Những thủ lĩnh giữa biển khơi
Trong hàng nghìn ngư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đang ra khơi bám biển, ngày đêm cần mẫn trên những tàu cá xuôi ngược ở các ngư trường, có những ngư dân kỳ cựu, được xem như những thủ lĩnh và là một trong những “cột mốc sống” đánh dấu chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sinh ra từ miền biển nên nhiều thế hệ con em ở xã Cảnh Dương gắn bó đời mình với biển cả, những ngư dân Cảnh Dương vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Vị mặn của biển, sự chịu thương, chịu khó của ngư dân Cảnh Dương đã tạo nên những nét riêng của những con người gắn bó cuộc đời mình với biển khơi nơi này.
Một lòng vươn khơi bám biển
Chúng tôi về Cảnh Dương những ngày cuối năm. Những tàu cá được xếp thành hàng thẳng tắp, ngăn nắp dọc theo con đường nhỏ ven bờ biển dẫn vào khu tàu thuyền neo đậu của xã. Với người dân Cảnh Dương, biển đẹp nhất là lúc những chiếc tàu cá trở về sau mỗi chuyến đi thuận buồm xuôi gió.
Dù không ít khó khăn trên đầu sóng ngọn gió, tàu của ngư dân Cảnh Dương vẫn hằng ngày ra khơi bám biển. Hiện toàn xã Cảnh Dương có hơn 800 phương tiện tàu cá, trong đó gần một nữa số tàu công suất lớn đang tham gia đánh bắt hải sản xa bờ. Mùa biển năm 2021, ngư dân khai thác được gần 4.000 tấn hải sản các loại, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng. Đến năm 2022, sản lượng khai thác toàn xã tăng 1.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, đem về doanh thu xấp xỉ 300 tỷ đồng. Thu nhập bình quân lao động cũng tăng lên đáng kể.
Bên bến cảng ấy, ngư dân Hồ Quang Hóa (40 tuổi), tổ trưởng tổ hợp tác khu 7 gồm 18 tàu cá công suất lớn, đang sửa sang lại con tàu đánh cá, chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến bám biển sắp tới. Lá cờ sờn rách vì gió biển đã được hạ xuống, thay vào đó là lá cờ Tổ quốc mới đỏ tươi được căng lên như một niềm hy vọng vào một chuyến tàu đầy ắp tôm cá trở về. Đứng trên boong tàu lộng gió, nhìn về phía biển, ông Hóa tâm sự: “Bao đời nay, người dân Cảnh Dương chúng tôi sống với nghề biển. Trước đây, chỉ đánh bắt gần bờ bằng những chiếc tàu bè nhỏ, đơn sơ, công cụ cũng chẳng có nhiều, chủ yếu là để kiếm cái ăn cho qua bữa. Muốn vượt sóng to thì phải có tàu máy lớn, nên tôi đã kêu gọi anh em bạn chài hùn vốn đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi làm ăn”.
Năm 2003, tàu cá hiện đại đầu tiên trong tổ hợp tác khu 7 của ông Hóa hạ thủy. Sau mỗi chuyến ra khơi, tàu cập bờ với khoang nặng trĩu cá, cuộc sống của ông Hóa và anh em bạn chài khấm khá lên từ đó.
Từ thành công của chiếc tàu đầu tiên, ông Hóa tiếp tục động viên các anh em góp vốn, từ đó có các con tàu thứ 2, thứ 3 và nhiều hơn nữa. Bằng những nỗ lực, tổ hợp tác khu 7 luôn cho sản lượng khai thác cao và ông Hóa đã trở thành một thủ lĩnh giữa miền biển.
“Chúng tôi coi rằng, mỗi con tàu, mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền trên biển. Giữa biển khơi mênh mông dài rộng, nhưng nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam bay trên nóc ca bin tàu là ngư dân chúng tôi cảm thấy yên tâm và tự hào, có thêm sự động viên để tiếp tục làm giàu, phục vụ quê hương”, ông Hóa chia sẻ.
Cột mốc “sống” của chủ quyền biển đảo
Chẳng ai biết được nghề khai thác hải sản ở Cảnh Dương có từ bao giờ, mà chỉ biết đã từ rất lâu, người dân nơi đây luôn gắn liền với biển cả, với vị mặn của biển, với ngọn sóng và những cơn gió mang theo hơi thở của đại dương. Thế hệ xa xưa đã lập nghiệp từ biển cả và rồi từ đó, nối gót thế hệ đi trước, người dân Cảnh Dương hôm nay lấy đó làm cái nghề chính, từ mưu sinh đi đến làm giàu.
Không riêng ông Hóa, ngư dân Nguyễn Minh Đức (49 tuổi) cũng mang trong mình niềm yêu nghề, yêu biển mãnh liệt. Dù đã ngoài tuổi tứ tuần nhưng ông cũng không thể biết được gia đình mình bắt đầu sự nghiệp biển cả từ khi nào.
“Khi sinh ra tôi đã thấy cha mình đi biển, nghe kể lại cả nhà tôi từ đời ông nội đều theo nghiệp biển. Đời cha, ông cũng muốn con cháu sau này gìn giữ và kế nghiệp. Giữa sóng vỗ trùng khơi, phải luôn giữ được một cái đầu lạnh, và một trái tim nóng, sự đam mê, nhiệt huyết với biển”, ông Đức nói.
Hơn 30 năm ngang dọc trên biển, ông Đức không nhớ rằng mình đã đi bao nhiêu chuyến tàu, không nhớ rõ đã bao lần vượt biển để ra với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ sự chăm chỉ ấy, cuộc sống của gia đình anh và hàng chục bạn chài bớt khó khăn, mua được tàu cá công suất lớn và tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Đức còn tìm hiểu, mạnh dạn tuyên truyền và phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với các chủ tàu cùng ngư dân địa phương, đặc biệt là lớp ngư dân trẻ.
Ông Đức quả quyết: “Trong những đêm thức trắng giữa biển khơi, ánh sáng le lói được thắp lên bằng những ngọn đèn nhỏ nhoi từ các tàu đánh cá, tàu câu mực luôn luôn tỏa sáng. Một chút ánh sáng gần gũi, ấm áp ấy, chợt dậy lên niềm tin trong tôi ở đâu có ngư dân, ở đó có Tổ quốc. Mỗi lá cờ đỏ sao vàng và mỗi ngư dân chúng tôi trên ngư trường đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Dù hoàn cảnh nào thì chúng tôi cũng một lòng vươn khơi bám biển. Giữ biển, canh trời là trách nhiệm với Tổ quốc, với tổ tiên, ông bà của mình”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội nông dân xã Cảnh Dương, những thủ lĩnh như ông Hóa, ông Đức là tấm gương sáng cho thế hệ ngư dân trẻ sau này. “Không riêng ông Hóa, ông Đức mà mỗi ngư dân Cảnh Dương, họ đều hướng về biển cả, hướng về những ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa, nơi mà lớp lớp cha ông đã không quản khó khăn, cực nhọc vươn khơi để cắm lên đó ngọn cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của quốc gia”, ông Tiếp nói.
Với người Cảnh Dương, vị mặn của biển, của gió đã ăn sâu vào da, vào thịt. Cũng chính vì lẽ đó mà hằng trăm năm nay, người dân ở đây vẫn luôn kiên trì bám biển. Đó là một hành trình đầy khó khăn, vất vả, thế nhưng với họ, được vươn khơi bám biển là một niềm vui, niềm hạnh phúc, là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả mà họ sẽ không bao giờ từ bỏ.