A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quá trình già hóa dân số và những tác động đến sự phát triển bền vững hiện nay - Những gợi mở chính sách cho Việt Nam

Hiện nay, tuổi thọ trung bình con người được nâng cao là thành quả tích cực trên chặng đường phát triển nhân loại; tuy vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng già hóa dân số diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp, tác động không nhỏ tới sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, bối cảnh mới yêu cầu đất nước ta cần tập trung nghiên cứu, phân tích tác động toàn diện của quá trình già hóa dân số, từ đó, xây dựng, triển khai những chính sách, kế hoạch phù hợp nhằm chủ động ứng phó trong tương lai.

VỀ VẤN ĐỀ GIÀ HÓA DÂN SỐ

Già hóa dân số được xem là một trong những xu hướng nổi bật của thế kỷ XXI, biểu hiện ở việc tỷ lệ người cao tuổi (NCT) gia tăng nhanh chóng, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của một quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như trên toàn cầu. Năm 1950, thế giới mới có khoảng 200 triệu người trên 60 tuổi, đến năm 2020, có đến 727 triệu người trên 65 và theo dự báo, con số này có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 (khoảng 1,5 tỷ người)(1); ở các vùng ít phát triển hơn, độ tuổi trung vị sẽ tăng từ 26 tuổi năm 2010 lên 35 tuổi năm 2050(2). Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng già hóa dân số, cụ thể:

Thứ nhất, tỷ suất sinh giảm gắn với điều kiện sống ngày càng được cải thiện, điều này khiến tỷ lệ NCT tăng cao hơn hẳn so với số lượng trẻ em được sinh ra (là một phần kết quả từ các chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hóa gia đình). Theo thời gian, tổng tỷ suất sinh trung bình của một phụ nữ trên toàn cầu bị suy giảm, từ 4,9 con/phụ nữ (năm 1950) xuống còn 2,6 (năm 2010) và dự kiến chỉ còn 2,0 (năm 2050). Nguyên nhân là do xu hướng kết hôn muộn, tâm lý coi trọng không gian riêng tư ngày càng phổ biến; quá trình đô thị hóa dẫn đến khó khăn trong tìm việc làm, nhà ở, sinh hoạt và áp lực gia tăng trong cuộc sống; yêu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ ngày càng cao; các chính sách dân số của một số quốc gia tác động đến quá trình giảm sinh trong xã hội,...

Người cao tuổi ở Mỹ (Ảnh: Tư liệu)

Thứ hai, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng trên toàn cầu, phần nào dẫn đến sự già đi nhanh chóng của dân số. Theo đó, tuổi thọ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ đạt 77,2 vào năm 2050 nhờ các tiến bộ y học, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt và dinh dưỡng được cải thiện, cụ thể: Ở châu Á sẽ đạt 78 tuổi; khu vực Bắc Mỹ, châu Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Đại Dương sẽ đạt khoảng từ 81 đến 84 tuổi; trong khi đó, mặc dù châu Phi có tuổi thọ trung bình thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng sẽ tăng mạnh lên 66 tuổi vào năm 2030 và gần 70 tuổi vào năm 2050(3).

Ở châu Âu, dự kiến đến năm 2050, khoảng 30% dân số châu Âu sẽ là NCT(4). Trong khi đó, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ người già nhiều nước gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ lệ sinh giảm, ví dụ: Dân số Nhật Bản được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong bốn thập kỷ tới(5) (năm 2023, số người trên 75 tuổi lần đầu tiên vượt mốc 20 triệu người, số người từ 80 tuổi trở lên khoảng 12,59 triệu người, chiếm hơn 10% trong tổng dân số); tại Trung Quốc, năm 2022, quốc gia đông dân nhất thế giới chứng kiến sự sụt giảm dân số, khởi đầu giai đoạn khủng hoảng dân số (lần đầu tiên sau hơn 60 năm).

TÁC ĐỘNG CỦA GIÀ HÓA DÂN SỐ TỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Có thể khẳng định, nhân khẩu là một trong những yếu tố then chốt, quyết định tới quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, cơ cấu dân số thay đổi theo xu hướng già hóa sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện tới đời sống kinh tế - xã hội cũng như việc duy trì nguồn lực phát triển trong tương lai, cụ thể:

Về khía cạnh ổn định tình hình chính trị

Già hóa dân số có thể tạo ra sự thay đổi trong phân phối quyền lực và tác động đến cơ cấu đại diện ở các khu vực hành chính trong hệ thống chính trị, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới quyết sách mỗi chính quyền. Đặc biệt, ở các mô hình chính trị phương Tây nổi bật với hệ thống đa đảng, việc tranh thủ sự ủng hộ của cử tri luôn là bài toán mà bất cứ đảng phái nào muốn nắm quyền cũng đều phải xác định để có chính sách vận động phù hợp. Người cao tuổi được xem là nhóm cư dân có xu hướng đề cao tính ổn định, ngại thay đổi, do đó, họ thường ủng hộ các đảng phái dành sự quan tâm đối với các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi cho họ.

Về khía cạnh kinh tế

Già hóa dân số gây áp lực lên thị trường lao động và ngân sách của nhà nước, bởi khi nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động (15 tuổi - 59 tuổi) thiếu hụt, chính quyền các nước buộc phải sử dụng nhân lực lớn tuổi. Tại châu Âu, nhiều người trên 65 tuổi vẫn tham gia thị trường lao động, theo dự báo, vào năm 2030, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiếu trên 4 triệu nhân viên y tế; tại nước Pháp, sự thiếu hụt nguồn lực lao động chính là nguyên nhân khiến Thượng viện Pháp thông qua đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (từ 62 tuổi lên 64) bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các liên đoàn lao động; trong khi đó, tại Nhật Bản, tỷ lệ công ty tuyển dụng lao động trên 70 tuổi trong năm 2022 là 39% (gấp đôi so với năm 2012),... Tình trạng thiếu hụt lao động có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất sản xuất và đổi mới, qua đó làm giảm khả năng cạnh tranh của các quốc gia có dân số già so với các nền kinh tế khác.

Về khía cạnh quản lý, bảo đảm an sinh xã hội

Dân số già hóa khiến các nhu cầu an sinh xã hội của người cao tuổi ngày càng gia tăng, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và ngân sách của mỗi quốc gia. Tại Nhật Bản (người trên 65 tuổi chiếm 25,1%), tỷ trọng chi tiêu an sinh xã hội trong tổng thu nhập quốc dân của nước này đã tăng từ 5,8% (năm 1970) lên 29,6% (năm 2010) ở mức 70,5 nghìn tỷ Yên (tương đương 68,1% tổng chi tiêu an sinh xã hội). Tại Việt Nam, chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một NCT gấp 7 - 8 lần so với một người trẻ tuổi. Theo đó, với số lượng NCT tăng lên, hệ thống lương hưu và an sinh xã hội sẽ phải đối mặt với một áp lực lớn, tăng chi tiêu công để hỗ trợ NCT, nhất là những người không có nguồn thu nhập ổn định. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí xã hội, khiến nguồn lực đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực khác bị suy giảm.

Bên cạnh đó, ở các nước phát triển, vào năm 2010, trung bình cứ 4 người trong độ tuổi lao động (15 tuổi - 64 tuổi) sẽ hỗ trợ 1 NCT (từ 65 tuổi trở lên); tuy nhiên, tỷ lệ này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 3 người trong độ tuổi lao động/NCT vào năm 2025(6). Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, nơi các chương trình phúc lợi xã hội chưa được thiết lập tốt, thách thức đặt ra là phải đáp ứng thỏa đáng nhu cầu y tế và các nhu cầu khác ngày càng tăng của NCT trong bối cảnh kết cấu hạ tầng, nhân lực y tế cũng như chi phí khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người có mức thu nhập thấp và trung bình.

Cùng với đó, xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ tại các nước phát triển và đang phát triển khiến dân số trẻ có mong muốn dịch chuyển về các đô thị sinh sống, NCT và trẻ nhỏ bị bỏ lại tại các vùng nông thôn. Một mặt, xu hướng này càng khoét sâu thêm khoảng cách trong phát triển giữa khu vực đô thị và nông thôn; mặt khác, người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản (xăng dầu, cửa hàng tạp hóa,...) bởi các nhà cung cấp dịch vụ tập trung về các đô thị lớn thay vì vùng sâu, vùng xa như đã diễn ra tại các nước Nhật Bản, Vương quốc Anh và Ireland. Việc đóng cửa các dịch vụ cơ bản ảnh hưởng đến điều kiện sống ở địa phương, đặc biệt là các hộ gia đình NCT và làm giảm cơ hội tương tác giữa các thành viên trong cộng đồng, phần nào khiến NCT bị cô lập về mặt xã hội. Thêm vào đó, người trẻ di cư ra thành phố khiến dân số nông thôn suy giảm, nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng bị bỏ hoang, gây lãng phí. Theo thống kê, vào năm 2019, 13,6% số ngôi nhà ở nông thôn Nhật Bản bị bỏ trống và con số này đã tăng lên tới 20% ở một số tỉnh và được dự báo còn tiếp tục gia tăng; hơn 25% người từ 65 tuổi trở lên sống cô độc; ước tính mỗi năm có khoảng 30.000 trường hợp qua đời một mình tại nhà, không được phát hiện trong vài ngày hoặc nhiều tuần(7). Đối với các xã hội phương Đông, nơi chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, việc con cái phụng dưỡng cha mẹ cũng gây áp lực, căng thẳng lên các thế hệ thanh niên, có thể dẫn đến hành vi ngược đãi NCT, nhiều người già có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Mặt khác, NCT thường có sức khỏe thể chất, tinh thần suy giảm, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, di chuyển, phần nào khiến họ có thể bị cô lập về mặt xã hội, khó tiếp cận các dịch vụ an sinh, thậm chí dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, nhất là lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Theo thống kê của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), năm 2021, người dân Mỹ đã mất hơn 1 tỷ USD vì lừa đảo qua mạng; phần lớn nạn nhân là phụ nữ trên 40 tuổi góa chồng hoặc ly dị và người già yếu hoặc tàn tật. Ở Đông Nam Á, nghiên cứu của nhà khoa học Kaspersky vào tháng 2-2023 cho thấy, gần một nửa người dùng từng là nạn nhân của các cuộc lừa đảo qua mạng; trong đó, tỷ lệ nạn nhân tập trung vào 2 nhóm lớn tuổi nhất (chiếm 33%)(8).

Về khía cạnh văn hóa

Ở cấp độ quốc gia, già hóa dân số gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động khiến nhiều nước phải điều chỉnh chính sách nhập cư, thuê lao động nước ngoài dẫn tới việc hình thành các nhóm lao động có sự khác biệt về văn hóa đối với cư dân bản địa. Mặt khác, nguồn lao động nhập cư quá lớn có thể dẫn tới tình trạng văn hóa ngoại lai xâm nhập, áp đảo văn hóa bản địa; đồng thời lượng NCT tăng, tỷ lệ sinh giảm sẽ gây ra khó khăn trong việc truyền tiếp các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, nguy cơ xảy ra tình trạng đứt gãy văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bản sắc và sự phát triển bền vững của mỗi cộng đồng dân tộc. Trường hợp của các vùng nông thôn Nhật Bản cho thấy thực trạng nghiêm trọng trong quá trình chuyển giao kiến thức truyền thống qua nhiều thế hệ, khi những cư dân lớn tuổi không thể chuyển giao kiến thức của họ cho thế hệ trẻ vì cộng đồng của họ ngày càng có ít người trẻ hơn. Thậm chí, ngay cả khi một số thanh niên vẫn sinh sống ở các cộng đồng nông thôn, nhiều người trong số họ không tham gia vào nghề nông hoặc các nghề truyền thống khiến việc chuyển giao các tri thức truyền thống càng trở nên khó khăn hơn.

Về khía cạnh bảo vệ quốc phòng - an ninh

Già hóa dân số tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với vấn đề quốc phòng - an ninh, ví dụ: Việc tuyển quân và tuyển dụng nhân lực vào quân đội, lực lượng vũ trang sẽ bị giảm sút, hao hụt, khó khăn; khi xảy ra chiến tranh sẽ rất nghiêm trọng (điển hình tại Nga và Ukraine hiện nay, cả hai nước đều rất khó tuyển quân bổ sung cho lực lượng vũ trang để bảo vệ đất nước). Tại Hàn Quốc, vấn đề già hóa dân số cùng tỷ lệ sinh thấp khiến lực lượng vũ trang khó duy trì đủ quân số để đối phó với các mối đe dọa an ninh; giai đoạn 2002 - 2022, quy mô quân đội quốc gia này giảm đến 27,6% khiến họ phải áp dụng phương án kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân, đồng thời Chính phủ Hàn Quốc cũng tính toán biện pháp tuyển nữ giới vào quân đội(9).

MỘT SỐ GỢI MỞ CHO VIỆT NAM ĐỂ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI GIÀ HÓA DÂN SỐ, HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kể từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", đến năm 2011, nước ta nằm ở giai đoạn “già hóa dân số”; năm 2023, dân số Việt Nam đạt 104,065 triệu người, trong đó, khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 15,54% dân số (dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 25%); đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già(10). Quá trình già hóa dân số tại Việt Nam có nhiều tác động tiêu cực, dự báo trực tiếp làm giảm 2,6 điểm phần trăm GDP vào năm 2030 và 5,4 điểm phần trăm GDP vào năm 2045(11). Theo đó, để có thể chủ động ứng phó tốt với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức toàn diện về vấn đề già hóa dân số, xem đây vừa là kết quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là thách thức đặt ra đối với sự phát triển bền vững đất nước. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xóa bỏ định kiến xã hội về NCT; xác định vị thế, vai trò và nguồn lực NCT tại Việt Nam, là đối tượng có đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như duy trì vững chắc thể chế, chế độ chính trị và bảo vệ quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, bản thân NCT cũng cần thay đổi nhận thức, tích cực phát huy hơn nữa kinh nghiệm, cống hiến đối với công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; chủ động duy trì, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bản thân.

Người cao tuổi gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn)

Thứ hai, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách phù hợp, toàn diện nhằm đề cao và phát huy vai trò nguồn lực NCT. Luật Người cao tuổi năm 2009 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với vấn đề già hóa dân số từ sớm, tuy nhiên, Luật đã bộc lộ một số khoảng trống, nội dung cần điều chỉnh, như việc căn cứ vào độ tuổi từ 60 trở lên được coi là NCT đến nay có sự bất cập, chưa theo kịp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nên cần tính toán điều chỉnh chỉ số này thời gian tới. Trong khi đó, Quyết định số 1679/QĐ-TTg, ngày 22-11-2019, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030” xác định mục tiêu thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe, bảo đảm thu nhập, tạo môi trường sống thân thiện nhưng chưa chú trọng đến khía cạnh đời sống văn hóa, tinh thần cho NCT. Như vậy, các chính sách, chiến lược quốc gia cần hướng tới tinh thần già hóa chủ động, tích cực; phải chuẩn bị ngay từ thế hệ trẻ để bảo đảm nước ta có dân số già và khỏe mạnh, giảm áp lực cho hệ thống y tế và an sinh xã hội trong tương lai; bảo đảm tỷ lệ sinh thay thế, góp phần giữ vững sự liên kết, tiếp nối giữa các thế hệ.

Thứ ba, tăng cường giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế với các quốc gia đã thực hiện thành công quá trình già hóa dân số tích cực trên thế giới. Có thể nói, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra muộn hơn các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhưng tốc độ già hóa lại nhanh hơn, diễn biến phức tạp hơn, bởi nước ta vẫn là nước đang phát triển. Do đó, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước sẽ giúp Việt Nam có sự chuẩn bị cần thiết để phát huy tối đa cơ hội, giảm thiểu các hạn chế, tác động đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời kỳ già hóa dân số.

Thứ tư, khai thác, tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu các thách thức do tình trạng già hóa dân số đem lại trong phát triển bền vững đất nước thông qua bố trí công việc phù hợp với điều kiện chuyên môn, sức khỏe để NCT phát huy hết khả năng, truyền lại các kiến thức, kinh nghiệm quản lý, sản xuất,... cho thế hệ sau. Cần xây dựng ngành “kinh tế bạc”, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu đang ngày càng gia tăng của NCT; nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thân thiện với NCT trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay./.

HÀ ĐỖ QUYÊN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(tapchicongsan.org)


Nguồn: Tạp chí Cộng sản
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.297
Hôm qua : 3.304
Tháng 10 : 32.821
Năm 2024 : 835.798