A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư duy phản biện công cụ hữu ích trong nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

BTGDV-Hiện nay các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội... như một phương tiện truyền dẫn, cài cắm và đăng tải những luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là trước các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta. Bối cảnh trên đây đặt ra yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề cho các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ giảng viên, báo cáo viên các cấp trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi phải có các phương pháp, công cụ hữu hiệu để nâng cao tính thuyết phục, tính khoa học, tính chiến đấu trong mỗi bài giảng, bài thuyết trình.

 

Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, chuẩn hóa về văn bằng, chứng chỉ, tuy nhiên đa số vẫn hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, chưa thực sự nhạy bén trước những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Khi tiếp xúc với những thông tin trái chiều, quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội thường có tâm lý “bỏ qua”, ngại tiếp cận, thiếu bản lĩnh trong việc; vạch rõ tính chất sai trái, phản khoa học. Để khắc phục những hạn chế trên, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nắm vững và sử dụng hiệu quả tư duy phản biện. Bởi vì, tư duy phản biện sẽ giúp chúng ta có khả năng xem xét thông tin một cách đa chiều, dựa trên kiến thức đã biết, phân tích, đánh giá nhằm vạch rõ lập luận sai, dẫn chứng không chính xác để đạt đến tính chân thực của thông tin và giải quyết hiệu quả vấn đề. Với tư duy phản biện, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, lối mòn hay thói quen có sẵn; tránh được những rào cản của định kiến; tìm hiểu, phát hiện những ý tưởng, giá trị mới của vấn đề; tạo tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ trong suy nghĩ và hành động; có ý thức nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc nhìn đa chiều. Những ưu thế mang lại cho cán bộ, đảng viên đặc biệt là thế hệ trẻ khi nắm vững và sử dụng có hiệu quả tư duy phản biện thể hiện ở việc lựa chọn thông tin để nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Kích hoạt tư duy phản biện giúp cho giảng viên huy động tổng hợp các yếu tố (tri thức, kỹ năng, phương pháp tư duy, phẩm chất cá nhân) khi xem xét toàn diện từ mục đích, nội dung, cách thức của các quan điểm sai trái, thù địch; tìm tòi, mở rộng tri thức, thanh lọc thông tin để nhận diện chính xác các quan điểm đó; biết phản biện, định hướng thông tin, tư tưởng dư luận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đồng thời, khắc phục được tình trạng nhiễu, loạn thông tin, tiếp nhận mù quáng, chạy theo dư luận, tin đồn hay thụ động, thiếu phản biện trước các vấn đề còn nghi vấn. Do đó, tư duy phản biện có vai trò như “màng lọc” trên không gian mạng giúp họ tự nhận diện và ngăn chặn thông tin xấu độc, mang tính kích động hoặc sai lầm, chủ động phân tích, đánh giá chính xác vấn đề trước khi chấp nhận bất cứ quan điểm nào; đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên phân tích, đánh giá khoa học và đưa ra các giải pháp tối ưu để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc các thông tin, tư duy phản biện giúp giảng viên sử dụng kiến thức, trí tuệ và lòng tin để so sánh, phân tích, tổng hợp vấn đề cần phản biện, suy luận hướng đến một kết luận lôgíc, đúng đắn và chính xác về thông tin. Khi so sánh, phân tích đối chiếu giữa các quan điểm chính thống, đúng đắn, khoa học, cách mạng với các quan điểm sai trái, họ có thể phát hiện những lập luận sai, thiếu lôgíc; loại bỏ các thông tin sai trái, vạch trần âm mưu, thủ đoạn và đánh giá, chỉ rõ tính chất xuyên tạc, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Trên cơ sở đó, rèn luyện cho họ cách lập luận phản biện để giải quyết triệt để và khoa học vấn đề đấu tranh. Chính vì vậy, có thể xem tư duy phản biện là cơ sở của hoạt động đấu tranh giàu tính thuyết phục dựa trên các kết luận đúng đắn, khoa học. Tư duy phản biện giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện dũng khí, nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận. Mặc dù cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch diễn ra rất phức tạp, khó khăn với nhiều sắc thái khác nhau, nhưng nếu mỗi giảng viên đấu tranh có phương pháp phù hợp trong thu thập, lựa chọn, xử lý thông tin dựa trên tư duy phản biện khoa học sẽ nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động này. Khi có kiến thức về vấn đề đấu tranh, cùng với tư duy phản biện sắc bén, họ sẽ có bản lĩnh, ý chí vững vàng và thái độ, tinh thần phản biện khoa học trong hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận, đặc biệt trên không gian mạng hiện nay. Từ đó, họ củng cố niềm tin, nâng cao bản lĩnh chính trị, nêu cao ý thức cảnh giác, đề phòng và tích cực chủ động tìm tòi phương pháp đấu tranh phù hợp nhằm loại bỏ chúng. Thực hiện sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động đó, mỗi giảng viên sẽ thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, có lý luận sắc bén và tư duy khoa học, có sự nhạy cảm về chính trị và dũng khí để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch là công việc thường xuyên, hằng ngày, gắn với nghề nghiệp, là sứ mệnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để hoàn thành trọng trách này, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự nghiên cứu, tìm tòi, tiếp thu những tri thức mới; đồng thời không ngừng rèn luyện kỹ năng, phương pháp tư duy, nhất là tư duy phản biện, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Trần Thảo

 


Tác giả: Trần Thảo
Nguồn: Ban Biên Tâp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.422
Hôm qua : 3.234
Tháng 04 : 53.200
Năm 2025 : 223.774