A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực thoát nghèo nơi vùng biên Bát Đại Sơn

Từ gia đình thuộc diện hộ nghèo, với nghị lực vượt khó cùng đức tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng trong lao động, gia đình anh Cứ Mí Lềnh, dân tộc Mông ở thôn Mố Lùng, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Đến xã biên giới Bát Đại Sơn vào một ngày nắng Hạ, được đồng chí Vũ Ngọc Toản, Bí thư Đoàn thanh niên xã dẫn chúng tôi đến thăm các mô hình phát triển kinh tế của địa phương. Trên đường đến thôn Mố Lùng, anh Toản chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh của xã, đặc biệt là giới thiệu những đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, chăm chỉ, chịu khó. Trong đó có đoàn viên Cứ Mí Lềnh là một trong những cá nhân có nhiều nỗ lực, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế.

Anh Cứ Mí Lềnh chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, rồi 2 con lần lượt ra đời, cuộc sống của vợ chồng anh Cứ Mí Lềnh càng khó khăn hơn. Năm 2017, anh Lềnh đi làm ở một công ty ở tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, công việc ngày càng bấp bênh, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Thấy quỹ đất của gia đình rất nhiều, anh trăn trở muốn làm giàu trên chính mảnh đất do ông bà Tổ tiên để lại. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh mạnh dạn chuyển đổi cơ cầu cây trồng từ trồng ngô sang trồng các loại cây ăn quả có cho năng suất và giá trị kinh tế cao.

Hiện tại, những mảnh vườn trước đây bạt ngàn cây ngô, bây giờ lại phủ lên một màu xanh của những vườn cây ăn quả trĩu cành như: Cam, quýt, bưởi, xoài, dứa… mỗi loại từ 100 đến gần 1.000 gốc. Bằng sự siêng năng, chịu khó, cùng cách chăm sóc khoa học, đúng kỹ thuật nên vườn cây ăn quả của gia đình anh phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh, cho năng suất cao. Bước đầu, mỗi năm, vườn cây ăn quả mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 40 - 60 triệu đồng.

Đứng dưới những tán cây xoài sai trĩu quả, anh Lềnh chia sẻ: “Bản thân tôi đã từng đi tham khảo nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, làm kinh tế từ nông nghiệp và nhận thấy trồng cây ăn quả là lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng. Sau khi tham khảo các mô hình ở nhiều địa phương khác nhau, tôi bắt đầu bắt tay vào đầu tư và thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. Sau 4 năm, những công sức của tôi và gia đình bắt đầu cho những trái ngọt, kinh tế gia đình ngày một phát triển, cuộc sống ngày càng ấm no”.

Nói về mô hình phát triển kinh tế của anh Cứ Mí Lềnh, đồng chí Thào Mí Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn cho biết: “Đây là mô hình kinh tế có hiệu quả. Bản thân anh Lềnh là người táo bạo, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, có tính sáng tạo và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Mô hình cải tạo vườn tạp của anh là điển hình cho phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương; đồng thời, là địa chỉ để người dân tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất”.

Từ hộ nghèo, nhờ chăm chỉ lao động và biết tiết kiệm trong chi tiêu, đến nay, gia đình anh Lềnh đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học tốt. Xác định phát triển kinh tế đúng hướng, hiện anh Cứ Mí Lềnh đã trở thành một trong những hộ gia đình thanh niên có kinh tế khá ở địa phương, đây chính là thành quả của ý chí, nghị lực và sự cố gắng không biết mệt mỏi của thanh niên Cứ Mí Lềnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 261
Hôm qua : 2.605
Tháng 07 : 44.319
Năm 2024 : 549.665