Tiếng trống trường rộn rã
Không gian ngập tràn sắc màu rực rỡ của cờ, hoa, đồng phục, tiếng cười nói rộn ràng ngày gặp lại, nắng Thu dịu dàng dường như cũng đang "nhảy nhót" vui mừng chào đón những gương mặt thân quen. Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của hàng triệu học sinh trong cả nước, hơn 17.000 cán bộ, giáo viên và trên 269.600 học sinh toàn tỉnh hân hoan niềm vui chào đón năm học mới trong hiệu lệnh giục giã của tiếng trống trường.
Học sinh Sủng Trái (Đồng Văn) tới trường trong ngày khai giảng năm học mới.
Sáng nay, cô giáo Nguyễn Thu Phương thức dậy từ 5 giờ sáng để kịp lên với điểm trường Thượng Lâm đón học sinh trong buổi khai giảng. Đây là điểm trường thuộc Trường Tiểu học Minh Tân B, xã Minh Tân (Vị Xuyên), một trong những điểm trường xa xôi, đường đi lại khó khăn nhất trên địa bàn xã. Dù khoảng cách từ trường chính lên điểm trường chỉ gần 10km, nhưng các cô giáo phải đi mất hơn một giờ đồng hồ vượt dốc với con đường đá lởm chởm, trơn trượt, nguy hiểm. Điểm trường có 2 lớp tiểu học và 1 lớp mầm non với 58 học sinh hôm nay được các cô trang trí khéo léo, đẹp đẽ với hoa, ảnh Bác Hồ và ma-ket khai giảng trên tấm bảng xanh. Cô Phương chia sẻ: "Ở điểm trường, dù không tổ chức khai giảng như trường chính nhưng các cô cũng trang trí lớp học, đọc Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trò chuyện với phụ huynh và học sinh về ý nghĩa của ngày khai giảng, cổ vũ, động viên các em cùng nỗ lực cố gắng cho một năm học mới hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Cô giáo và các em học sinh Trường Mầm non xã Sủng Máng trong buổi khai giảng đầu năm học 2024 - 2025
Tại huyện phía tây Hoàng Su Phì, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ trước đó khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn bị sạt lở, đi lại khó khăn, nhưng các địa phương đã nỗ lực khắc phục, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện cho năm học mới, không khí khai giảng rộn ràng khắp các trường học. Năm học này, huyện Hoàng Su Phì có 51 trường thuộc UBND huyện quản lý, giảm 8 trường so với năm học trước do sáp nhập các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Toàn huyện có trên 17.000 học sinh và gần 1.400 cán bộ, giáo viên. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoàng Su phì Nguyễn Thị Bích Hằng chia sẻ: "Lễ khai giảng ở các trường học được tổ chức ngắn gọn nhưng trang trọng, đầy đủ, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi để cán bộ, giáo viên và học sinh hân hoan bước vào năm học mới với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Huyện Hoàng Su Phì sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để hoàn thành các chỉ tiêu giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đề án nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh".
Điểm nổi bật trong năm học mới tại huyện Quang Bình là có 3 trường trọng điểm về chất lượng giáo dục gồm Trường Mầm non Sao Mai, Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường THCS Chu Văn An. Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia của huyện đạt hơn 80%. Trong không khí ngập tràn màu sắc của ngày hội tựu trường, hơn 16.000 học sinh, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số xúng xính trang phục dân tộc, hân hoan chào đón năm học mới.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Thuận Hòa (Vị Xuyên) vui kéo co trong ngày khai giảng.
Tại thành phố Hà Giang, không khí khai giảng ngập trong sắc đỏ của cờ hoa, nhiều phụ huynh cố gắng sắp xếp công việc, đưa con đến trường. Chị Lưu Ngọc Diệp, phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) xúc động: "Năm nay con trai vào lớp 1 nên cả nhà khá hồi hộp và có chút lo lắng. Chúng tôi thức dậy từ sáng sớm, chuẩn bị trang phục cho con và đưa con tới trường. Môi trường học tập mới, kiến thức nhiều, mong con cố gắng học tốt".
Không khí chào đón năm học mới cũng rộn rã khắp các địa phương trên vùng Cao nguyên đá. Các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là ưu tiên tuyển dụng giáo viên, đảm bảo nhu cầu tối thiểu tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định. Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh cho biết: "Để nâng cao chất lượng giáo dục cho năm học mới, huyện tập trung lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên tuyển dụng viên chức cho ngành Giáo dục, dồn điểm trường, xóa lớp ghép, đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh. Khai giảng năm học mới với không khí vui tươi, phấn khởi không chỉ mang ý nghĩa của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường mà là dấu mốc quan trọng, tạo niềm hứng khởi, nỗ lực và quyết tâm của thầy và trò cho hành trình suốt cả năm học".
Trường PTDTBT Tiểu học Hương Sơn (Quang Bình) rực rỡ cờ, hoa đón năm học mới.
Là học sinh cuối cấp, em Hoàng Minh Hằng, học sinh lớp 9A, Trường PTDTBT THCS Thuận Hòa (Vị Xuyên) cảm nhận rõ áp lực học tập nhiều hơn. Em Hằng chia sẻ: "Hôm nay là ngày khai giảng cuối cùng của em ở mái trường thân yêu này, em rất xúc động, có chút tiếc nuối. Năm nay là năm cuối cấp, em sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để đạt thành tích tốt nhất trong năm học mới".
Năm học vừa qua là năm đầu tiên toàn tỉnh thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030 với phương châm "Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật". Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò các trường học đã nỗ lực hết mình với nhiều kết quả nổi bật: Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,31%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học ở từng khối lớp đạt trên 94,4%; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 61,52%; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 55,83%. Có 20 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia, tăng 15 giải so với năm học trước; trên 1.000 học sinh THCS, THPT đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nét chữ đầu tiên sau Lễ khai giảng của cô và trò điểm trường Thượng Lâm, xã Minh Tân (Vị Xuyên).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Quang Trí chia sẻ: "Công tác chuẩn bị cho năm học mới được ngành Giáo dục và các địa phương triển khai từ sớm, trong đó tập trung khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu giáo viên, tuyển sinh đầu cấp, bồi dưỡng chính trị và chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, dồn ghép các điểm trường. Năm học này là năm học triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới toàn diện ở tất cả các khối lớp, ngành Giáo dục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, có giải pháp học tập, ôn thi hiệu quả, phù hợp cho học sinh lớp 12, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh, tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh. Lễ khai giảng năm nay, ngoài phần lễ được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, các trường học tổ chức phần hội với nhiều hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, văn nghệ, tạo sự phấn khởi, hấp dẫn và niềm tin về năm học mới".
Trường THCS Lê Lợi (thành phố Hà Giang) tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 606 trường mầm non và giáo dục phổ thông với trên 269.600 học sinh; trên 17.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học mới đã bắt đầu, tiếng trống trường giục giã, trang sách mới rộng mở, tiếng ve ngừng râm ran nhường chỗ cho những bài học hay trên lớp. Trong thời khắc thiêng liêng lắng đọng, nghe Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi học sinh nhân ngày khai trường, mỗi một thầy cô giáo và các em học sinh đều tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa, rèn luyện hơn nữa để góp phần dựng xây quê hương Hà Giang giàu mạnh.
Bài ảnh: BIỆN LUÂN