Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế việc giữ gìn giá trị văn hóa và lịch sử trở nên quan trọng hơn bao giờ hết . Khám phá các làng nghề truyền thống không chỉ là hành trình tìm về cội nguồn mà còn là dịp để trải nghiệm và trân trọng những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.
Việt Nam có khoảng 5.400 làng nghề truyền thống, phân bố rộng khắp cả nước bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: mây tre đan, sơn mài, gốm sứ, dệt thủ công… nhưng mỗi làng nghề đều mang trong mình bản sắc riêng kết hợp với nguyên liệu của tự nhiên, mộc mạc gắn liền với cuộc sống người dân địa phương. Nơi địa đầu tổ quốc, Hà Giang có làng nghề dệt vải lanh, dệt thổ cẩm tại huyện Quản Bạ, là biểu tượng văn hóa cổ truyền của đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, dệt vải lanh còn là thước đo để đánh giá tài năng, sự khéo léo, chăm chỉ của một người phụ nữ Mông. Nguyên liệu chính để tạo nên những tấm thổ cẩm chỉ là những sợi lanh thô sơ, sau phải trải qua rất nhiều công đoạn, quá trình kỳ công mới có thể cho ra một thành phẩm hoàn chỉnh… Tiếp đến là những làng nghề được trải dài khắp cả nước không thể kể hết, mỗi nơi đều mang một màu văn hoá sắc tộc, nét độc đáo riêng.
Kỹ thuật dệt thủ công được đồng bào H’Mông lưu truyền và sử dụng qua bao đời.
Làng nghề truyền thống là “cái nôi” gìn giữ, bảo tồn quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam từ nghìn đời nay. Nhiều làng nghề ở Việt Nam đã tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm là minh chứng sống cho nét văn hóa độc đáo được hình thành qua hàng thế kỷ và truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác như: Làng làm lồng đèn hơn 400 tuổi ở Hội An, làng lụa Vạn Phúc cũng có tuổi đời hơn 1000 năm….
Qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, các làng nghề không ngừng thay đổi và phát triển để thích ứng với nhu cầu của thời đại, một số làng nghề ngoài sử dụng những kỹ thuật thủ công truyền thống đã áp dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm làm ra kết hợp yếu tố truyền thống với làn gió “mới” mang tính thẩm mỹ, độc đáo cao hơn để phù hợp với thị hiếu của đa số mọi người. Trên thực tế, nghề mây tre đan ở Phú Vinh đã thử nghiệm và thành công trong việc kết hợp các loại sợi tự nhiên với các vật liệu nhân tạo, tạo ra các sản phẩm bền đẹp và đa dạng hơn. Theo chia sẻ của NNND Nguyễn Văn Thành ở làng tò he Xuân La: “Trước đây tò he còn nhiều hạn chế nhưng khi năm 2019 đã thành lập ra câu lạc bộ làng nghề truyền thống nặn tò he nhằm mục đích bảo tồn duy trì và phát triển văn hóa tò he những nghệ nhân luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đa dạng với chất lượng bền bỉ, bởi vậy các sản phẩm tò he hiện nay có thể đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường”.
Khách du lịch tham quan, mua sắm các sản phẩm được dệt từ lanh.
Các sản phẩm tại các làng nghề truyền thống chủ yếu được làm thủ công, cần phải bỏ ra công sức của người nghệ nhân, một số sản phẩm cần làm thủ công từ công đoạn bắt đầu đến khi ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng phần lớn lợi nhuận kiếm được từ các sản phẩm ấy không tương xứng với công sức người nghệ nhân bỏ ra. Ở làng tò he Xuân La trung bình các sản phẩm có giá dao động khoảng 10-20 nghìn đồng một chiếc, những sản phẩm cao cấp được bán bên ngoài thì giá trung bình khoảng 20 nghìn, thu nhập vẫn còn hạn chế chỉ những nghệ nhân thường xuyên duy trì và nghiên cứu về chất lượng bột để được lâu thì mức thu nhập mới có thể đảm bảo được, còn lại đa số các nghệ nhân khác thì nặn tò he chỉ là nghề tay trái.
Trên thực tế, việc phát triển các làng nghề truyền thống hiện nay không được đồng đều, có làng nghề phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc đi bài truyền thông tốt giúp làng nghề quảng bá được rộng rãi tới mọi người không chỉ khách du lịch ở trong nước mà cả bạn bè quốc tế. Một số các dịch vụ du lịch như: Tự tay được trải nghiệm làm gốm tại Làng Gốm Bát Tràng, Làng dệt Lùng Tám tham quan các địa điểm, tận mắt chứng kiến những quy trình sản xuất trong làng,... Những công nghệ sản xuất tiên tiến được sử dụng đưa vào các sản phẩm nhưng vẫn không làm mất đi bản chất vốn có. Tuy nhiên cũng có những làng nghề truyền thống chưa được quan tâm nhiều và có nguy cơ bị mai một do nhiều yếu tố như: Không còn nhiều người trẻ theo học nghề, sở thích của người tiêu dùng thay đổi, sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp,...
Các sản phẩm từ vải lanh của người Mông ở xã Lùng Tám.
Các làng nghề truyền truyền thống hiện nay vẫn luôn giữ gìn và phát triển bền vững những nét bản sắc vốn có. Nhờ vào sự phát triển và gìn giữ các làng nghề truyền thống mà nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn đang tồn tại và ngày càng phát triển thậm chí còn được xuất khẩu và quảng bá rộng rãi với các bạn bè quốc tế. Việc quảng bá và tiếp cận thị trường cũng được các làng nghề chú trọng để giúp các sản phẩm được biết đến nhiều hơn và có thể trở thành một trong những điểm đến du lịch văn hoá của quốc gia. Một số ngành nghề vẫn phải đối mặt với thách thức từ các ngành công nghiệp và việc cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp hiện đại. Do đó việc bảo tồn và giữ gìn phát triển các làng nghề truyền thống vẫn cần sự quan tâm và hỗ trợ từ xã hội, từ cộng đồng.
Nhóm SV K42 Khoa Triết, Học viện Báo chí tuyên truyền