A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an Hà Giang nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao (SDCNC) xâm phạm trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhiều hành vi với những phương thức thủ đoạn khác nhau. Trong đó, nổi lên là tội phạm: Đánh bạc; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức...

Tội phạm SDCNC để tổ chức đánh bạc và đánh bạc trực tuyến trên không gian mạng diễn ra công khai, lôi kéo người chơi với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi. Các cơ quan chức năng đã phát hiện các trang Web đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài được các đối tượng trong nước câu kết với các nhà cái ở nước ngoài tổ chức “phát mạng” về Việt Nam, lập ra các đại lý phân cấp từ cao xuống thấp và chia tiếp thành nhiều nhánh cho người chơi theo mô hình đa cấp, khi bị phát hiện, các đối tượng cấp trên lập tức khóa mạng, xóa dữ liệu trong tài khoản cá cược. Sử dụng không gian mạng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua, bán số lô, số đề trái pháp luật; các đối tượng trao đổi, bàn bạc chủ yếu thông qua điện thoại di động, thường xuyên thay đổi số, sử dụng “sim rác”, hoặc qua mạng xã hội và các ứng dụng, phần mềm gọi, nhắn tin trên nền tảng di động có tính bảo mật cao; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sử dụng địa chỉ giao thức của Internet (IP) ảo, liên tục thay đổi mật khẩu tài khoản đánh bạc… gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Một đường dây đánh bạc qua mạng internet bị cơ quan Công an tỉnh triệt phá.
Một đường dây đánh bạc qua mạng internet bị cơ quan Công an tỉnh triệt phá.

Đối với tội phạm SDCNC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra dưới nhiều hình thức với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như: Giả mạo Cơ quan điều tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra. Gửi thư thông báo tặng cho một kiện hàng giá trị lớn từ nước ngoài với điều kiện phải chuyển trước một khoản phí để làm thủ tục rồi chiếm đoạt. Giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM. Qua mạng xã hội đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương, đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng, tiếp theo giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng đánh cắp các tài khoản mạng xã hội sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị người nhà chuyển hộ tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng. Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo sau đó tìm kiếm những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng, sau khi người bán hàng đồng ý thì các đối tượng sẽ yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản. Sau khi nhận được thông tin đối tượng sẽ sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: “Tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền bạn hãy truy cập vào trang web có đường dẫn ở cuối tin nhắn rồi nhập đầy đủ thông tin như tên tài khoản, số tài khoản và mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”. Khi bị hại nhập thông tin và mã OTP thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng dịch vụ Internet banking của tài khoản ngân hàng đó và ngay lập tức sẽ rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại chuyển tới tài khoản khác để chiếm đoạt. Đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị như xe máy có giá trị, số lượng lớn tiền mặt... rồi yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng bọn chúng chuẩn bị từ trước hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển cho chúng làm thủ tục nhận thưởng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sử dụng sim rác gọi điện đến các thuê bao di động giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số có khả năng biết trước kết quả đề nghị các chủ thuê bao đánh hộ số lô, số đề để hưởng phần trăm hoa hồng hoặc gửi tiền cho bọn chúng qua các tài khoản ngân hàng thì chúng sẽ cung cấp kết quả xổ số cho các chủ thuê bao trực tiếp tham gia đánh lô, đề. Sau khi bị hại gửi tiền theo yêu cầu thì bị chiếm đoạt…

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Phòng, Công an các huyện, thành phố, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh quyết liệt với tội phạm SDCNC. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng, đăng tải nhiều phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm SDCNC; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật về không gian mạng.

Cùng với đó, lực lượng Công an đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, triệt phá, bắt, khởi tố 16 vụ/88 bị can SDCNC để phạm tội. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm SDCNC, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, như: Công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, cảnh báo người dân chưa được triển khai một các đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nhiều hình thức đánh bạc truyền thống có xu hướng chuyển sang hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện thuận tiện, bí mật hơn; khó xác định, ngăn chặn, thu hồi dòng tiền, tài sản có nguồn gốc từ đánh bạc chuyển dịch ra nước ngoài. Tình trạng sử dụng “sim rác”, mua bán tài khoản ngân hàng còn xảy ra; chưa có giải pháp quản lý các cuộc gọi VOIP để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Công tác phối hợp đấu tranh xử lý tội phạm SDCNC còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm SDCNC ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Khuyến cáo đến mọi người dân nâng cao cảnh giác, không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem; không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền; cảnh giác với những trang website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang website ngân hàng... lưu ý chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các website chính thức của ngân hàng có uy tín. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhờ, không nói chuyện qua tin nhắn; đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển - nhận tiền từ nước ngoài về chỉ gửi nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp. Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết. Trong nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng tài khoản ngân hàng (do mua, mượn, thuê được) để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là hành vi trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Nguyễn Lân


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.243
Hôm qua : 2.579
Tháng 05 : 72.297
Năm 2024 : 371.711