Kỷ niệm 205 ngày sinh Các Mác (Karl Marx) 5/5/1818 -5/5/2023
CTTBTG - Vào ngày này cách đây 205 năm, ngày 5/5/1818, nhân loại chào đón Các Mác (Karl Marx) - nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, người thầy thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - chào đời. Những cống hiến to lớn của Các Mác đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời trí tuệ của nhân loại, đúng như Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) đã khẳng định: “Tên tuổi và sự nghiệp của ông đời đời sống mãi”.
Các Mác (Karl Marx) sinh ngày 5/5/1818 tại thành phố Trier của Đức. Ông cùng với Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ.
Các Mác (Karl Heinrich Marx) là nhà lý luận chính trị, là người thầy, người lãnh đạo phong trào công nhân thế giới, người tổ chức ra Quốc tế thứ Nhất và đồng thời là người đã cống hiến cho nhân loại những phát minh vĩ đại.
Các Mác sinh ngày 5/5/1818 trong một gia đình luật sư ở thành phố Trier, nước Phổ (nước Đức ngày nay). Thuở ấu thơ, Các Mác được xem là linh hồn của đám trẻ cùng trang lứa, vì ông có đầu óc thông minh, biết bày ra các trò chơi hấp dẫn, biết sáng tác ra đủ mọi thứ chuyện tưởng tượng…
Năm 1830, khi lên 12 tuổi, Các Mác học trung học ở Trier, có tư chất thông minh, học giỏi, đặc biệt nổi bật ở những lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập, sáng tạo. Bên cạnh đó, Các Mác còn là người có năng lực về toán học.
Mùa thu 1835, Các Mác tốt nghiệp trung học, sau đó, ông vào trường Đại học Tổng hợp Bonn để học luật. Sau hai tháng, theo lời khuyên của cha, Các Mác theo học ở trường Đại học Tổng hợp Berlin. Ngoài luật học, sử học và ngoại ngữ, Các Mác bắt đầu đi sâu nghiên cứu triết học. Năm 1837, Các Mác bắt đầu nghiên cứu kỹ tác phẩm của Hêgel (1770 -1831) – một triết gia Đức nổi tiếng và là người sáng lập ra học thuyết về phép biện chứng duy tâm. Năm 1839, ông nghiên cứu triết học của Épicure một trong những nhà tư tưởng lớn nhất thời Cổ đại. Các Mác đặc biệt đánh giá cao ý tưởng của Épicure, muốn vươn tới sự tự do và độc lập về tinh thần, muốn thoát khỏi những xiềng xích ràng buộc của tôn giáo và mê tín. Những năm tiếp theo ông tập trung nghiên cứu những vấn đề của lịch sử triết học Cổ đại.
Ngày 15/4/1841, khi mới 23 tuổi, Các Mác nhận được bằng Tiến sĩ triết học tại trường Đại học Tổng hợp Jena. Thời gian này, tuy Các Mác vẫn còn theo chủ nghĩa duy tâm, nhưng Các Mác đã bảo vệ triệt để nhất lập trường cách mạng dân chủ cả trong lý luận và thực tiễn. Năm 1843, Mác thành hôn.
Khoảng thời gian từ năm 1942-1843, Các Mác trở thành cộng tác viên và sau đó trở thành biên tập viên của tờ “Báo Sông Ranh”. Dưới sự lãnh đạo của Các Mác, tờ báo đã biến thành cơ quan của phái dân chủ cách mạng. Hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận đã khiến cho Các Mác xung đột trực tiếp với triết học của Hêgel. Do ảnh hưởng của triết học Feuerbach, Các Mác đã rời bỏ chủ nghĩa duy tâm của nhóm Hêgel trẻ và chuyển sang chủ nghĩa duy vật; chuyển từ lập trường cách mạng dân chủ sang lập trường cộng sản.
Năm 1843, ở Pháp, Các Mác đã cùng với Ac-nôn Ru-gơ xuất bản cuốn Niên giám Pháp – Đức” phê phán trật tự xã hội tư bản và vận động quần chúng đứng lên, đặc biệt là giai cấp vô sản. Các Mác đã phát hiện vai trò đặc biệt của giai cấp vô sản. Từ hiện thực khách quan sinh động ở nước Pháp đã giúp Các Mác hiểu sâu hơn cơ cấu nội tại của sự phát triển chủ nghĩa tư bản và những mâu thuẫn của nó.
Năm 1844, Các Mác viết Bản thảo kinh tế - triết học, thực chất là những phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng mà sau này Các Mác phát triển một cách khoa học trong Bộ Tư bản. Thời gian này, Các Mác gặp được Ăng ghen ở Pháp, hai ông trở thành đồng chí và bạn, suốt đời trung thành với nhau vì sự nghiệp cách mạng vô sản.
Năm 1845-1848, ở Bỉ, Các Mác viết chung với Ăng ghen cuốn “Gia đình thần thánh”, phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghel trẻ, thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Và cuốn “Hệ tư tưởng Đức (1845 - 1846)”, trình bày lý luận về Chủ nghĩa cộng sản khoa học, tiếp tục phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghel và phái Hêghel trẻ, đồng thời phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Luivich Feuerbach. Trong cuốn “Sự khốn cùng của triết học” (1847), Các Mác đã chống lại triết học tiểu tư sản của Proudhon và trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chính trị kinh tế học vô sản. Năm 1848, được sự phân công của hội kín Liên hiệp những người cộng sản, Mác cùng với Ăngghen viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và đảng vô sản, nó soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đi đến thắng lợi.
Khi cách mạng tháng 2/1848 nổ ra ở Pháp, Các Mác bị trục xuất khỏi Brussel (Bỉ) về Pháp. Sau đó, tháng 3/1848, Các Mác về Đức ở Koln và ra “Báo miền Sông Ranh mới”. Năm 1849, Chính phủ Phổ đóng cửa tờ báo và trục xuất Mác. Ông lại đến Paris và chỉ lưu lại 3 tháng. Tháng 8/1849, từ Paris Các Mác đi London - thủ đô của Anh và sống đến cuối đời (năm 1883).
Sau cuộc đảo chính năm 1851 ở Pháp, Mác viết cuốn “Ngày 18 tháng sương mù của Lu-i-Bô-na-pac-tơ” và cuốn “Phê phán kinh tế học chính trị”.
Năm 1864, Các Mác sáng lập ra Quốc tế thứ Nhất ở London và lãnh đạo tư tưởng nhằm chấm dứt tình trạng phân tán trong phong trào công nhân. Các Mác đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, bọn vô chính phủ, định ra sách lược cách mạng. Năm 1867, Các Mác đã cho xuất bản bộ “Tư bản” (tập 1) – tác phẩm khoa học chủ yếu của Các Mác, (Tập II và III Các Mác không kịp hoàn tất, Ăngghen đảm nhiệm việc xuất bản hai tập này).
Năm 1871, sau khi công xã Pari thất bại, Các Mác viết cuốn “Cuộc nội chiến ở Pháp”, nêu lên hình thức hợp lý nhất của chuyên chính vô sản là kiểu tổ chức chính trị như công xã Pari. Quốc tế thứ Nhất phải chuyển sang Mỹ rồi giải tán. Năm 1875, Các Mác viết cuốn “Phê phán cương lĩnh Gôta”, phê phán cương lĩnh của Đảng xã hội Dân chủ Đức, nêu lên chuyên chính vô sản là hình thức Nhà nước của thời kỳ quá độ cách mạng từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 14/3/1883, Các Mác qua đời ở Pháp và được an táng tại nghĩa trang Highgate, phía Bắc nước Anh. 140 năm đã trôi, dù Các Mác không còn, nhưng tên tuổi của ông mãi đi vào lịch sử nhân loại như một bậc vĩ nhân trong lịch sử loài người.
Có thể nói, bằng thiên tài trí tuệ của mình, Các Mác đã giải đáp kịp thời, chính xác và sáng tạo những vấn đề lớn lao, cơ bản nhất và bức thiết nhất mà thời đại lúc bấy giờ đang đặt ra. Kết tinh trong mình là những thành tựu trí tuệ của loài người, kế thừa có tính phê phán những gì là tinh hoa trong lý luận triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp, Các Mác cùng với Ăng ghen và người đồng chí của Người đã nghiên cứu toàn diện, có hệ thống toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, tự nhiên và đã sáng lập nên triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học mác xít và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác, là lý luận, là bó đuốc soi đường mọi hoạt động cách mạng của những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước trên toàn thế giới.
Kỷ niệm 205 năm Ngày sinh của Các Mác (1818-2023), khái quát cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Các Mác, nhằm tôn vinh và khẳng định cống hiến vô cùng vĩ đại của Người cho nhân loại ngày nay. Cuộc đời và sự nghiệp của Các Mác là một cuộc hành trình gian nan, vất vả, một đời đấu tranh không mệt mỏi bằng lý thuyết và hành động cho chủ nghĩa cộng sản, cho cuộc đấu tranh tự giải phóng và giải phóng loài người khỏi sự thống trị của tư bản, để giành lấy tự do và hạnh phúc, giành lấy quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Kỷ niệm 205 Ngày sinh của Các Mác là dịp để chúng ta thêm trân trọng những cống hiến của Các Mác, đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn giá trị của Chủ nghĩa Mác - Lênin để không ngừng nuôi dưỡng niềm tin, lý tưởng và khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Nguyễn Vân