Hỗ trợ và kết nối trong khám, chữa bệnh từ xa
Từ năm 2021, ngành Y tế của tỉnh bắt đầu thực hiện hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) từ xa. Với những lợi ích đem lại, đến nay, hoạt động KCB từ xa không chỉ được áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, mà còn vươn xa đến toàn bộ hệ thống cơ sở y tế các xã, phường. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sỹ, giúp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được KCB, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những cơ sở đầu tiên trong hệ thống mạng lưới y tế của tỉnh triển khai thực hiện chương trình đào tạo, chỉ đạo tuyến và KCB từ xa qua hệ thống Teleheath. Với sự hỗ trợ về chuyên môn của các bệnh viện tuyến Trung ương theo Đề án 1816 và việc trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật mới giúp cho người bệnh tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao, hiện đại ngay tại tỉnh, tỷ lệ người bệnh đến khám, điều trị ngày càng cao, giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Năm 2023, bệnh viện đã tổ chức mời 18 đợt với 55 chuyên gia lên hỗ trợ chuyên môn các chuyên khoa điện quang can thiệp, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, mắt, tai, mũi, họng.
Các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo Đề án khám, chữa bệnh từ xa. |
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hội chẩn trực tuyến được hàng chục buổi với các chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để KCB từ xa cho hàng trăm bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện đã hội chẩn tổng số 223 ca bệnh cho các bệnh viện tuyến huyện. Đa số đây là những ca bệnh khó liên quan đến nhồi máu cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, tai biến mạch máu não, xương khớp, lồng ngực, thần kinh... cần tận dụng thời gian vàng để can thiệp sớm. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng và tử vong.
Bác sỹ Đặng Cao Kỳ, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hệ thống Telehealth có có ưu điểm là truyền tải được toàn bộ hình ảnh phim chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, nên các bác sỹ tuyến trên có thể xem trực tiếp hình ảnh chụp phim của bệnh nhân. Thời gian qua, khoa Ngoại tổng hợp thường xuyên thực hiện hội chẩn với các bác sỹ tuyến T.Ư, tuyến huyện trong KCB. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân bị đa chấn thương do tai nạn giao thông trong tình trạng nặng, không chuyển tuyến được, sau khi làm xét nghiệm cận lâm sàng cấp cứu, khoa chuyển hồ sơ bệnh án qua hệ thống Telehealth để xin ý kiến hội chẩn các bác sỹ tuyến trên về chẩn đoán và xử trí, bệnh nhân đã được mổ thành công”.
Ngoài hệ thống Teleheath, hoạt động KCB từ xa hiện đã được mở rộng từ cơ sở y tế tuyến tỉnh đến các trạm y tế xã, phường thông qua phầm mềm ứng dụng “Bác sỹ cho mọi nhà”. Tính đến nay, có gần 1.900 người dân được cán bộ y tế hỗ trợ tạo tài khoản trên hệ thống, 778 cuộc gọi đã được thực hiện. Nhờ sự kết nối thông qua những hình ảnh, video truyền trực tiếp, các bác sỹ tuyến trên nhìn thấy người bệnh, KCB từ xa, tư vấn kỹ thuật cho cán bộ y tế tuyến dưới. Những người có bệnh mạn tính có thể được quản lý, nhắc lịch hẹn khám, đặt hẹn KCB khi có nhu cầu. Người bệnh cũng dễ dàng theo dõi được các dấu hiệu bệnh, chẩn đoán và chỉ định của bác sỹ cho mỗi lần khám.
KCB từ xa là bước tiến lớn trong lĩnh vực y tế của tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh và các cơ sở y tế, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số của ngành. Đây được coi là “cánh tay nối dài” của toàn bộ mạng lưới y tế, xóa nhòa khoảng cách, ranh giới giữa các tuyến, nhằm làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: MỘC LAN