60 năm Hải quân chiến thắng trận đầu - Bản hùng ca của quân dân miền Bắc
Cách đây 60 năm, các lực lượng của Quân chủng Hải quân cùng với quân dân miền Bắc đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng trận đầu vào ngày 2 và 5/ 8/1964, góp phần làm nên chiến công chống đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta.
Để thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, đế quốc Mỹ xác định phải có một chiến dịch tạo cớ nhằm đánh lừa dư luận thế giới. Do đó, đến tháng 7/1964, Mỹ gia tăng các hoạt động khiêu khích, sử dụng tàu chiến, máy bay xâm phạm hải phận miền Bắc để trinh sát, do thám và hỗ trợ các tàu biệt kích ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển.
Để chủ động đối phó với âm mưu của địch, ngay từ tháng 12 năm 1963, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa III đã chỉ rõ: Chúng ta phải cảnh giác, sẵn sàng đối phó với trường hợp Mỹ mạo hiểm mở rộng chiến tranh bằng chiến lược "Chiến tranh cục bộ"…; đồng thời xác định tăng cường lực lượng về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng quân sự để sẵn sàng đánh thắng Mỹ nếu chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.
Tháng 6 năm 1964, Bộ Chính trị ra chỉ thị về tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ. Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam ra lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu trong toàn thể các lực lượng vũ trang miền Bắc và chỉ thị "Hải quân nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu bảo vệ vùng biển, tuyến ven bờ, các hải cảng, cửa sông và căn cứ; nhanh chóng chuyển mọi sinh hoạt của đơn vị sang thời chiến".
Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra nghị quyết lãnh đạo chuẩn bị mọi mặt, đưa Quân chủng chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm cao nhất. Từ ngày 06/7/1964, toàn Quân chủng chuyển sang trạng thái thời chiến; thành lập sở chỉ huy tiền phương tại căn cứ sông Gianh; điều động một số tàu cho các khu vực, đồng thời tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho các lực lượng.
Đêm 31/7, rạng sáng ngày 01/8/1964, Mỹ cho tàu khu trục Ma-đốc thuộc Hạm đội 7 xâm phạm sâu vào vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc, có lúc chỉ cách bờ 8 hải lý, vừa do thám, điều tra mạng lưới bố phòng của ta, vừa đe dọa, uy hiếp các tàu đánh cá của ngư dân ta trên biển.
Với quyết tâm trừng trị tàu địch xâm phạm vùng biển của ta, thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngày 02/8/1964, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ huy Tiểu đoàn 135 sử dụng 03 tàu phóng lôi của Phân đội 3 (gồm các tàu 333, 336, 339) do đồng chí Nguyễn Xuân Bột, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng tàu 333 chỉ huy, bí mật hành quân từ Vạn Hoa (Quảng Ninh) vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích đón đánh tàu khu trục của Mỹ. Phối hợp tham gia chiến đấu có 2 tàu tuần tiễu T142 và T146 của Khu Tuần phòng 1.
Lúc 13 giờ 30 phút ngày 02/8, tàu khu trục Ma-đốc Mỹ xâm phạm vào khu vực biển Hòn Mê (Thanh Hóa). Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu và tàu phóng lôi xuất kích, tìm tàu Ma-đốc của địch. Khi Phân đội tàu phóng lôi phát hiện tàu địch, cả ba tàu đã tăng tốc tiếp cận mục tiêu. Địch phát hiện thấy có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận thì tăng tốc chạy ra xa và dùng pháo lớn bắn dồn dập về phía đội hình tàu phóng lôi.
Mặc dù bị địch dùng đạn, pháo từ tàu và máy bay bắn dữ dội, nhưng các tàu của ta vẫn dũng cảm tiến về phía mục tiêu, vừa vận động tránh đạn, vừa nhanh chóng tiếp cận rút ngắn cự ly, chiếm lĩnh vị trí có lợi để công kích ngư lôi, phát huy hỏa lực trên tàu đánh trả quyết liệt các tốp máy bay và tàu chiến của địch.
Trận đánh ngày 02/8/1964 là trận đánh đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm thành lập, dù lực lượng, vũ khí trang bị còn nhỏ bé nhưng đã trực tiếp chiến đấu với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Song với tinh thần anh dũng, kiên cường, cán bộ, chiến sĩ ta đã đánh đuổi tàu Ma-đốc rút chạy khỏi lãnh hải Việt Nam; đồng thời bắn rơi 01 chiếc, bắn bị thương 01 chiếc máy bay Mỹ, khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị Hải quân nhân dân Việt Nam đánh đuổi ra khỏi vùng biển của ta, đêm mùng 4/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" để vu cáo lực lượng Hải quân miền Bắc tiến công vào tàu chiến Mỹ đang hoạt động bình thường ở vùng biển quốc tế, để đánh lừa dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ; lấy cớ đó để mở chiến dịch "trả đũa" mang tên "Mũi tên xuyên".
Ngày 05/8/1964, Mỹ huy động máy bay ở hai biên đội tàu sân bay gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tập kích ồ ạt gần như cùng một lúc vào các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của Hải quân ta suốt dọc ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh mở đầu cho hành động leo thang đánh phá miền Bắc.
Do được chuẩn bị chu đáo từ trước, trong trận đầu thử lửa với hải quân và không quân Mỹ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với quân dân miền Bắc dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên vùng biển, vùng trời miền Bắc.
Với chiến công xuất sắc trong trận chiến đấu ngày 02&05/8/1964, Bộ đội Hải quân và Phòng không được Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng tuyên dương công trạng ngày 07/8/1964. Tại Lễ tuyên dương, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi "... các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc, vừa rồi lại nghe tin 4 chiếc máy bay Mỹ đến Biên Hòa bị hỏng. Các chú đã bắt sông phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt".
Sau chiến thắng trận đầu, Quân chủng Hải quân đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì; Tiểu đoàn 135 (nay là Hải đội 135 thuộc Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân) được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 5 tập thể được tặng Huân chương Quân công hạng Ba; 142 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 20 tập thể được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tặng Cờ "Chiến công oanh liệt - Truyền thống vẻ vang"...
Chiến thắng trận đầu ngày 02&05/8/1964 có ý nghĩa chiến lược, tạo tiền đề thuận lợi, mang lại niềm tin, cổ vũ, động viên khí thế tiến công của quân và dân cả nước quyết tâm đánh bại các bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam để đánh thắng Mỹ- ngụy.
Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần của toàn dân tộc, của ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng; là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, một dân tộc dù nhỏ nhưng luôn yêu chuộng tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, dù chúng có đông hơn, mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Chiến thắng đó là minh chứng khẳng định tài thao lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đó là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật tác chiến Hải quân nói riêng, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng và địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Là thắng lợi của truyền thống đánh giặc "lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều" của dân tộc ta. Chiến thắng trận đầu là một trong những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam; là sự khởi đầu bản hùng ca oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành.
Từ nền tảng truyền thống của Quân chủng Hải quân và những bài học kinh nghiệm trong Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05/8/1964 sẽ là hành trang, nguồn lực tinh thần quý giá để thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân tiếp tục ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm nòng cốt cùng với các lực lượng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân.
Đại tá Phạm Kim Tuyến (Cục Chính trị Quân chủng Hải quân)