Những lớp xóa mù chữ đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số ở Mèo Vạc
CTTBTG - Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, huyện Mèo Vạc đã kiên trì thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được những kết quả tích cực.
Lớp học xóa mù chữ tại thôn Thăm Noong xã Tát Ngà do thầy Nông Viết Lâm giảng dạy
Tới thăm bản Thăm Noong xã Tát Ngà với 70% là người Mông, 30% còn lại là người Xuồng. Nơi đây đang có một lớp học đặc biệt dành cho đồng bào chưa biết chữ. 7h30 tối, sau khi ăn cơm xong bà Nùng Thị Siều, 52 tuổi lại tất bật chuẩn bị sách, vở, bút và đèn pin để chuẩn bị đến lớp học. Lớp xóa mù chữ tại đây vừa mới được UBND xã Tát Ngà mở hơn một tháng. 15 học viên tham gia lớp học gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, xong họ đều có chung một mong ước đó là biết đọc, biết viết để cuộc sống đỡ khổ hơn. Bà Siều chia sẻ: Lúc đầu đi học cũng ngại lắm, xong được xã và thầy giáo động viên mình cũng hăng hái tham gia. Bây giờ tôi cùng mấy chị em đều đến lớp đầy đủ, có chữ rồi đi ra ngoài không còn mất tự tin khi giao dịch nữa.
Với mục tiêu xóa mù chữ cho các học viên mù chữ và tái mù chữ, có độ tuổi từ 15 tuổi đến dưới 60 tuổi để giảm thiểu số dân không biết chữ đến biết biết đọc, biết viết, biết tính toán và hiểu thêm về kiến thức, kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp trong cộng đồng. Để các học viên tiếp thu được kiến thức, biết vận dụng vào trong cuộc sống lao động sản xuất, có khả năng tiếp tục học lên chương trình phổ cập giáo dục chống mù chữ. Chính quyền địa phương phối hợp Trường PTDTBT Tiểu học xã rà soát, thống kê vận động học viên trong độ tuổi tham gia lớp học. Phân công giáo viên phụ trách quản lý, giảng dạy theo chương trình xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Tận tình từng dòng chữ
Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc có tổng dân số trên 93.000 người, gồm 17 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 78% dân số toàn huyện. Tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn huyện còn khá cao. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, huyện xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành; các xã, thị trấn, mở các lớp xóa mù chữ tại cơ sở. Đến nay, sự nghiệp giáo dục của huyện đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và số lượng ở tất cả các cấp học, cơ sở vật chất ngày một khang trang, từng bước tiến tới chuẩn hoá.
Cho đến thời điểm này, toàn huyện đã mở được 28 lớp xóa mù chữ ở 18 xã, thị trấn với 488 học viên. Sau một thời gian triển khai với hình thức vừa học, vừa làm việc nhà. Đến nay, nhiều học viên cơ bản nghe hiểu tiếng phổ thông và biết viết họ tên của mình, biết đọc, một số trường hợp đã biết tính toán những phép tính đơn giản phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Chị Thò Thị Máy, thôn Thào Chứ Lủng xã Tả Lủng phấn khởi cho biết: Không biết chữ thì thiệt thòi lắm đi dâu làm gì cũng bất tiện. Nay được tham gia lớp xóa mù chữ mỗi chị em chúng tôi mới thấy việc đi học có lợi ích như thế nào. Khi ra đường hoặc đi chợ phiên mình cũng không phải lo lắng như trước nữa. Ai hỏi gì hay mình bán cái gì cũng đã biết trả lời và tính toán rồi.
Không chỉ duy trì tốt những lớp học xóa mù chữ đặc biệt, huyện Mèo Vạc cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, phân biệt đối xử với trẻ em; định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; nhằm góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng trong giáo dục và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn vùng khó.
Minh Đức