A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I năm 2023

CTTBTG - Trong quý I năm 2023, việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao; công tác tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc.

Song với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; các cấp chính quyền đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và đạt được một số kết quả tích cực. Sau Tết Nguyên đán, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động, khẩn trương triển khai công việc, tạo khí thế sản xuất, kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trong quý I năm 2023 tiếp tục phục hồi phát triển và đạt những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh 2010) quý I năm 2023 ước đạt 3.254,4 tỷ đồng, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,32%).

Phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả ở thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (ảnh Hoàng Dịu)

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,31% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 5,76%; ngành lâm nghiệp tăng 1,85%; ngành thủy sản tăng 5,0% cùng kỳ năm trước. Nhóm ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng cao so với mức tăng của những năm gần đây do trong điều kiện thời tiết thuận lợi các hoạt động sản xuất trên địa bàn tiếp tục được duy trì, ổn định và phát triển. Lâm nghiệp tập trung công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; đánh bắt thủy sản tăng nhẹ, hoạt động nuôi trồng cơ bản được duy trì ổn định, từ đó có đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nhóm ngành.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tốc độ tăng trưởng ước đạt 92,9% giảm 7,10% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp ước đạt 85,24% giảm 14,76%; ngành Xây dựng tăng 4,48% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp sản xuất điện là lĩnh vực có tỷ trọng và quy mô đóng vai trò chi phối đối với toàn ngành công nghiệp địa phương, tuy nhiên sản xuất quý I/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ. Do lĩnh vực khai thác chưa ký được hợp đồng; sản xuất điện đạt thấp do mưa muộn hơn, lưu lượng nước về lòng hồ thấp, các nhà máy hoạt động dưới công suất thiết kế... Khu vực dịch vụ tăng 5,74%, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động. Một số lĩnh vực dịch vụ thị trường khác có mức tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh như: Bán buôn, bản lẻ và doanh thu từ dịch vụ tăng 16,66%; vận tải kho bãi tăng 11,24%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 38,09%; hoạt động ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,26%; hoạt động dịch vụ khác tăng 10,45%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ tăng 5,91%; hoạt động giáo dục và đào tạo tăng 6,58%; hoạt động quản lý nhà nước ANQP tăng 4,52%... đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đến Hà Giang trong Quý I đạt 706.000 lượt người, tăng 36,2% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.659 tỷ đồng. Các hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.884,4 tỷ đồng tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 53,3 triệu USD, tăng 598% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 31,8 triệu USD, nhập khẩu 21,6 triệu USD. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông đạt 12.855ha, tăng 2,75% so với cùng vụ năm trước bằng 344 ha.

Ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giữa tỉnh Hà Giang và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (ảnh Duy Tuấn)

Công tác chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, tổ chức các Hội nghị ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Giang và tập đoàn FPT, tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về chuyển đổi số, đến nay, tỉnh Hà Giang đã đưa 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh cho 1.480 thủ tục hành chính, đạt 76,1% so với tổng số thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,8%... Chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện tổ chức và hoàn thành công tác thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồ sơ Quy hoạch tỉnh đã được hội đồng thẩm định thông qua và đánh giá cao, đảm bảo tiến độ và chất lượng và xác định rõ các mục tiêu đột phá.

Quy mô mạng lưới trường lớp học được củng cố, chất lượng giáo dục các cấp học được quan tâm; đảm bảo duy trì sý số học sinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh hàng ngày các cấp học đạt trên 98%. Các hoạt động văn hoá, thông tin và thể thao cũng có nhiều chuyển biến tích cực thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh tiếp tục được quan tâm; tổ chức tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho 5.087 trẻ dưới 01 tuổi, đạt 31,5% kế hoạch. Các chính sách xã hội về tuyên truyền tư vấn giải quyết việc làm và kết nối cung, cầu lao động được quan tâm đẩy mạnh. Công tác giáo dục nghề nghiệp, việc làm, an sinh xã hội được triển khai hiệu quả; duy trì đào tạo 2.020 học viên, giải quyết việc làm cho 8.653 lao động, đạt 48,61% kế hoạch.


Tác giả: Phạm Hải
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.385
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.169
Năm 2024 : 513.515