A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân xã Khâu Vai tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng sắn

CTTBTG - Khâu Vai là xã có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, với dân số đông, điều kiện địa hình đồi núi dốc, đất đai thường bị bạc màu nên việc triển khai trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế thấp.

Nông dân xã Khâu Vai chuẩn bị giống sắn trồng vụ Xuân Hè năm 2024

Trong những năm qua, nông dân xã Khâu Vai (Mèo Vạc) vốn chỉ quen canh tác trồng ngô 1 vụ năng suất và chất lượng thấp hơn so với các xã núi đá, như: Lũng Pù, Cán Chu Phìn, Pả Vi …của huyện Mèo Vạc nên vấn đề lựa chọn cây trồng gì phù hợp để trồng là bài toán khá nan giải. Thực hiện Đề án chuyển đổi đất nông nghiệp trồng ngô sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030; cộng với tìm hiểu chất đất và nhu cầu thị trường đầu ra cho sản phẩm củ sắn thuận lợi hơn so với cây trồng khác. Đảng uỷ, UBND xã Khâu Vai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng trồng cây sắn. Bước đầu năm 2023, do hạn hán nên nông dân xã Khâu Vai chỉ trồng được 5 ha sắn, bán được 2.000 đồng/kg lãi hơn trồng ngô gấp 3 lần, mà mất ít công chăm sóc hơn. Đầu năm 2024, nông dân xã Khâu Vai trồng được 38 ha tại các thôn Khâu Vai, Po Ma, Há Dế, Pắc Cạm, Lũng Lầu, Phiêng Bung và Há Cá; vượt 33,3ha so với chỉ tiêu giao năm 2024. Hiện nay, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Lãnh đạo xã Khâu Vai kiểm tra giống và diện tích sắn đã trồng tại các thôn

 

Diện tích sắn đã trồng đang phát triển tốt

Theo đánh giá của đồng chí Lý Hồng Páo, Phó chủ tịch HĐND xã Khâu Vai: “Việc triển khai trồng sắn phù hợp với điều kiện đất đai nóng ẩm của xã Khâu Vai, hơn nữa khi người dân nhận thấy đầu ra rất thuận lợi nên người dân chủ động sang xã Đức Hạnh, xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) mua giống sắn về trồng, chứ xã không phải vất vả tuyên truyền chuyển đổi trồng như các loại cây khác”. Để mục sở thị, tôi đã tìm đến gia đình anh Thò Mí Mua ở thôn Lũng Lầu trồng 2 ha sắn, đồng thời anh còn mua ô tô tải vừa vận chuyển hàng hoá, vừa vận chuyển sắn giúp nông dân bán cho các thương lái bên huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Anh cho biết: “Đầu năm 2024, nhân dân các xã Khâu Vai, Niêm Tòng, Niêm Sơn, Tát Ngà, triển khai trồng nhiều nên giá cây sắn giống đã tăng lên 2.000 đồng/cây. Tuy chi phí mua giống có tăng lên nhưng không ảnh hưởng đến đầu tư trồng sắn của nhân dân”. Điều anh Mua và các hộ dân xã Khâu Vai rất phấn khởi là việc triển khai trồng sắn không vất vả chăm sóc như cây trồng khác và giá cả đầu ra ổn định. Sau khi trồng xong, nhiều gia đình có thời gian đã đi làm việc tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, kiếm thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đây là tín hiệu vui bước đầu trong việc triển khai Đề án chuyển đổi đất nông nghiệp trồng ngô sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn của tỉnh trên địa bàn xã Khâu Vai.

Bài, ảnh: Quỳnh Lưu


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.435
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.687
Năm 2024 : 505.073