A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Người dẫn đường” xóa hủ tục trong đồng bào Mông

Là người tiên phong đưa người thân khi chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ, làm gương cho dòng họ, cộng đồng dân cư; quyết tâm xóa bỏ tình trạng trả nợ gia súc và giết mổ nhiều gia súc trong tổ chức tang ma, giảm gánh nặng “nợ đồng lần” từ đời này sang đời khác trong phong tục, tập quán của dân tộc Mông. Đồng chí Sùng Mí Vư, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến (Yên Minh) được xem như “người dẫn đường” cho đồng bào Mông ở nhiều địa phương xây dựng nếp sống văn minh, trở thành tấm gương sáng trong thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc Hà Giang.

Tiên phong, gương mẫu thực hiện xóa hủ tục

Đồng chí Sùng Mí Vư sinh ra trong một gia đình người Mông thuần nông, đặc biệt khó khăn. Anh chia sẻ, dòng họ Sùng của gia đình có nguồn gốc từ xã Cán Tỷ (Quản Bạ), khi di cư sang xã Đường Thượng (Yên Minh) chỉ có được mảnh đất xây dựng nhà ở, không có nhiều đất sản xuất như người bản địa, thường xuyên chịu cảnh thiếu đói trong những tháng giáp hạt nên thuộc những hộ nghèo nhất xã khi đó.

Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến Sùng Mí Vư (thứ 2 bên trái) vận động nhân dân thôn Phìn Tỷ B xóa bỏ hủ tục.

Cả bố và mẹ đều là người Mông bản địa của Hà Giang, anh Vư thấu hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình, nhất là tập tục khi dòng họ có người chết, anh, em nội, ngoại hai bên của tang gia phải dắt bò sang đám tang để giết mổ cúng lễ người chết và sẽ được gia chủ tang gia trả lễ khi nhà mình có người chết. Phong tục này được truyền từ đời này sang đời khác – nghĩa là nếu đời cha (trước khi chết) chưa trả lại lễ (bò) cho nhà anh em, họ hàng thì đến đời con, thậm chí đời cháu phải trả lễ thay. Với những hộ nghèo, đặc biệt khó khăn như gia đình anh Vư trước đây, đó là một gánh nặng rất lớn, là món “nợ đồng lần” không có hồi kết, kéo theo tình trạng nghèo mãi hoàn nghèo. Bởi con bò là tài sản có giá trị lớn nhất đối với người Mông.

Trở thành đảng viên, cán bộ công chức xã và nhiều năm liền giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, nhận diện được những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của dân tộc mình, đồng chí Sùng Mí Vư quyết tâm thay đổi và tiên phong thực hiện xóa bỏ. Anh chia sẻ: Năm 2019, khi bố tôi mất, khi đó Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 chưa được ban hành nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội để mình thực hiện xóa bỏ các hủ tục trong tổ chức tang lễ, thay đổi quan niệm, nhận thức, tập tục cũ, lạc hậu của mọi người, nhất là trong anh em, họ hàng. Vì vậy, tôi và gia đình quyết tâm sẽ đưa thi thể của bố vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ và rút ngắn thời gian làm đám tang.

Theo phong tục, tập quán của người Mông, khi trong dòng họ có người chết, gia chủ tang gia không có quyền quyết định việc đưa hay không đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ mà do người trưởng họ quyết định. Vì vậy, phòng trường hợp người trưởng họ và các bậc cao niên trong gia đình không đồng ý, đồng chí Vư đã nghĩ ra cách: Khi bố anh ốm, anh đã ghi âm lại nguyện vọng của bố mong muốn khi chết được đưa vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ để đảm bảo sạch sẽ, trang trọng. Khi họp bàn việc tổ chức tang lễ cho bố, đồng chí Vư đã mở file ghi âm cho mọi người nghe, vì vậy mọi người đều nhất trí thực hiện theo nguyện vọng của người chết. Anh Vư chia sẻ: Anh trưởng họ của tôi không chỉ ủng hộ mà thậm chí khuyến khích tôi tiên phong thực hiện làm gương cho các hộ trong dòng họ noi theo.

Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến Sùng Mí Vư (giữa hàng sau) trao bản cam kết xóa bỏ hủ tục cho bà con thôn Phìn Tỷ A.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Minh Phạm Xuân Diệu thông tin: Đồng chí Vư là cán bộ quản lý, đảng viên tiên phong của huyện trong thực hiện việc đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ theo đúng tinh thần Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27. Cách thức ghi âm lại nguyện vọng của người chết để vận động họ hàng cho phép đưa người chết vào áo quan của đồng chí Vư rất hay và đã được huyện tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn.

Quyết tâm giải thoát món “nợ đồng lần”

Năm 2021, mẹ đồng chí Vư qua đời (sau thời điểm Chỉ thị số 09 được ban hành), ngoài tiếp tục thực hiện việc đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ, đồng chí đã thực hiện không nhận bò trả lễ của anh em, họ hàng. Đây là sự quyết tâm xóa bỏ món “nợ đồng lần” cho gia đình cũng như anh em dòng họ Sùng. Đồng thời tang lễ chỉ tổ chức trong thời gian dưới 48 giờ, không kéo dài như trước. Ngoài ra, khi đó trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã Lũng Hồ, đồng chí mời các trưởng thôn của xã sang xem gia đình đổi mới việc tổ chức tang lễ để tuyên truyền cho người dân trong thôn.

Xuất phát từ việc làm của gia đình đồng chí Sùng Mí Vư, dòng họ Sùng đã thống nhất trong việc tang sẽ thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ và không giết mổ nhiều gia súc, không tổ chức tang lễ quá 48 giờ. Điều này đã giúp các gia đình trong dòng họ giải thoát được món “nợ đồng lần” kéo dài bao đời nay. Ngoài ra, trong đời sống sinh hoạt và trong việc cưới, dòng họ Sùng cũng cam kết và thực hiện đầy đủ các nội dung quy định trong Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27.

Không chỉ là cá nhân gương mẫu đi đầu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong dòng họ và nơi ở, đồng chí Sùng Mí Vư trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến và xã Lũng Hồ (giai đoạn trước năm 2022) đã đưa các địa phương đi đầu trong thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27.

Đồng chí Sùng Mí Vư trao bản cam kết thực hiện đưa người chết vào áo quan cho dòng họ Giàng, thôn Phìn Tỷ A.

Năm 2022 khi được phân công vào làm Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27, đồng chí Vư cùng cấp ủy xã đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ bài bản, khoa học. Đồng thời đưa ra giải pháp vận động các thôn đưa vào quy ước, hương ước quy định: Tổ chức họp bàn từng dòng họ, khi trong thôn có người chết, các hộ sẽ đóng góp 200 nghìn đồng/hộ để giúp gia đình mua áo quan; mỗi thôn có một thầy cúng hoặc nghệ nhân được hướng dẫn thổi bài Khèn khi đưa người chết vào áo quan; đồng thời cam kết không giết mổ nhiều gia súc khi tổ chức tang lễ, không dắt bò (trả lễ) đến các đám. Các nội dung của quy ước, hương ước được toàn thể các hộ trong thôn thông qua, ký cam kết, chính quyền xã hỗ trợ in và đóng khung trao cho các hộ treo ở nhà để hàng ngày tự nhắc nhở gia đình. Đây là những cách làm hay, giúp các thôn, xóm ở Du Tiến từng bước thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.

Câu chuyện của gia đình anh Ly Mí Phứ, thôn Thẩm Nu, xã Du Tiến là một minh chứng. Cuối năm 2023, gia đình anh Phứ có người chết. Thực hiện cam kết xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu theo Nghị quyết số 27, anh nhất trí đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ. Thế nhưng, trưởng họ Ly (từ huyện Đồng Văn xuống) không đồng ý vì: “Dòng họ chưa có ai làm như vậy, sợ việc tâm linh làm sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, đời sống, phát triển kinh tế của các gia đình trong họ”.

Sau nhiều nỗ lực và thời gian vận động nhưng không thành công. Bí thư Đảng ủy Sùng Mí Vư yêu cầu Ban Chỉ đạo xóa bỏ hủ tục của xã, thôn thông báo tới gia đình: Trưởng họ không đồng ý thì phải tự thuê xe (hoặc xã hỗ trợ kinh phí thuê xe) chở thi thể người chết về Đồng Văn tổ chức tang lễ, không được tổ chức ở xã làm ảnh hưởng tới quy ước và hương ước của địa phương. Với sự quyết liệt đó, ông trưởng họ Ly phải đồng ý cho gia đình anh Phứ đưa người chết vào áo quan theo quy ước của thôn để tổ chức tang lễ. Từ đó đến nay, ở Du Tiến đã có 12/12 dòng họ của người Mông cam kết thực hiện đưa người chết vào áo trước khi tổ chức tang lễ, nếu gia đình nào không thực hiện, người thân, hàng xóm sẽ không đến dự và phải đưa đi an táng sớm, không cho phép tổ chức tang lễ dài ngày. Với cách làm sáng tạo, tạo sức lan toả trên địa bàn đến nay đã có 4/12 dòng họ gương mẫu thực hiện đưa người chết vào áo quan theo Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy.

“Người dẫn đường” cho đồng bào Mông

Không chỉ là “người dẫn đường” cho bà con ở địa phương mình công tác thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, đồng chí Sùng Mí Vư được huyện và cấp ủy một số xã có đông đồng bào Mông như: Ngam La, Lao Và Chải, Ngọc Long... tin tưởng mời tới chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ các địa phương phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, lạc hậu. Từ năm 2023 đến nay, đồng chí đã tham gia 4 buổi chia sẻ kinh nghiệm cho trên 200 lượt người.

Bí thư Đảng ủy xã Lao Và Chải Phạm Công Hậu cho biết: Từ buổi chia sẻ kinh nghiệm của đồng chí Vư, xã vận dụng được một số phương thức phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Các đồng chí cán bộ thôn cũng hưởng ứng và có cách thức tuyên truyền, vận động bà con hiệu quả hơn. Hiện xã có nhiều dòng họ người Mông thực hiện cam kết đưa người chết vào áo quan.

Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn của gia đình và qua công tác lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bí thư Đảng ủy Sùng Mí Vư cho rằng: Để thực hiện hiệu quả việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, cần làm tốt công tác vận động thầy cúng, và các nghệ nhân người có uy tín ủng hộ. Bởi đây là đội ngũ được nhân dân tin tưởng, nếu họ nói tốt thì mọi người sẽ coi là tốt, nếu họ nói không tốt bà con sẽ cho rằng không tốt. Đồng thời chủ động giải pháp giúp các hộ chuẩn bị sẵn các điều kiện như: Hướng dẫn, truyền giải các nghệ nhân thổi bài Khèn đưa người chết vào áo quan, mời giúp thầy cúng và chuẩn bị sẵn áo quan cho người chết... Cùng với đó, có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua áo quan cho các hộ tiên phong thực hiện và các xã, thị trấn trong toàn tỉnh cùng làm đồng bộ, quyết liệt.

Đồng chí Sùng Mí Vư tâm sự: Tôi đã trải qua và rất thấu hiểu những hệ lụy mà các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang lại cho các gia đình, nhất là những gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, mình là người đứng đầu cấp ủy, là cán bộ, đảng viên, nếu mình không tiên phong, không gương mẫu, không là đầu tàu thực hiện và hướng dẫn cho người dân, bà con sẽ cho rằng đó chỉ là “nói mà không đi đôi với làm”. Vì vậy, khi chủ trương của tỉnh về xóa bỏ hủ tục ra đời, tôi thực sự thấy rất tâm đắc vì nó có lợi cho dân và đúng, trúng với thực tiễn của tỉnh nên mong muốn có thể hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào các dân tộc, nhất là dân tộc Mông thực hiện công cuộc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27, đồng chí vinh dự được Tỉnh ủy tặng Bằng khen là cá nhân tiêu biểu, có thành tích suất sắc trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu. Đây là sự ghi nhận, cũng là phần thưởng xứng đáng cho người tiên phong và dẫn đường cho đồng bào Mông ở Yên Minh xóa bỏ hủ tục.

Bài, ảnh: DUY TUẤN


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.702
Hôm qua : 1.581
Tháng 09 : 31.003
Năm 2024 : 764.411