Ngành giáo dục Mèo Vạc nỗ lực chuyển đổi số
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT), những năm gần đây, việc chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và học tập của ngành giáo dục huyện Mèo Vạc đã có nhiều đổi mới, góp phần làm thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, chủ động, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Cô và trò lớp 3B Trường PTDTBT Tiểu học Tát Ngà trong giờ học môn Tiếng Việt
Có mặt tại Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Pải Lủng trong giờ học môn tiếng anh, không đơn thuần sử dụng những dụng cụ học tập truyền thống, các tiết học của các em học sinh nơi đây được các thầy, cô trình chiếu trên màn hình với những video, hình ảnh, âm thanh sinh động. Vì vậy mà bài giảng của giáo viên cũng đã tạo được sự cuốn hút đối với các em học sinh. Em Sùng Mí Chứ, lớp 5A chia sẻ: “Khi chúng em được tiếp cận bài giảng thông qua các video, hình ảnh sinh động trên máy chiếu giúp chúng em dễ hiểu bài hơn, tạo sự lôi cuốn trong học tập”.
Những năm học gần đây, trường PTDTBT Tiểu học – THCS Pải Lủng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy. Nhà trường đã được đầu tư trang bị máy tính, ti vi, kết nối mạng internet tốc độ cao đến từng lớp học. Hiện nay, 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử ký số, các kế hoạch, văn bản điều hành, chỉ đạo của Ban Giám hiệu đều sử dụng bằng văn bản mềm không dùng văn bản giấy. Cho biết thêm về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong nhà trường, cô giáo Trương Thị Lưu, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học – THCS Pải Lủng cho biết: “Thực hiện công tác chuyển đổi số nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, dạy học qua việc sử dụng các phần mềm trong công tác thống kê, công tác phổ cập và ứng dụng trong công tác giảng dạy của giáo viên”.
Năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc có 54 trường, với trên 28.000 học sinh. Xác định ứng dụng CNTT là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua, ngành giáo dục huyện đã tăng cường đầu tư mua sắm máy tính và các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học. Năm học 2022-2023, PGD&ĐT đã cấp, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ máy tính cho các phòng tin học, tivi, bộ thiết bị dạy học tối thiểu dành cho khối lớp 3, khối 7. Các phòng máy tính phục vụ dạy học đã được nối mạng internet cáp quang tốc độ cao; 100% số lớp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được trang bị ti vi thông minh màn hình rộng phục vụ công tác dạy và học. 100% đơn vị trường có phòng họp, phòng học trực tuyến để phục cho công tác quản lý, dạy và học. Ngoài ra, việc giảng dạy được lồng ghép công nghệ Steam, giúp học sinh có thể giải quyết được các bài toán khó cũng như khám phá nhiều hiện tượng trong cuộc sống trực quan; các trường triển khai và tổ chức các cuộc thi trên internet cho học sinh như Trạng nguyên Tiếng việt, Cuộc thi Olympic Tiếng anh trên internet đã thu hút được đông đảo các em học sinh tham gia.
Theo ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc chia sẻ:“Phòng xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng, thứ nhất chuyển đổi số phải đem lại hiệu quả cho người học và trực tiếp là giáo viên. Với nhiệm vụ này, chúng tôi đã tổ chức đồng bộ triển khai các giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số. Trước tiên là chuyển đổi số trong quản trị trường học đã có 100% các đơn vị trường và Phòng sử dụng các phần mềm quản lý trường học, để số hóa các tài liệu. Bên cạnh đó, sử dụng phần mềm quản lý văn bản, đến nay 100% các văn bản của Phòng đã được số hóa và chỉ đạo thông suốt đến các đơn vị trường. Nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các nhà trường, giúp công tác quản lý được chặt chẽ, nhanh gọn và lưu trữ tốt; học sinh hứng thú và chủ động hơn với mỗi bài học, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chương trình mới, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục”.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian tới, ngành giáo dục huyện Mèo Vạc tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ cho công tác dạy và học.
Minh Đức