Mô hình dân vận khéo trong bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ở Hoàng Su Phì
CTTBTG - Với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của mình, rất trăn trở với những bộn bề của cấp ủy, chính quyền và nhân dân 4 xã biên giới. Nhất là, sau khi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết số 27 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; đơn vị đã xây dựng mô hình: “Lực lượng vũ trang Hoàng Su Phì phối hợp với các lực lượng, tuyên truyền góp phần bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc thiểu số ở hai xã biên giới Thàng Tín và Thèn Chu Phìn”.
Ảnh: Các lực lượng đến tận nhà người dân tuyên truyền chống biến tướng phong tục kéo vợ xưa của người Mông, thành bắt vợ
Đồng chí Thượng tá Trần Đình Trọng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Hoàng Su Phì cho biết: Bài trừ tiến tới xóa bỏ hủ tục lạc hậu là cuộc cách mạng, “thay cũ, đổi mới”, có chọn lọc, có kế thừa và lâu dài, khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy lực lượng vũ trang huyện Hoàng Su Phì đã triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp, tất cả các binh chủng vào cuộc, tăng cường vận động, tuyên truyền làm sao có được kết quả cụ thể, với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”
Với phương châm gần dân, sát dân, lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình, coi nỗi khổ của nhân dân làm gánh nặng của bản thân. Nhận thấy, đời sống nhân dân xã biên giới Thàng Tín còn nhiều khó khăn; chấp hành chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương mời Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam lên tư vấn, đào tạo, tuyển dụng lao động. Đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động người dân từ bỏ việc qua bên kia biên giới lao động tự do, để đi lao động hợp pháp. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 200 thanh niên xã Thàng Tín tìm được việc làm có thu nhập ổn định mỗi tháng từ 15 – 25 triệu đồng, nhiều thanh niên sau khi có tiền đã về xây dựng được nhà cửa khang trang.
Lã xã biên giới, Thàng Tín lại có nhóm Đạo tin lành Việt Nam Miền Bắc hoạt động. Sinh sống sát biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, với nhiều phong tục, tập quán, từ nhiều đời trước truyền lại đã không còn phù hợp, làm kinh tế của đồng bào không phát triển được, cái nghèo, cái đói cứ quẩn quanh không thoát ra được. Nhận thức được vị trí, vai trò rất quan trọng của người có uy tín, đặc biệt là người đứng đầu nhóm đạo như anh Giàng Seo Lử, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Đồn biên phòng, vận động, định hướng tuyên truyền cho những người này, để họ làm cầu nối đến với nhân dân.
Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự huyện kết hợp với Đồn biên phòng Thàng Tín tuyên truyền về nạm tảo hôn ở thôn Cáo Phìn xã Thèn Chu Phìn.
Phong tục kéo vợ xưa của người Mông, giờ đã biến tướng thành bắt vợ, kết quả của nó là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, dẫn đến cuộc sống cơ cực… Em Hoàng Thị Mai, đang học lớp 9 thì xây dựng gia đình với một tràng trai trong thôn, do mới 16 tuổi nên 02 bên gia đình thống nhất chưa đăng ký kết hôn… Trong căn nhà lụp sụp, tối tăm, không có tài sản nào đáng giá, cuộc sống bần hàn, nghèo khổ của cặp vợ chồng trẻ với một đứa con 4 tháng tuổi. Không ngại khó, ngại khổ, tất cả vì cuộc sống người dân, những cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện đã đến tận nhà của em Xưởng để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ em lúc khó khăn, thuyết phục em đi làm công nhân để có thêm thu nhập cho gia đình.
Lực lượng vũ trang huyện Hoàng Su Phì, đã phối với các tổ chức chính trị trên địa bàn nắm chắc diễn biến tâm trạng, tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể theo từng đối tượng, hoàn cảnh gia đình và thực tế địa phương, thông qua thực hiện công tác quân sự, quốc phòng; với nhiều phương pháp, hình thức, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, lồng ghép nhuần nhuyễn vào các nhiệm vụ của đơn vị như: Tuyển quân, huấn luyện các đối tượng, diễn tập các cấp, các hội thi, hội thao, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...các phong trào, phần việc, các cuộc vận động trong Quân đội và của địa phương, nhất là: hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo, cải tạo vườn tạp, xây dựng nông thôn mới… theo phương châm “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Nhờ đó, vấn đề nổi cộm nhất ở 02 xã Thàng Tín và Thèn Chu Phìn đã từng bước được giải quyết.
Ông Vàng Đình Chiến, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì đánh giá mô hình là điểm sáng trong công tác dân vận nhằm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Với phương châm “mắt thấy, óc nghĩ, chân đi, miệng nói, tay làm”, lực lượng vũ trang huyện Hoàng Su Phì đang đi đầu trong triển khai Chị thị 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Thực tế đã chỉ ra, muốn lời nói của mình được người khác nghe, hiểu và tôn trọng thì trước hết bản thân phải là một tấm gương sáng, từ lời nói đến việc làm, nhất là lại ở vùng đồng bào dân tốc thiểu số, dân trí chưa cao, khó khăn trong tiếp cận. Chính vì vậy, cán bộ chiến sỹ, lực lượng vũ trang huyện Hoàng Su Phì đã và đang rèn luyện để trở thành điểm tựa cho người dân thực hiện, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy cái tích cực lấn át cái tiêu cực, từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng hình ảnh người tuyên truyền viên gương mẫu trong gia đình, đơn vị và cả ngoài xã hội.
Đức Long - TTVH Hoàng Su Phì