẩm đã chỉ rõ những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ con đường và những biện pháp để nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập, tự do. Bằng một lối diễn giảng sinh động, hấp dẫn, với nhiều dẫn chứng cụ thể, thiết thực, phù hợp với đối tượng, Nguyễn Ái Quốc đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận vốn rất phức tạp, khó hiểu, giúp cho học viên hiểu sâu, nhớ lâu, thực hành tốt. Các học viên của Người đã từng nhận xét rằng: “Trong những buổi học, đồng chí Vương (tức Nguyễn Ái Quốc) là người giảng nhiều nhất. Đồng chí giảng rất dễ hiểu... Mọi người rất thích đồng chí Vương đến giảng và hay tham gia các cuộc báo cáo học vấn ở tổ. Vì cùng một vấn đề ấy mà đồng chí Vương giảng hay giải đáp thì mọi người dễ nắm được vấn đề hơn”13.
Kết thúc khoá học, có học viên được giữ lại ở nước ngoài để công tác, có người được cử đi học tiếp ở Trường Đại học cộng sản của những người lao động phương Đông, có người vào học Trường quân sự Hoàng Phố... Đây đều là những cơ sở mà trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã gây dựng, chuẩn bị từ lâu. Còn phần đông các học viên được cử về nước hoạt động, gây dựng và phát triển tổ chức.
Như vậy, từ đầu năm 1926 đến lúc rời Quảng Châu, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở được 3 lớp huấn luyện với 75 học viên. Con số 75 người tuy chưa nhiều, nhưng đó là một con số đầy ý nghĩa: 75 “hạt giống đỏ” đã được đích thân Nguyễn Ái Quốc “gieo trồng, chăm sóc”.
3. Sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ dưới sự đào tạo của Nguyễn Ái Quốc
Lý luận kết hợp với thực tiễn. Chính thực tiễn là trường học lớn nhất để các học viên của Nguyễn Ái Quốc hoàn thiện mình. Ngoài các đồng chí được cử đi học ở nước ngoài, phần nhiều học viên từ lớp học Quảng Châu trở về nước để hoạt động thực tiễn và gây dựng phong trào. Từ tháng 11-1926, có 7 hội viên là Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi đã được Tổng bộ phái về nước xây dựng cơ sở. Theo đó, khi đặt chân tới Bắc Kỳ, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ chọn Hà Nội là địa điểm đầu tiên để gây dựng cơ sở. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động và giác ngộ, cuối năm 1926, Chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hà Nội được thành lập, gồm 11 hội viên do Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đầu năm 1927, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi về tới Sài Gòn, kết nạp Lê Mạnh Trinh, Ngô Thiêm, Lê Văn Phát liên lạc được với tổ chức Công hội, kết nạp được thêm Tôn Đức Thắng, Trần Trương, Trần Ngọc Giải. Một số đồng chí tiếp tục được gửi sang đào tạo tại Quảng Châu. Nhóm các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng về gây cơ sở tại Vinh - Bến Thủy, vận động được nhiều hội viên của Hưng Nam sang học ở Quảng Châu, lập ra tiểu tổ ở Vinh (Vương Thúc Oánh, Trần Văn Cung, Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Ngọc Tuyết) rồi phát triển vào Nhà thương Vinh, Trường Quốc học Vinh, Nhà máy xe lửa Trường Thi và một số huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh.
Với sự hoạt động tích cực của những thành viên được huấn luyện ở Quảng Châu trở về, nhiều tỉnh hội bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được ra đời như ở Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình (Bắc Kỳ); Thanh Hóa, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Ngãi (Trung Kỳ); Sài Gòn (Nam Kỳ). Trên cơ sở các Tỉnh hội bộ được xây dựng, các cơ quan chỉ đạo cấp Kỳ đã nhanh chóng được hoàn thiện. Ra đời sớm nhất là Kỳ Bộ Trung Kỳ với sự tham gia của Vương Thúc Oánh, Lê Hữu Lập, Trần Văn Cung (2-1927). Tại Bắc Kỳ, Kỳ bộ Bắc Kỳ ra đời vào tháng 3-1927 do Nguyễn Danh Đới làm Bí thư. Ngày 25-3-1927, Kỳ bộ Nam Kỳ cũng được thành lập do đồng chí Phan Trọng Bình làm Bí thư. Tại các tỉnh miền núi Bắc Kỳ, năm 1928, các hội viên Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri cũng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là lớp thanh niên dân tộc Tày đầu tiên đến với cách mạng.
Bắc Kỳ là nơi mà Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gây dựng được tổ chức sâu rộng hơn cả. Tuy nhiên, sau một quá trình hoạt động, khi kiểm điểm lại công tác của tổ chức, Kỳ bộ thấy rằng tuy cơ sở của Hội đã phát triển được ở một số địa phương, song cơ sở cách mạng trong công nhân còn quá yếu ớt, các đồn điền chưa có cơ sở. Trong thanh niên, số đảng viên thuộc thành phần tiểu tư sản trí thức như học sinh, thầy giáo... chiếm số đông, còn số đảng viên thuộc thành phần công nhân chiếm số ít, nhất là số đảng viên là công nhân lại càng ít hơn. Đối chiếu với đường lối tổ chức mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ dẫn trong lớp học chính trị ở Trung Quốc, Kỳ bộ thấy phong trào cách mạng đang đi lệch hướng. Do đó, tại Hội nghị Kỳ bộ Bắc Kỳ (9-1928), sau khi thảo luận, Hội nghị quyết định phát động phong trào “vô sản hóa”, đưa cán bộ thuộc thành phần trí thức, tiểu tư sản đi vào nhà máy hầm mỏ để đẩy nhanh sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân... Tại vùng mỏ than Đông Bắc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đưa nhiều cán bộ trí thức vào làm thợ mỏ thuộc hai công ty than Đông Triều và Hòn Gai như đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở mỏ Vàng Danh, Nguyễn Văn Mẫn ở mỏ Mạo Khê, Bùi Đắc Thành ở mỏ Uông Bí. Tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tuy là công nhân thủy thủ, nhưng cũng tình nguyện đi kéo xe tay. Ở Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa làm công nhân ở nhà máy diêm. Ở Nam Định các đồng chí Ngô Huy Ngụ, Lê Mạnh Hiến làm công nhân Nhà máy sợi. Tại Nam Kỳ, các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Lê Quang Sung... cũng đi “vô sản hóa” ở hãng Rượu Bình Tây, Dầu Nhà Bè hoặc kéo xe tay. Tại Trung Kỳ, nhiều đồng chí khác cũng đi “vô sản hóa” ở Nhà máy xe lửa Trường Thi hoặc Bến Thủy...
Từ cuối 1928 đến cuối 1929, dưới tác động của phong trào vô sản hóa, phong trào công nhân đã phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 2 năm đã có 40 cuộc đấu tranh của công nhân. Phong trào công nhân đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng đòi hỏi phải có một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Tháng 3-1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ trong đó có Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh đã họp ở Nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) để lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (5-1929) khi kiến nghị về việc thành lập Đảng Cộng sản không được chấp nhận, đoàn đại biểu Bắc Kỳ rút khỏi Hội nghị về nước, tự lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua tuyên ngôn, điều lệ đảng, lập ra báo Búa Liềm. Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đã đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của quần chúng, đặc biệt là phong trào công nhân nên được hưởng ứng, uy tín và tổ chức của Đảng phát triển rất nhanh, nhất là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đến cuối năm 1929 ở Việt Nam đã xuất hiện 3 tổ chức cộng sản, đó là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản đã cho thấy ưu thế của khuynh hướng cứu nước vô sản trong phong trào yêu nước Việt Nam cũng như sự trưởng thành rõ rệt của đội ngũ cán bộ tiền thân của Đảng. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, phong trào yêu nước trên nền tảng của chủ nghĩa Mác- Lênin cùng với sự xuất hiện những con người tiên phong cả về lý luận và thực tiễn, đó chính là dấu hiệu chín muồi cho sự ra đời cho một Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Đầu năm 1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời đã có ngay một đội ngũ cán bộ nhiệt tình, hăng hái cách mạng, không ngừng trau dồi kinh nghiệm tổ chức đấu tranh. Sự ra đời của Đảng và sự trưởng thành của những lớp cán bộ đầu tiên của Đảng là do sự chuẩn bị, huấn luyện, giáo dục của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.
TS LÊ ĐỨC THUẬN
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Ngày nhận: 17-3-2025; ngày thẩm định, đánh giá: 24-4-2025; ngày duyệt đăng: 19-5-2025
1. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb CTQGST, H, 2005, T. 4, tr. 471
2. Sđd, 2005, T. 6, tr. 39.
3, 4, 12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), quyển 1 (1930-1945), Nxb CTQGST, H., 2018, tr. 85, 87, 92
5, 6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQGST, H, 2011, T. 2, tr. 9-10, 152.
7, 10, 11. Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924-1927), Nxb CTQG, H, 1998, tr. 52, 58, 58
8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQGST, H, 2011, T. 3, tr. 14
9. Sđd, T. 2, tr. 238
13. Bác Hồ-Hồi ký, Nxb Văn học, H, 1975, tr. 81.