Phủ xanh những mảnh vườn tạp
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân, sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT) đã thực sự đi vào cuộc sống. Những mảnh vườn kém hiệu quả trước đây nay được phủ bởi màu xanh tươi tốt của rau, màu, cây ăn quả, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân; tư duy của bà con về sản xuất nông nghiệp hàng hóa cũng đổi thay đáng kể.
Là một trong những hộ tiên phong CTVT ở thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc), sau 3 năm thực hiện đến nay gia đình ông Hoàng Thế Diện đã có thu nhập ổn định nhờ quyết định chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất vườn kém hiệu quả sang trồng rau an toàn. Ông Diện cho biết: Trước đây, gia đình chỉ trồng rau đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, diện tích vườn tạp còn lại trồng một số loại hoa màu khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Được sự tuyên truyền, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã, gia đình tôi đã tiến hành quy hoạch lại khuôn viên vườn hộ, trong đó có khu vực chăn nuôi lợn và trồng rau chuyên canh. Mỗi năm, gia đình tôi thường thu hoạch được 3 vụ rau, mùa nào thức nấy. Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tôi đã liên kết cùng một số hộ trong thôn thành lập Tổ hợp tác chuyên canh trồng rau an toàn và cung cấp rau cho các trường học bán trú trên địa bàn xã. Gia đình tôi có thu nhập ổn định từ 2-3 triệu đồng/tháng từ trồng rau an toàn, cùng với nguồn thu từ chăn nuôi lợn đã giúp cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá.
Người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) cải tạo vườn tạp trồng các loại rau ngắn ngày. |
Với đặc thù chất đất đá cằn, tỷ lệ đất thịt để canh tác cây trồng ít, nên khu vườn trước nhà của gia đình anh Dỉ Sân Cường, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân (Quản Bạ) những năm trước đây thường bỏ hoang. Thực hiện chương trình CTVT, năm 2021, gia đình anh đã tiến hành bố trí, quy hoạch khu vườn hơn 1.000 m2 đảm bảo gọn gàng, khoa học để trồng rau, làm đường đi lại sạch sẽ trong khu vực vườn; trang bị hệ thống tưới tiêu tự động để thuận tiện cho việc chăm sóc cây trồng. Với sự cần cù, chịu khó, mảnh vườn của gia đình quanh năm xanh tốt, đa dạng các loại rau như: Bắp cải, su hào, hành, tỏi, xà lách, cà chua, bí đỏ... Nguồn thu hơn 2 triệu đồng/tháng từ việc bán rau đã giúp gia đình anh giải quyết việc làm, cải thiện đời sống. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, thời gian tới, gia đình anh dự định mở rộng diện tích trồng rau chuyên canh và tìm hướng liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Tính đến hết quý 1 năm 2024, toàn tỉnh có trên 6.500 hộ gia đình tham gia thực hiện CTVT với trên 262 ha vườn được cải tạo, trong đó có hơn 3.030 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiệu hộ gia đình xây dựng được các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế tổng hợp, đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 30 triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để hỗ trợ người dân cải tạo vườn, các huyện, thành phố đã chỉ đạo ngành chức năng, đoàn thể phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các gia đình bố trí lại không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với từng loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế, như cây ăn quả, trồng rau an toàn...
Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) cải tạo vườn trồng dưa chuột đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Đến nay, các địa phương đã từng bước hình thành các vườn mẫu với thu nhập cao, khuôn viên vườn hộ được quy hoạch gọn gàng, khoa học gắn với bảo vệ môi trường, góp phần đem đến diện mạo đổi mới cho khu vực nông thôn. Ngoài ra, một số xã, thị trấn còn thành lập các nhóm hộ, nhóm sở thích cải tạo vườn trên các lĩnh vực: Chăn nuôi tổng hợp, trồng cây ngắn ngày, trồng cây ăn quả; nhóm nuôi trâu, bò vỗ béo; nhóm nuôi cá; nhóm trồng cây dược liệu… qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình cùng trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt; liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện trên 700 hộ nghèo, cận nghèo CTVT; mỗi huyện, thành phố có tối thiểu từ 10 hộ thực hiện cải tạo vườn mẫu trở lên, ưu tiên thực hiện CTVT gắn với phục vụ du lịch. Ngành Nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn về kỹ thuật cho người dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ cho nhân dân; hướng dẫn các hộ về cách lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, giá trị kinh tế, thời gian quay vòng vốn nhanh. Khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm từ CTVT nhằm nâng cao giá trị sản xuất và hình thành vùng chuyên canh hàng hóa nông nghiệp ổn định, bền vững. Nhân rộng những cách làm hay, mô hình CTVT có hiệu quả để nhân dân tham quan, học tập kinh nghiệm.
Bài, ảnh: YÊN HOA