Chuyển đổi số vì Hà Giang phát triển
CTTBTG - Trong bối cảnh là tỉnh vùng cao, biên giới, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 87% dân số toàn tỉnh, KT-XH còn nhiều khó khăn nhưng chỉ số chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đã đạt top 30 địa phương đứng đầu cả nước. Đây là minh chứng quan trọng cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện CĐS đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hạ tầng số phát triển giúp tỉnh ta thực hiện thành công các sự kiện quan trọng bằng hình thức trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giữa các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) giai đoạn 2022 – 2026. |
Nắm bắt xu thế tất yếu của CĐS, tỉnh ta đã phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức hội thảo và ký kết thỏa thuận hợp tác về CĐS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban điều hành CĐS và 7 tổ công tác trên 7 lĩnh vực chính của CĐS. Không những vậy, BCH Đảng bộ tỉnh còn ban hành Nghị quyết 18 về CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, UBND tỉnh quyết định lấy ngày 28.8 hàng năm là ngày CĐS tỉnh Hà Giang. Đây không chỉ là cơ sở quan trọng để triển khai nhiệm vụ CĐS một cách hiệu quả, thực chất mà còn nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, ngành và sự tham gia của toàn dân, bảo đảm thực hiện thành công chương trình CĐS.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số. |
Đặc biệt, tháng 9.2022, Ban điều hành CĐS tỉnh phát động Cuộc thi tìm hiểu về CĐS trên địa bàn tỉnh theo hình thức thi trắc nghiệm trên mạng internet qua 4 tuần thi. Đây được xem là nội dung đổi mới, sáng tạo, đột phá trong công tác tuyên truyền, lan tỏa nhận thức, kỹ năng về CĐS khi thu hút 156.724 người tham gia với 344.771 lượt dự thi. Qua đó, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tạo sức mạnh đồng thuận, thống nhất ý chí, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc trên hành trình đưa Nghị quyết 18 vào cuộc sống. Kết thúc cuộc thi, 10 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CĐS vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về CĐS trao 44 giải thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích.
Người dân đánh giá mức độ hài lòng với sự phục vụ của chính quyền tại bộ phận một cửa huyện Bắc Quang. |
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác CĐS đã, đang kết tinh những thành quả trân quý vì Hà Giang phát triển. Hiện, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) ở mức khá so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 80,53%; 100% cơ quan hành chính có trang/cổng thông tin điện tử; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan đạt 100%; tỷ lệ UBND cấp huyện, xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%; bước đầu hình thành một số nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hệ thống thông tin báo cáo, tạo điều kiện cho việc hình thành chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Cùng với đó, hạ tầng xã hội số của tỉnh có bước phát triển tiến bộ: 100% cấp xã có cáp quang đến trung tâm; số trạm thu, phát sóng (BTS) đạt 2.418 trạm; mạng internet băng thông rộng đến khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; tỷ lệ điện thoại thông minh đạt 58,2%. Đặc biệt, người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa số.
Khách hàng quét mã QR code thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng tại Siêu thị Vinmart (thành phố Hà Giang). |
Riêng kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch, dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics. Đa phần cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và một bộ phận người dân có tài khoản thanh toán điện tử, chủ động tham gia kinh tế số. Hiện, toàn tỉnh có 141 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bước đầu thực hiện CĐS mô hình kinh doanh, 4 doanh nghiệp CĐS mô hình quản trị. 100% sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (dacsanhagiang.net), Sendo, Shop VnExpress, Postmark, Voso... Điều này không chỉ tạo nên kênh phân phối mới, hiện đại, hiệu quả mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Theo công bố năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số CĐS của tỉnh ta xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố; trong đó, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số lần lượt xếp thứ 30, 23, 19/63. Và nay, CĐS đã trở thành giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT-XH, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của tỉnh. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Giang sớm trở thành tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG