A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn kiến trúc mang bản sắc, văn hóa truyền thống Hà Giang

CTTBTG -  Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đầy màu sắc, một bức tranh tuyệt vời được thiên nhiên ban tặng với màu vàng của ruộng lúa chín, màu xanh của núi rừng, màu hồng của ruộng hoa Tam giác mạch, màu xám của đá tai mèo, màu của những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống... Tất cả những gam màu ấy nếu được tận dụng hài hòa, sẽ tạo nên bản sắc kiến trúc Hà Giang.

 Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Hà Giang là vùng đất không chỉ về lịch sử văn hóa. Nhìn một cách tổng thể Hà Giang là địa bàn núi cao hùng vĩ và hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800-1.200 m so với mực nước biển, tập trung dày đặc các ngọn núi cao. Chính vì thế, có nhà địa lý học ví Hà Giang “có dáng giống như con hổ nằm phủ phục hướng ra phía biển Đông”. Các quần sơn ở Hà Giang đã tạo nên khung cảnh vùng núi cao nên thơ và hùng vĩ hiếm thấy ở các nơi khác với nhiều địa hình phong phú, đa dạng, trong đó đáng chú ý là các dạng cảnh quan kỳ vĩ nhiều vách đứng, hiểm trở ở Quản Bạ, Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc được tạo thành bởi các quần thể đá vôi qua các vận động kiến tạo. Sự kỳ vĩ và hiểm trở của vùng đất này đúng như dân gian đúc kết: “Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày; Đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng; Cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, thành phố Hà Giang kiểm tra công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, thành phố Hà Giang kiểm tra công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Trên nền tảng các điều kiện tự nhiên độc đáo, Hà Giang có thể coi là một không gian của thắng cảnh, di tích lịch sử và các mảng màu văn hóa đa sắc có một không hai. Hệ trầm tích đã tạo nên nhiều hang động nổi tiếng ở Hà Giang như: Hang Phương Thiện, hang Chui, Động Tiên và Suối Tiên, Động Én; các thắng cảnh như Núi Đôi, thung lũng Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, đỉnh cực Bắc Lũng Cú... Nhìn một cách tổng thể có thể coi hệ thống núi cao dựng đứng và hệ thống sông suối dày đặc với thảm thực vật mang nhiều sắc thái ôn đới, toàn bộ Hà Giang là một danh thắng khổng lồ, là “của trời cho” đối với hoạt động du lịch. 

Hiện nay tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh ta diễn ra khá nhanh, nhất là ở khu vực thành phố và trung tâm các huyện. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập do thiếu chặt chẽ trong quản lý xây dựng theo quy hoạch; phát triển đô thị chưa trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ… Tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển đô thị một cách bền vững, hài hòa, trong đó khai thác cảnh quan tự nhiên đa dạng, độc đáo của Hà Giang được xem như phương án hiệu quả nhằm giải bài toán này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, thành phố Hà Giang kiểm tra công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Một góc thành phố Hà Giang hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Theo định hướng Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2025, Hà Giang sẽ trở thành đô thị loại II với vai trò là trung tâm gìn giữ cấu trúc toàn thể của phong cảnh và bảo vệ các khu tự nhiên. Hoạch định các ưu tiên cho phát triển đô thị theo thời gian, nhất là việc làm đẹp khu trung tâm và hoàn chỉnh phong cách kiến trúc cho khu phố. Ngăn chặn các hoạt động mở rộng đô thị tự phát, nhưng cho phép mở rộng dần dần, trên cơ sở tuân thủ các quy định về mở rộng đô thị; xác định và bảo vệ quỹ đất dự phòng cho việc đô thị hoá trong tương lai. Xác định tính chất, chức năng đô thị đô thị tỉnh lỵ tỉnh Hà Giang, trung tâm hành chính, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật, chế biến công nghệ cao tỉnh Hà Giang. Trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, thúc đẩy: Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung phát triển KT-XH gắn với đảm bảo AN-QP. Là đô thị xanh với các giá trị sinh thái, kiến trúc, văn hóa được bảo tồn và phát huy bền vững. Các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu đô thị loại II, đến năm 2035 thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch.

Để quản lý, bảo tồn kiến trúc mang đậm bản sắc, văn hóa Hà Giang, trong những năm qua, Sở Xây dựng đã tham mưu cho tỉnh thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc theo Luật Kiến trúc – đây là một công cụ kiểm soát về phát triển kiến trúc và hoạt động xây dựng, nhằm đảm bảo việc hình thành, cải tạo công trình xây dựng hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc tại đô thị và nông thôn.

Khu nhà bảo tồn kiến trúc văn hóa dân tộc Lô Lô tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc
Khu nhà bảo tồn kiến trúc văn hóa dân tộc Lô Lô tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc

Đến nay, tỉnh ta có 7/14 đô thị ban hành quy chế quản lý kiến trúc, gồm: Thị trấn Việt Quang, thị trấn Vinh Quang, thị trấn Cốc Pài, thị trấn Yên Phú, thị trấn Đồng Văn, thị trấn Yên Minh, thị trấn Mèo Vạc. Các đô thị còn lại đang tiến hành triển khai lập quy chế quản lý kiến trúc, gồm: Thành phố Hà Giang; thị trấn Tam Sơn, thị trấn Vị Xuyên, thị trấn Phố Bảng, thị trấn Yên Bình, xã Tân Quang và thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang.

Cùng với đó, tỉnh ta cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn kiến trúc truyền thống. Sở Xây dựng đã tham mưu ban hành các mẫu nhà truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương như: Mẫu thiết kế định hình nhà ở truyền thống dân tộc Mông; mẫu thiết kế nhà ở điển hình áp dụng cho hộ nghèo theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ; mẫu thiết kế nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo chương trình hỗ trợ nhà ở của tỉnh theo Quyết định số 1953-QĐ/TU; mẫu nhà định hình phục vụ cho công tác tái định cư trên địa bàn tỉnh. Các mẫu thiết kế ban hành tại cổng thông tin điện tử Sở Xây dựng Hà Giang. Với vai trò trong công tác quản lý của ngành, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện vùng Công viên Địa chất chỉ đạo UBND các xã và các phòng chức năng liên quan cần có các giải pháp bảo tồn kiến trúc truyền thống của địa phương, khuyến khích người dân trong quá trình xây dựng mới nhà ở cần phát huy, bảo tồn kiến trúc truyền thống, phù hợp phong tục tập quán địa phương.

“Quản lý, bảo tồn kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống không chỉ là nhiệm vụ chính trị của Sở Xây dựng, mà còn là thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên, con người Hà Giang” - Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

Bài, ảnh: NHẬT LINH


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.211
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.381
Năm 2024 : 978.079