A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

77 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2023)

Cách đây 77 năm, ngày 19/12/1946, trước thời khắc Tổ quốc lâm nguy, với muôn vàn khó khăn, thử thách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng và Chính phủ truyền đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” như một lời hịch cứu nước, cổ vũ tinh thần yêu nước của cả dân tộc, chung sức, đồng lòng đứng lên chống thực dân Pháp. Ngày 19/12/ 1946 đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

 

Sau khi cách mạng Tháng tám, năm 1945 thành công, nhân dân ta với truyền thống nhân nghĩa, khát vọng hòa bình, để tránh chiến tranh xảy ra, đồng thời có thời gian hòa hoãn, tập trung xây dựng, củng cố lực lượng, Đảng ta Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với Pháp, thống nhất ký bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 chấp thuận cho quân Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Tiếp sau đó, ký bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946, nhân nhượng cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, vào cuối năm 1946, thực dân Pháp dưới sự hẫu thuận của các nước đế quốc đồng minh đã quay trở lại xâm lược nước ta, chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước Việt - Pháp, tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc, nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân ta mới giành được. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục bắn phá vào nhiều khu phố, đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ ta phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Trước tình thế nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, chủ trương phát động nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với ý chí: “Hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Đúng 20 giờ 03 phút tối 19/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm 197 chữ, ngắn gọn, giản dị, được truyền đi khắp cả nước như một bản cương lĩnh kháng chiến, hiệu triệu toàn thể nhân dân Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp:

“Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc xuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
 Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!” (1)

Đáp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đồng tâm hưởng ứng cho nổ loạt đại bác đầu tiên bắn vào các mục tiêu của địch, đánh dấu mở đầu thời kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Tại các thành phố, thị xã ở Bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng, quân dân ta đồng loạt nổ súng đánh địch với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Tiếp những ngày sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân và dân các địa phương khắp mọi miền cả nước cũng đồng loạt đứng lên chống giặc.

Lời kêu gọi của Bác đã thức tỉnh, cổ vũ đông đảo quần chúng nhân dân quyết một lòng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh Thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”, những lời hiệu triệu thiêng liêng thốt lên từ trái tim của người cha già dân tộc đã làm chạm tới sâu thẳm trong tâm hồn hàng triệu triệu người dân Việt Nam, tất cả cùng đứng lên đoàn kết một lòng, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Lời kêu gọi còn thể hiện rõ tư tưởng của Bác về đường lối quân sự “chiến tranh toàn dân, kháng chiến toàn diện”, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc. Bác chỉ rõ: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...”. Người khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

Lời kêu gọi của Bác đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nêu rõ nguyện vọng giải quyết vấn đề Đông Dương bằng biện pháp hòa bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ nhất định thắng lợi. Điều đó cũng chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những thời điểm mang tính chất sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc.

Chúng ta có thể thấy, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác như một bài hịch cứu nước, mang tầm vóc chiến lược, soi đường và định hướng chiến lược cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở nước ta sau này. Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tuy ngắn gọn, nhưng là văn kiện quan trọng, mang tính chỉ đạo, hiệu triệu, động viên và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, từ đó quân và dân ta đã lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genevơ, mở đầu thời kỳ sụp đổ của chế độ thực dân trên toàn cầu. Tiếp đó, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến tranh nhân dân, kết hợp với hoạt động thực tiễn, lãnh đạo nhân dân hai miền Nam - Bắc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đem lại hòa bình, thống nhất đất nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm của quân và dân ta. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến để lại những bài học quý báu về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền quốc phòng toàn dân, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (2)

77 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946  - 19/12/2023) đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của nó vẫn còn mãi với thời gian, trở thành dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chứa đựng những quan điểm cơ bản về đường lối chiến tranh nhân dân, quy tụ và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, những bài học thiết thực cho sự nghiệp cách mạng nước ta trong công cuộc đổi mới hiện nay. Đồng thời, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

_______________

Hải Hà

(1), Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945 - 1947), tr.160-161.
(2), Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.323.


Tác giả: Anh Quốc - Trạm KNTP
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.442
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.226
Năm 2024 : 512.572