A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Má Lé tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những ngày cuối tháng 5, đặt chân đến xã Má Lé, huyện Đồng Văn, chúng tôi cảm nhận sự “thay da đổi thịt” của vùng đất nơi đây. Ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã tạo nên những tuyến đường bê tông, đường nhựa liên thôn, liên xã. Dọc vùng biên giới, những ngôi nhà kiên cố mọc lên khang trang; nhiều mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của chính quyền và người dân địa phương ngày được nâng lên.

Má Lé là xã biên giới, có 12 thôn, phần lớn là dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, Đảng bộ xã xác định: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình “3 cây”: Dược liệu, cây lê, cây tam giác mạch; “4 con” gồm: Bò, dê, lợn và đàn ong. Đặc biệt là thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, chăn nuôi có chuồng trại. Cùng với đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Ban lãnh đạo thôn Lèng Sảng kiểm tra, hướng dẫn người dân chăm sóc cây dong riềng.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Chá Nhìa Sử, thôn Lèng Sảng, đây là một trong những hộ tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Ông Sử phấn khởi chia sẻ: “Những năm trước đây, gia đình chỉ trồng ngô giống địa phương nên năng suất thấp, kinh tế khó khăn lắm. Được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng gừng. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đó. Với 2 ha gừng, năm đầu tiên cho thu nhập 200 triệu đồng, năm 2023 gần 400 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Sử mà nhiều hộ khác trên địa bàn thôn Lèng Sảng nói riêng và xã Má Lé nói chung rất tích cực chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi được 4 ha đất kém hiệu quả để thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp. Trong đó, trồng được 3 ha rau chuyên canh, hiện đang trong giai đoạn thu hoạch; trồng thêm 6 ha lê, 21 ha dong riềng, 1.139 cây mận và 469 cây đào địa phương; thực hiện cải tạo 9 vườn tạp, nâng tổng số lên 24 vườn. Nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn ở Má Lé ngày càng khởi sắc. Đời sống của bà con đã và đang được cải thiện, trình độ canh tác nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển.

Đồng chí Ly Mí Ná, Chủ tịch UBND xã Má Lé cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển kinh tế; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động nhân dân mở rộng quy mô các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phấn đấu giảm nhanh số hộ nghèo… Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo diện mạo mới cho miền đất biên cương của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Thanh Thủy


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.432
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.684
Năm 2024 : 505.070