A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh

 Hiện nay, Hà Giang đang quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây chính là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hiện thực hóa phương châm: “Doanh nghiệp phát tài – Hà Giang phát triển”.

Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng (Bắc Quang) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng (Bắc Quang) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, ngày 6.1.2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; UBND tỉnh kịp thời ban hành chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND 11/11 huyện, thành phố: Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp theo chương trình hành động đề ra; xác định rõ thời gian hoàn thành, bộ phận chịu trách nhiệm đối với từng nội dung công việc; trong đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện, số TTHC có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh là 1.944 TTHC gồm: 1.532 TTHC cấp tỉnh, 241 TTHC cấp huyện, 142 TTHC cấp xã và 29 TTHC ở cả 3 cấp. Đặc biệt trong đó, 426 TTHC được đơn giản hóa rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định; 1.822 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được giải quyết theo cơ chế một cửa; 703 TTHC có quy định liên thông được phê duyệt quy trình liên thông; 1.480 TTHC cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 (toàn trình), đạt 76,13% so với tổng số TTHC; 227 TTHC cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3 (một phần), đạt 11,68% so với tổng số TTHC.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.            Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Cùng với việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, tỉnh ta còn thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký doanh nghiệp; rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày, theo quy định của Luật Doanh nghiệp xuống còn 1 ngày làm việc. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 48 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 204,5 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên hơn 3.600 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 35.900 tỷ đồng. Nhằm cải thiện đồng bộ, thực chất môi trường kinh doanh, tỉnh ta chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai xây dựng các nội dung thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị bền vững; vận hành hiệu quả Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặt khác, tỉnh ta còn thành lập Ban thu hút đầu tư của tỉnh. Đây là cơ quan đầu mối tiếp nhận, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ và đồng hành cùng cá nhân, tổ chức đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong quý I năm 2023, tỉnh ta đã tập trung hỗ trợ giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho 32 doanh nghiệp về thủ tục thuế, hải quan, tư vấn nghiên cứu khảo sát dự án đầu tư, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Hướng dẫn, hỗ trợ 5 nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư; 11 dự án ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp nhận, thẩm định 35 hồ sơ dự án; trong đó, chấp thuận đầu tư đối với 13 dự án, 2 dự án đã được khởi công gồm: Khách sạn Tây Bắc (thành phố Hà Giang) và dự án Khu nghỉ dưỡng Pa’piu Lũng Hồ (Yên Minh). Ấn tượng trong đó, dự án Khu nghỉ dưỡng P’apiu Lũng Hồ có quy mô gần 11 ha với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục nghỉ dưỡng, trải nghiệm cao cấp, được thiết kế dựa trên lối kiến trúc truyền thống dân tộc Mông. Khi hoàn thành, Pa’piu Lũng Hồ hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở phân khúc hạng sang và siêu sang nơi cực Bắc Tổ quốc.

Xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, tỉnh ta tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của tỉnh theo hướng đồng bộ, toàn diện, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì điều tra chỉ số năng lực điều hành (DDCI) của các sở, ban, ngành và địa phương để nâng cao chỉ số PCI, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. Phấn đấu đến năm 2025, nâng bậc xếp hạng chỉ số PCI từ trung bình lên bậc khá và tiến tới nằm trong top đầu cả nước.

Bài, ảnh:  PHƯƠNG THÙY


Thống kê truy cập
Hôm nay : 838
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.668
Năm 2025 : 25.668