A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

78 năm và hành trình đột phá vươn lên của ngành Thuế Việt Nam

Cùng với niềm hân hoan giành được độc lập dân tộc và sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 10/9/1945, Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27 lập ra Sở Thuế quan và Thuế gián thu. Đây là cơ sở pháp lý và là tiền đề cho ngành Thuế Nhà nước Việt Nam ra đời và phát triển. Và tại Quyết định số 1370/QĐ-TTg ngày 06/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công nhận ngày 10/9 hằng năm là “Ngày Truyền thống của ngành Thuế Việt Nam”.

Trong từng giai đoạn lịch sử, lời dạy của Bác Hồ “Thu thuế phải thu được lòng dân” luôn được ngành Thuế Việt Nam vận dụng thực hiện có hiệu quả trong công tác thu NSNN

78 năm lớn lên cùng đất nước

Hành trình 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tài chính, được sự ủng hộ và giúp đỡ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), ngành Thuế Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đồng lòng chung sức vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, đột phá, thực hiện thành công nhiệm vụ và đã có những đóng quan trọng vào công cuộc kháng chiến, thống nhất và kiến thiết đất nước.

Một trong những chính sách về thuế được Nhân dân vui mừng khôn xiết, đó là được Đảng, Bác Hồ và Chính phủ quyết định ngay sau khi Nhà nước Dân chủ ra đời là xóa bỏ thuế thân và các sắc thuế trước đó do chế độ thực dân phong kiến ban hành để bóc lột Nhân dân. Mỗi người dân như được cởi trói bởi gánh nặng về các thứ thuế vô lý…

Trong 10 năm đầu sau khi Nhà nước Dân chủ ra đời, thuế được coi là công cụ động viên nguồn lực để phục vụ nhu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khuyến khích phát triển kinh tế ở những vùng giải phóng, bảo đảm cho bộ đội ăn no đánh thắng, đáp ứng nguồn lực tài chính cho Nhà nước non trẻ ổn định và phát triển, mà đỉnh cao là đã huy động được nguồn lương thực, nguồn lực cần thiết cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi.

Bước sang giai đoạn 1956-1975, Chính phủ chủ trương chuyển từ thuế tự nguyện sang nộp thuế bắt buộc. Ngành Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành một hệ thống thuế hoàn chỉnh gồm thuế Nông nghiệp và 12 sắc thuế phù hợp áp dụng cho hai miền Bắc, Nam.

Giai đoạn này, cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng ở miền Nam, thống nhất đất nước. Ngành Thuế cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…

Với nỗ lực liên tục và bền bỉ của toàn ngành Thuế, cũng như sự ủng hộ của Nhân dân đã góp phần quan trọng cho công cuộc kiến thiết miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, làm nên Ðại thắng mùa Xuân năm 1975.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ VI, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Dự báo các chính sách thuế trước đó không còn phù hợp với trong giai đoạn mới lúc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế tập trung tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền ban hành một hệ thống chính sách thuế mới gồm: Thuế Công thương nghiệp, thuế nông nghiệp, thu từ xí nghiệp quốc doanh.

Xác định “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế đã kịp thời chuyển đổi số, điện tử hóa, số hóa trong công tác quản lý thuế bởi đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu

Phân cấp mạnh mẽ để phát triển đồng bộ

Đặc biệt, năm 1990, cùng với đường lối đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, các thành phần kinh tế ở Việt Nam đã phát triển nhanh theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Đảng và Nhà nước cũng chủ trương thực hiện cải cách thuế, bắt đầu áp dụng một hệ thống thuế thống nhất, gồm 9 sắc thuế đối với mọi thành phần kinh tế.

Theo đó, Nghị định số 281-HĐBT ngày 7/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập hệ thống thu thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, hệ thống Thuế Nhà nước chính thức được cơ cấu lại theo phân cấp gồm: (i) tại Trung ương, có Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính; (ii) tại các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có các Cục Thuế trực thuộc Tổng cục thuế, đồng thời chịu sự chỉ đạo song trùng của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp; (iii) tại các quận, huyện, và cấp tương đương có Chi cục thuế thuộc Cục Thuế, đồng thời chịu sự chỉ đạo song trùng của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp.

Từ đây, ngành Thuế đã tiến một bước dài trong việc tập trung mọi nguồn lực tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Đó là việc thiết kế được chiến lược cải cách thuế và chiến lược này được Chính phủ ban hành theo 4 giai đoạn cải cách thuế chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước.

Kết quả thực hiện bước 1 và 2 về mục tiêu cải cách hệ thống pháp luật thuế. Với hệ thống pháp luật về thuế khá hoàn chỉnh trong giai đoạn này, điển hình việc triển khai 2 Luật, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập DN đã trở thành 2 sắc thuế chủ yếu đảm bảo nguồn thu cho NSNN. Ở giai đoạn này, ngành Thuế đã ghi dấu những bước tiến dài trong lịch sử hình thành và phát triển, để bắt kịp xu hướng tiên tiến của thời đại và quan trọng hơn là đáp ứng các yêu cầu cấp thiết để đổi mới và phát triển đất nước.

Trong cải cách bước 3, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới nên nội dung cụ thể của giai đoạn này hướng đến việc sửa đổi và ban hành mới các sắc thuế phù hợp tiến trình hội nhập và cam kết đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Luật Quản lý thuế ra đời cũng đánh dấu sự đổi mới toàn diện theo hướng hiện đại, minh bạch, giảm chi phí.

Cải cách thuế bước 4 là việc áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn bộ lĩnh vực quản lý thuế của ngành Thuế. Theo đó tập trung cải cách chính sách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử hóa, số hóa đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số quốc gia, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Công tác quản lý thuế ngày càng được kiện toàn, củng cố cả về cơ chế quản lý, bộ máy và con người, trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức, thực thi các chính sách thuế. Cơ quan thuế các cấp đã chuyển từ cơ chế “chuyên quản” làm thay nhiều công việc thuộc trách nhiệm của NTT sang cơ chế đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh trong việc tự tính, tự khai và nộp thuế vào NSNN.

Từ ngày 1/7/2007, cơ chế quản lý tự kê khai, tự nộp thuế đã chính thức được luật hóa ở Luật Quản lý thuế và áp dụng trong phạm vi toàn quốc. Theo đó, NTT chủ động tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật về thuế. Luật Quản lý thuế cũng đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước pháp luật của cả NTT, cơ quan thuế, cán bộ thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tăng cuờng hiệu lực công tác quản lý thuế.

Với quyết tâm chính trị và sự tận tụy, sáng tạo, dám nghĩ, dám đổi mới, có thể nói điểm sáng trong cải cách thuế trong giai đoạn này phải kể đến sự thay đổi về tư duy quản lý của cơ quan thuế đã có những chuyển biến tích cực. Các hội nghị đối thoại, tuyên truyền chính sách mới và tuyên dương DN được tổ chức thường xuyên hơn, cộng đồng DN nhận thấy cơ quan thuế đang nhìn nhận DN từ “đối tượng quản lý” trở thành “người đồng hành”, là “đối tác” của cơ quan thuế.

Cải cách hành chính mạnh mẽ, ngành Thuế đã góp phần tạo môi trường giao dịch văn minh hiện đại, đảm bảo chất lượng, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân

Ngành Thuế Việt Nam hôm nay tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng

Để đạt được những thành tựu trên, ngành Thuế luôn hành động với phương châm “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”, “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, đồng thời xác định chuyển đổi số là xu hướng và yêu cầu tất yếu với công tác quản lý thuế trong thời đại 4.0.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế luôn tiên phong đi đầu quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý. Theo đó, trên cơ sở 99% DN đã sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, cơ quan thuế đã đẩy mạnh triển khai các ứng dụng thuế điện tử cho các cá nhân.

Đối với ứng dụng Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có địa chỉ kinh doanh tại Việt Nam, hiện đã có 58 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công, trong đó nhiều nhà cung cấp nước ngoài lớn như: Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple… 

Đặc biệt, với quyết tâm triển khai sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy, chỉ trong thời gian rất ngắn, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai, với tổng số hơn 4,52 tỷ hóa đơn đã được tiếp nhận và xử lý.

Việc triển khai hóa đơn điện tử không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ về hiện đại hóa, trong 2 năm liên tiếp 2021-2022, Tổng cục Thuế vinh dự được nhận Giải thưởng cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm lực tài chính quốc gia cũng không ngừng được cải thiện, trong đó công tác thuế có tầm quan trọng hàng đầu. Với vai trò bảo đảm nguồn thu NSNN, ngành Thuế cả nước luôn phấn đấu nỗ lực, đáp ứng yêu cầu của Ðảng và Nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ cách mạng.

Đặc biệt, mỗi chính sách Thuế ban hành đi vào cuộc sống, từng cán bộ, công chức, viên chức thuế lại là những tuyên truyền viên tích cực, vận động, giải tích, tư vấn, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được cộng đồng DN, người dân đồng tình ủng hộ…

Trên chặng đường 78 năm qua, ngành Thuế đã không ngừng lớn mạnh, đổi mới toàn diện, cải cách, hiện đại hóa, khẳng định vị thế then chốt trong hệ thống tài chính Quốc gia. Trong đó đã tham mưu, đề xuất và xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về thuế đồng bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên tối đa mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, cải cách hành chính, tạo môi trường giao dịch văn minh hiện đại, đảm bảo chất lượng, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và NTT, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh quốc gia.

Trong từng giai đoạn lịch sử, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng dân” luôn được ngành Thuế Việt Nam vận dụng thực hiện có hiệu quả trong công tác thu NSNN và mỗi giai đoạn phát triển của ngành Thuế đều tạo ra những dấu ấn riêng nhưng tựu chung vì sự tiến bộ của Nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước, từ đó nuôi dưỡng thêm niềm tự hào đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thuế tiếp tục tiếp bước các thế hệ đi trước viết lên những trang sử vàng rạng rỡ về ngành Thuế Việt Nam.

 

Gia Linh - Thu Thủy


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.197
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.981
Năm 2024 : 513.327