A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

CTTBTG- Sáng 5.1, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc theo hình thức tập trung. 

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: Phan Diễn, Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Cùng dự phiên khai mạc có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, đại biểu khách mời và các đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc kỳ họp
Các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN
Ảnh: CTV
Ảnh: CTV

Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 4 ngày. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống, trong đó có: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội; vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước...

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Đồng thời, xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng.

Toàn cảnh kỳ họp
Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình tóm tắt về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu các căn cứ và quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia; thực trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua; kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém chủ yếu, nguyên nhân. Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển. 

Trình bày báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia kèm theo Tờ trình của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch. Tại Tờ trình số 506, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua QHTTQG tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, tuy nhiên, ngày 6.12.2022 Chính phủ mới có Tờ trình gửi đến cơ quan của Quốc hội để thẩm tra là chưa bảo đảm theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN
Ảnh: Minh Đông TTXVN

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo Luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh làm căn cứ để thiết kế 1 mục riêng về ”các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh” tại Chương X về Các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và sắp xếp lại thứ tự nhiều điều, khoản để đảm bảo tính hợp lý của các quy định.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên cả nước đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cách thức đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Báo cáo tại hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong quá trình thực hiện, tính đến ngày 31.8.2022, có 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 1 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định. Cụ thể: 7 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, 7 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại; 1 địa phương đề nghị trả nợ vay lại trước hạn. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tại kỳ họp (Ảnh: CTV)
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tại kỳ họp. Ảnh: CTV

Về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: Uỷ ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm 2.268,3 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính và tăng dự toán chi đầu tư phát triển để triển khai 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo Tờ trình số 503/TTr-CP ngày 26.12.2022. Thời hạn giải ngân đến hết ngày 31.12.2024. 


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.051
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.221
Năm 2024 : 977.919