A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án chăn nuôi bò sinh sản - Trao “cần câu”, tạo sinh kế bền vững cho người dân biên giới Sơn Vĩ

Đời sống của bà con dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn tại xã biên giới Sơn Vĩ (Mèo Vạc) ngày càng khởi sắc. Thành quả đó chính là kết quả từ những chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ và sự nỗ lực của chính quyền địa phương.

Sơn Vĩ là xã biên giới của huyện Mèo Vạc, có 19 thôn, trong đó có 9 thôn giáp biên; có hơn 1.300 hộ với hơn 7.800 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình chia cắt, chủ yếu là núi cao, vực sâu, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế. Chính vì vậy, để nâng cao đời sống của người dân, xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh. Đặc biệt là triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn. 

Ông Giàng Chứ Sình, thôn Lẻo Chá Phìn B, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) đang chăm sóc đàn bò.

Gia đình ông Giàng Chứ Sình, thôn Lẻo Chá Phìn B, là một trong 20 hộ gia đình đang được thụ hưởng Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia được xã Sơn Vĩ triển khai tại thôn. Thực hiện Dự án này, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 18,4 triệu đồng mua bò sinh sản. Khi được thôn thông báo gia đình nằm trong đối tượng thụ hưởng của Dự án, gia đình ông đã trồng thêm 0,5ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuồng trại cũng được gia đình tu sửa lại.

Ông Giàng Chứ Sình, chia sẻ: “Từ khi được hỗ trợ bò, gia đình tôi tập trung chăm sóc tốt bò để bò sinh trưởng, phát triển tốt, sớm sinh bê con. Tôi hy vọng đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo trong năm tới”.

Cũng là hộ nghèo được tham gia dự án, gia đình bà Già Thị Già được hỗ trợ 18,4 triệu đồng, cùng với vốn đối ứng, bà mua được một con bò. Đến nay bò đã sinh sản được 1 con bê. Thêm con giống, gia đình có động lực làm ăn, phát triển đàn bò tăng thu nhập, kinh tế gia đình cũng đã có sự đổi thay đáng kể. Bà Già cho biết: “Dự án đã tạo cơ hội để những hộ nghèo, cận nghèo như chúng tôi từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã quan tâm đến người dân nghèo vùng cao”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, cán bộ xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) thường xuyên kiểm tra theo dõi sự phát triển của đàn bò.

Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ Thào Mí Sính cho biết, để mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai thực hiện hiệu quả, chính quyền xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức phụ trách và phải thường xuyên theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện mô hình. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ người dân theo hướng “cầm tay chỉ việc” để người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình. Nhờ vậy, từ khi triển khai đến nay, 70% số bò sinh sản của các hộ gia đình đã sinh được bê con, gia súc của các gia đình hiện nay đang phát triển tốt.

Ông Thào Mí Sính cho biết thêm, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng ước thực hiện cả năm đạt hơn 1.280 ha; tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 2.580 tấn; tổng đàn gia súc hơn 8.800 con; giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động địa phương, thu nhập bình quân năm 2023 của xã đạt 21 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 69,35% xuống còn 55,72%.

Dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Sơn Vĩ đã góp phần hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo hướng phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua thực hiện mô hình đã nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, phát triển kinh tế giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Đó chính là minh chứng từ các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế địa phương.

Bài, ảnh: Hà Linh


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.044
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.214
Năm 2024 : 977.912