A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

CTTBTG - Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn xác định cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trong 5 năm qua, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã được các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, hệ thống và đạt kết quat tích cực.

Việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW được tỉnh Hà Giang xác định nhằm hướng tới mục tiêu để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dụng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Tư vấn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (ảnh sưu tầm)

Năm 2018, khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh đạt 18,2%. Trong đó, tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 0,41%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 13,34%. Tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội là 16.746/72.066 người, đạt 23,23%. Đến năm 2022, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm, đạt 20,1%. Trong đó, tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm, đạt 4,14%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm là 12,6%. Tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội là 17.859/77.236 người, đạt 23,12%. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm sẽ đạt 26,2%. Trong đó, tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm là 5,11%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm là 10,86%.

Bảo hiểm xã hội trụ cột của hệ thống chính sách an sinh xã hội (ảnh minh họa, nguồn internet)

Đồng thời, công tác cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội được quan tâm, chú trọng. Trong đó, tập trung mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo hướng người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động theo quy định của pháp luật căn cứ việc hạch toán vào giá thành sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ; người lao động  đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên tổng thu nhập; người lao động có tuổi từ đủ 15 trở lên có thu nhập từ quan hệ lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hạn chế nghỉ hưu trước tuổi, nâng tuổi nghỉ hưu đảm bảo có lộ trình phù hợp; điều chỉnh mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội và lương hưu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ, tập trung vào nhóm có mức lương hưu thấp.

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và nâng cao sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân về chất lượng dịch vụ, củng cố niềm tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhà nước. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đổi mới linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp sổ bảo hiểm xã hội, xác nhận thời gian cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và in, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân thuận lợi, kịp thời, đúng quy định. Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, qua đó tạo sự minh bạch, trong quản lý điều hành, giúp nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. 

Đồng thời, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang. Xây dựng chính sách để định hướng dịch chuyển lao động, phân bố hợp lý lao động theo vùng. Tăng cường sự quản lý và giám sát của Nhà nước đối với thị trường lao động, nhất là thị trường lao động tự do ở các huyện giáp biên giới; bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Thực hiện tốt chế độ tiền lương, các chính sách lao động, việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thực hiện tốt công tác hòa giải, trọng tài trong giải quyết tranh chấp lao động; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Triển khai chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử, kết nối thị trường. Tập trung giải quyết nhanh, gọn, chính xác các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, tai nạn, tử tuất cho người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội, kèm theo việc thực hiện giao dịch tới 100% các doanh nghiệp và người sử dụng lao động để tiếp nhận và chi trả kịp thời cho người thuộc diện hưởng đã đem lại sự tin tưởng, ủng hộ của người dân.

Bảo hiểm y tế giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh (ảnh sưu tầm)

Có thể khẳng định, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; các chính sách bảo hiểm xã hội đã thật sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội.


Tác giả: Phạm Hải
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.678
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.462
Năm 2024 : 512.808